Thuận lợi và khó khăn của hàng hóa Việt Nam khi xuất khẩu sang New Zealand
• Thuận lợi
Nhiều sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang New Zealand (quần áo, đồ nội thất bằng gỗ, trái cây tươi…) mới chỉ chiếm thị phần tương đối hạn chế trong tổng nhập khẩu của New Zealand, tuy nhiên giá trị xuất khẩu các mặt hàng này của Việt Nam sang New Zealand có xu hướng tăng đáng kể trong những năm gần đây, điều này cho thấy dư địa và tiềm năng để xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang New Zealand vẫn còn rất lớn.
Trong thời gian tới, xuất khẩu của Việt Nam sang New Zealand được dự báo tiếp tục tăng trưởng nhờ các yếu tố thuận lợi như:
- Với tình hình suy thoái, lạm phát ngày càng leo thang do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và xung đột Nga-Ukraine… người tiêu dùng New Zealand đang ngày càng quan tâm đến giá cả khi lựa chọn mua sắm. Vì vậy, nhu cầu của họ đối với các sản phẩm có giá cả phải chăng từ các nước đang phát triển như Việt Nam cũng tăng lên. Với lợi thế về ưu đãi thuế quan từ 03 FTA chung của hai nước, Việt Nam hoàn toàn có cơ hội để gia tăng thị phần ở New Zealand.
- Người tiêu dùng New Zealand cũng cởi mở hơn với việc sử dụng các sản phẩm nhập khẩu (trong đó có sản phẩm của Việt Nam) miễn là các sản phẩm nhập khẩu đáp ứng yêu cầu về chất lượng và có giá cả cạnh tranh.
- Chất lượng của các sản phẩm Việt đang ngày càng được nâng cao và dần chinh phục được nhiều thị trường khó tính. Nhiều doanh nghiệp lớn của Việt Nam đã đầu tư bài bản và dài hạn cho sản xuất và xuất khẩu hàng hóa tiêu chuẩn cao sang các nước phát triển – những thị trường có yêu cầu khắt khe về chất lượng và mẫu mã sản phẩm. Ngoài ra, Việt Nam cũng đang chú trọng thu hút đầu tư công nghệ cao vào các ngành nhiều tiềm năng nhưng công nghệ còn lạc hậu như rau củ quả, thủy hải sản… để nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu.
- Sự phát triển của các nền tảng thương mại điện tử và sự gia tăng trong việc mua sắm hàng hóa nước ngoài qua các kênh mua sắm trực tuyến giúp cho hàng hóa Việt Nam có thể dễ dàng tiếp cận thị trường New Zealand.
• Khó khăn
Bên cạnh những thuận lợi, xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang New Zealand cũng gặp một số khó khăn nhất định:
- Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu chủ lực của Việt Nam chưa có tính bổ sung cao cho cơ cấu hàng nhập khẩu của New Zealand. New Zealand có nhu cầu nhập khẩu nhiều nhiên liệu khoáng, xe các loại, thiết bị quang học, dược phẩm, phương tiện bay... Trong khi đó, Việt Nam lại có thế mạnh và xuất khẩu nhiều giày dép, quần áo, đồ nội thất, thủy sản... Như vậy, những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam chưa phải là những mặt hàng mà New Zealand có nhu cầu lớn.
Bảng: So sánh tốp 10 sản phẩm New Zealand nhập khẩu nhiều nhất và tốp 10 sản phẩm Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất năm 2023
Tốp 10 sản phẩm nhập khẩu nhiều nhất của New Zealand |
Tốp 10 sản phẩm Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất |
||
Mã HS |
Mô tả |
Mã HS |
Mô tả |
27 |
Nhiên liệu khoáng, dầu khoáng và các sản phẩm chưng cất từ chúng; các loại sáp khoáng chất |
85 |
Máy điện và thiết bị điện và các bộ phận của chúng; máy ghi và tái tạo âm thanh, máy ghi và tái tạo hình ảnh và âm thanh truyền hình, bộ phận và phụ kiện của các loại máy trên |
87 |
Xe trừ phương tiện chạy trên đường sắt hoặc đường tàu điện và các bộ phận và phụ kiện của chúng |
84 |
Lò phản ứng hạt nhân, nồi hơi, máy và thiết bị cơ khí; các bộ phận của chúng |
84 |
Lò phản ứng hạt nhân, nồi hơi, máy và thiết bị cơ khí; các bộ phận của chúng |
64 |
Giày, dép, ghệt và các sản phẩm tương tự; các bộ phận của các sản phẩm trên |
85 |
Máy điện và thiết bị điện và các bộ phận của chúng; máy ghi và tái tạo âm thanh/hình ảnh và âm thanh truyền hình, bộ phận và phụ kiện của các loại máy trên |
61 |
Quần áo và hàng may mặc phụ trợ, dệt kim hoặc móc |
90 |
Dụng cụ và thiết bị quang học, nhiếp ảnh, điện ảnh, đo lường, kiểm tra, chính xác, y tế hoặc phẫu thuật; các bộ phận và phụ kiện của chúng |
62 |
Quần áo và hàng may mặc phụ trợ, không dệt kim hoặc móc |
39 |
Plastic và các sản phẩm bằng plastic |
94 |
Đồ nội thất; bộ đồ giường, đệm, khung đệm, nệm và các đồ dùng nhồi tương tự; đèn và bộ đèn, chưa được chi tiết hoặc ghi ở nơi khác; biển hiệu được chiếu sáng, biển đề tên được chiếu sáng và các loại tương tự; nhà lắp ghép |
30 |
Dược phẩm |
72 |
Sắt hoặc thép |
88 |
Phương tiện bay, tàu vũ trụ và các bộ phận của chúng |
03 |
Cá và động vật giáp xác, động vật thân mềm và động vật thuỷ sinh không xương sống khác |
23 |
Phế liệu và phế thải từ ngành công nghiệp thực phẩm; thức ăn gia súc đã chế biến |
39 |
Plastic và các sản phẩm bằng plastic |
73 |
Các sản phẩm bằng sắt hoặc thép |
40 |
Cao su và các sản phẩm bằng cao su |
Nguồn: ITC Trademap, 2024
- New Zealand là thị trường khó tính, nước này yêu cầu giấy phép nhập khẩu với nhiều loại hàng hóa (như nông sản, thực phẩm, dược phẩm, hóa chất…), đồng thời đặt ra các quy định nghiêm ngặt về kiểm dịch động thực vật, các tiêu chuẩn kỹ thuật đối với hàng hóa nhập khẩu… Điều này đặt ra thách thức lớn đối với xuất khẩu của Việt Nam bởi nếu không đáp ứng các quy định/yêu cầu từ phía New Zealand, hàng hóa của Việt Nam sẽ bị từ chối nhập khẩu vào nước này.
- Tuy là một thị trường nhỏ, mức độ cạnh tranh tại New Zealand lại tương đối lớn, với nhiều đối thủ cạnh tranh trong cùng khu vực như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước ASEAN (Singapore, Malaysia, Thái Lan). Các nước này có cơ cấu hàng hóa xuất khẩu sang New Zealand khá tương đồng với Việt Nam nên mức độ cạnh tranh càng cao hơn nữa. Ngoài ra, các quốc gia đã có FTA với New Zealand và các quốc gia được hưởng cơ chế ưu đãi GSP của New Zealand cũng tạo ra sức ép cạnh tranh nhất định đối với hàng hóa của Việt Nam tại thị trường này. Hơn nữa, ngay cả trong các lĩnh vực sản phẩm có thế mạnh, hàng hóa Việt Nam không hẳn có lợi thế về chất lượng, mức độ đa dạng và thương hiệu với các đối thủ này.
- Chi phí sản xuất và xuất khẩu hàng hóa sang thị trường New Zealand tương đối cao. Chi phí mà doanh nghiệp Việt Nam phải bỏ ra để đảm bảo tuân thủ các yêu cầu/quy định của New Zealand có thể cao hơn đáng kể so với nhiều thị trường xuất khẩu khác. Hơn nữa, khoảng cách địa lý xa giữa Việt Nam và New Zealand khiến chi phí vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam sang nước này cũng tốn kém hơn so với các thị trường xuất khẩu truyền thống của Việt Nam tại khu vực châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc và các nước ASEAN.
Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI