Đặc điểm hệ thống phân phối của New Zealand
Về kênh phân phối hàng hóa
Tại New Zealand, hàng hóa được phân phối bán lẻ thông qua nhiều kênh khác nhau như đại siêu thị, siêu thị, cửa hàng bách hóa, cửa hàng tiện lợi và qua các kênh mua sắm trực tuyến…
Quy mô thị trường bán lẻ của New Zealand đang ngày càng mở rộng. Trong giai đoạn 2013-2022, tổng thương mại bán lẻ của New Zealand đã có sự tăng trưởng đáng kể, từ 74,7 tỷ NZD năm 2013 lên đến 118,9 tỷ NZD năm 2022 (Ngân hàng dự trữ liên bang Hoa Kỳ, 2024).
Bảng: Một số loại hình phân phối bán lẻ tại New Zealand
Loại hình |
Đặc điểm |
Các thương hiệu nổi tiếng |
Đại siêu thị, siêu thị và cửa hàng giảm giá (Hypermarkets, Supermarkets & Hard Discounters) |
Cung cấp đa dạng các sản phẩm từ thực phẩm đến hàng tiêu dùng và đồ gia dụng. Thường có mức giá cạnh tranh và nhiều chương trình khuyến mãi để thu hút khách hàng. |
Countdown, Pak'nSave, New World |
Cửa hàng tiện lợi (Convenience Stores) |
Cung cấp các sản phẩm cần thiết hàng ngày với sự tiện lợi và linh hoạt cao. Thường mở cửa cả ngày lẫn đêm, phục vụ nhu cầu mua sắm của khách hàng vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày. |
Z Energy, Four Square, Night 'n Day |
Bán hàng trực tuyến (Online Specialists) |
Cung cấp đa dạng các sản phẩm thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Cung cấp sự tiện lợi, cho phép mua sắm từ xa với dịch vụ giao hàng toàn quốc. Thường có các chương trình giảm giá và ưu đãi đặc biệt cho khách hàng mua sắm trực tuyến. |
Trade Me, The Warehouse, GrabOne, Mighty Ape, Fishpond |
Cửa hàng bách hóa (Department Stores) |
Cung cấp đa dạng các sản phẩm từ quần áo, mỹ phẩm, đồ gia dụng đến đồ chơi và sách. Thường có các bộ sưu tập đa dạng và các thương hiệu phổ biến. Mang lại trải nghiệm mua sắm tập trung và tiện lợi với nhiều dịch vụ kèm theo như café và dịch vụ gói quà. |
Farmers |
Nguồn: GlobalData, 2022
Người tiêu dùng New Zealand có xu hướng tăng mua sắm trực tuyến nhờ sự dễ dàng và thuận lợi của nó. Bởi vậy, thương mại điện tử đang trở thành một công cụ quan trọng để doanh nghiệp trong lĩnh vực bán lẻ tiếp cận khách hàng New Zealand. Nhiều nhà bán lẻ truyền thống tại New Zealand cũng đang chuyển đổi theo hướng tăng các kênh bán hàng trực tuyến để bắt kịp xu hướng tiêu dùng của người dân, điều này dẫn đến việc bán hàng đa kênh (Omnichannel) đang ngày càng phổ biến tại New Zealand.
Nhiều người tiêu dùng New Zealand thường thích so sánh các mặt hàng, giá cả trên các kênh mua sắm khác nhau, đồng thời kiểm tra tình trạng còn hàng và thông tin sản phẩm trước khi mua sắm trực tiếp tại cửa hàng. Theo số liệu 2023 của Statista.com, hơn 2/3 số lượng người mua sắm trực tiếp tại các cửa hàng ở New Zealand, trước đó đã tìm hiểu trực tuyến các thông tin về sản phẩm.
Trade Me là nền tảng thương mại điện tử phổ biến nhất tại thị trường New Zealand. Ngoài ra, thị trường thương mại điện tử New Zealand còn có một số nền tảng phổ biến khác như The Warehouse, GrabOne, Amazon, Air New Zealand, eBay, Countdown, Mighty Ape, Fishpond…
Về kênh nhập khẩu hàng hóa
Hàng hóa nước ngoài có thể tiếp cận thị trường New Zealand thông qua nhiều kênh khác nhau phụ thuộc vào từng loại sản phẩm, các cân nhắc về tài chính cũng như các yếu tố khác như quy mô thị trường, nhu cầu và tiềm năng bán hàng trong dài hạn.
Sau đây là một số kênh nhập khẩu hàng hóa nước ngoài vào New Zealand:
• Qua hiện diện thương mại tại New Zealand
Các công ty nước ngoài thành lập hiện diện thương mại (thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, hợp đồng hợp tác kinh doanh, thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện…) tại New Zealand để thực hiện việc nhập khẩu, phân phối cho các đại lý, cửa hàng hoặc bán trực tiếp cho người tiêu dùng.
Việc thành lập hiện diện thương mại để nhập khẩu hàng vào New Zealand được đánh giá là kênh tiếp cận trực tiếp, hiệu quả nhưng đòi hỏi vốn đầu tư nhiều hơn so với các hình thức khác, thủ tục thành lập cũng mất nhiều thời gian và chi phí hơn. Do đó, hình thức này phù hợp với các công ty lớn, giao dịch với số lượng nhiều và muốn phát triển lâu dài tại thị trường New Zealand.
• Qua đối tác nhập khẩu tại New Zealand
Đối tác nhập khẩu có thể là các đơn vị mua hàng để sử dụng trực tiếp (thiết bị công nghiệp lớn, có giá trị; nguyên nhiên liệu phục vụ sản xuất…) hoặc là các đơn vị chuyên nhập khẩu (nhà nhập khẩu chuyên nghiệp), nhập khẩu hàng để phân phối lại tại thị trường New Zealand.
Các đơn vị chuyên nhập khẩu của New Zealand chủ yếu là các nhà bán buôn, nhà phân phối hoặc các đại lý trung gian nhập khẩu hàng hóa để phân phối lại (ví dụ cho các cửa hàng, siêu thị, các đơn vị khác có nhu cầu). Hàng hóa nhập khẩu thông qua các đơn vị nhập khẩu chuyên nghiệp này thường là các máy móc thiết bị nhỏ, vật tư công nghiệp phổ biến và hàng hóa tiêu dùng.
• Qua kênh mua sắm trực tuyến
Nhà cung cấp nước ngoài cũng có thể bán hàng trực tiếp cho người mua tại New Zealand thông qua nhiều kênh thương mại điện tử quen thuộc với người tiêu dùng New Zealand như: Trade Me, Mighty Ape, Fishpond, Amazon, eBay hay Kmart… Tuy nhiên kênh thường thích hợp để phân phối các sản phẩm tiêu dùng là chủ yếu.
Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI