Cơ hội từ EVFTA đối với các sản phẩm thịt và chế phẩm từ thịt của Đức

Đức là nước có nền nông nghiệp rất phát triển với hơn 80% lãnh thổ của nước này được sử dụng cho mục đích sản xuất nông nghiệp và lâm nghiệp. Do đó, Đức cũng được biết đến là quốc gia hàng đầu về sản xuất và xuất khẩu nông sản, trong đó phải kể đến các loại thịt như thịt lợn, thịt bò hay các chế phẩm từ thịt. Cụ thể, Đức dẫn đầu Châu Âu về sản xuất và xuất khẩu thịt lợn, đứng thứ hai về sản xuất, xuất khẩu thịt bò. Năm 2019, Đức đã xuất khẩu khoảng 363 nghìn tấn thịt bò và 2,8 triệu tấn thịt lợn tới khoảng 100 nước trên thế giới (german-meat.org). Ngoài ra, Đức cũng là quốc gia có ngành công nghiệp chế biến thịt với hàng trăm năm kinh nghiệm trong việc sản xuất các sản phẩm như xúc xích, thịt đông lạnh, giăm bông... 

Về phía Việt Nam, nhu cầu tiêu thụ thịt lợn và thịt bò ngày càng gia tăng, trong khi sản lượng thịt trong nước đôi khi lại chưa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Hơn nữa, người tiêu dùng Việt đã bắt đầu làm quen và gia tăng sử dụng các sản phẩm thịt đông lạnh, chế biến. Do đó, lượng thịt bò và thịt lợn nhập khẩu của Việt Nam trong thời gian qua đã có sự tăng trưởng đáng kể. Theo thống kê của Cục Chăn nuôi, tổng kim ngạch nhập khẩu thịt trâu bò trong năm 2020 của Việt Nam đạt gần 414,4 triệu USD, tăng 28,8% so với năm 2019. 

Vì vậy, EVFTA có hiệu lực sẽ giúp thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm thịt của Đức sang thị trường Việt Nam nhờ các lợi ích sau:

Lợi ích từ cắt giảm thuế quan:

Việt Nam hiện đang duy trì các mức thuế MFN tương đối cao đối với thịt lợn, thịt trâu bò và các chế phẩm từ thịt. Cụ thể, thuế MFN trung bình năm 2020 đối với thịt trâu bò tươi/ướp/đông lạnh là 14-30%, thịt lợn tươi/ướp/đông lạnh là 15-25%, các loại thịt muối/hun khói là 10-20%, xúc xích và các sản phẩm tương tự làm từ thịt là 22%. Với EVFTA, các sản phẩm thịt của Đức nhập khẩu vào Việt Nam sẽ được xóa bỏ thuế quan với lộ trình cụ thể như sau: Xóa bỏ thuế quan đối với thịt trâu bò sau 3 năm, với thịt lợn sau 7-9 năm, với thịt muối/hun khói sau 7-9 năm, và với xúc xích là sau 10 năm.

Lợi ích từ bảo hộ Chỉ dẫn địa lý

Trong 12 chỉ dẫn địa lý của Đức được bảo hộ tự động theo EVFTA khi vào thị trường Việt Nam, có 02 sản phẩm thịt là: Xúc xích Nürnberger Bratwurst (Nürnberger Rostbratwürste) và Giăm bông Schwarzwälder Schinken. Các sản phẩm này sẽ có lợi thế khi tiếp cận thị trường Việt Nam do được bảo hộ, được biết đến và tăng giá trị thương hiệu đối với người tiêu dùng Việt Nam.

Dưới đây là Bảng cam kết ưu đãi thuế quan của Việt Nam cho một số nông sản xuất khẩu chủ lực của Đức:

Sản phẩm

Mã HS

Thuế MFN 2021 của Việt Nam

Cam kết ưu đãi thuế quan của Việt Nam cho EU*

Các loại thịt tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh và chế phẩm từ thịt

Thịt trâu, bò

0201-0202

Từ 14 đến 30%

Trung bình: 19,67%

Xóa bỏ thuế dần đều trong vòng 04 năm với 6/6 dòng thuế

Thịt lợn

0203

Từ 15 đến 25%

Trung bình: 20%

-Xóa bỏ thuế dần đều trong vòng 08 năm với 3/6 dòng thuế (thịt đông lạnh)

- Xóa bỏ thuế dần đều trong vòng 10 năm với 3/6 dòng thuế (thịt tươi hoặc ướp lạnh)

Thịt gia cầm

0207

Từ 15 đến 40%

Trung bình: 28,08%

Xóa bỏ thuế dần đều trong vòng 11 năm với 26/26 dòng thuế

Thịt dê, cừu

0204

7% cho tất cả dòng thuế

Xóa bỏ thuế dần đều trong vòng 04 năm với 9/9 dòng thuế

Thịt và phụ phẩm dạng thịt muối, hun khói (trừ thịt cá voi và bò sát)

0210

Từ 10 đến 20%

Trung bình: 15%

-Xóa bỏ thuế dần đều trong vòng 08 năm với 5/9 dòng thuế (từ thịt trâu bò, thịt gà)

- Xóa bỏ thuế dần đều trong vòng 10 năm với 4/9 dòng thuế (từ thịt lợn)

 

Xúc xích và các sản phẩm tương tự làm từ thịt

1601

22% cho tất cả dòng thuế

Xóa bỏ thuế dần đều trong vòng 11 năm với 2/2 dòng thuế

Sữa và các sản phẩm từ sữa

0401 đến 0406

Từ 0 đến 20%

Trung bình: 9,96%

- Xóa bỏ thuế ngay khi EVFTA có hiệu lực với 2/38 dòng thuế (Whey)

- Xóa bỏ thuế dần đều trong vòng 04 năm với 15/38 dòng thuế (sữa dạng lỏng/đông lạnh, Buttermilk…)

- Xóa bỏ thuế dần đều trong vòng 06 năm với 21/38 dòng thuế (bơ, pho mát…)

* Trong Bảng này, các dòng thuế được xóa bỏ "trong vòng X năm" được hiểu là thuế sẽ được xóa bỏ hoàn toàn từ ngày 1/1/năm thứ X kể từ khi EVFTA có hiệu lực

Chi tiết tham khảo Văn kiện Hiệp định EVFTA tại: https://trungtamwto.vn/chuyen-de/8445-van-kien-hiep-dinh-evfta-evipa-va-cac-tom-tat-tung-chuong

Nguồn: Trích dẫn "Sổ tay Doanh nghiệp: Tận dụng EVFTA để xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và Đức" - Trung tâm WTO và Hội nhập