Thuận lợi và khó khăn của hàng hóa Việt Nam khi xuất khẩu sang Australia

•    Thuận lợi

Australia là thị trường xuất khẩu tiềm năng đối với nhiều sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như máy móc/thiết bị điện, giày dép, quần áo và các mặt hàng nông-lâm-thủy sản… Nhiều sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam (quần áo, sắt thép, đồ gỗ nội thất…) mới chỉ chiếm thị phần nhỏ trong tổng nhập khẩu của Australia, tuy nhiên xuất khẩu các mặt hàng này của Việt Nam sang Australia đều có xu hướng tăng đáng kể trong những năm gần đây, điều này cho thấy dư địa và tiềm năng để xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Australia vẫn còn rất lớn.

Trong thời gian tới, xuất khẩu của Việt Nam sang Australia được dự báo tiếp tục tăng trưởng nhờ các yếu tố thuận lợi như:

-    Dưới những tác động của đại dịch COVID-19, nền kinh tế Australia cũng bị ảnh hưởng theo xu hướng chung của thế giới, dẫn tới thu nhập của hầu hết người tiêu dùng bị sụt giảm. Vì vậy, nhu cầu của họ đối với các sản phẩm có giá cả phải chăng hơn từ các nước đang phát triển như Việt Nam gia tăng, đặc biệt là các hàng hóa thiết yếu như thực phẩm, quần áo… Trong khi đó, Việt Nam lại có thế mạnh sản xuất các sản phẩm này với giá cả thường thấp hơn các nước phát triển, đồng thời có lợi thế về ưu đãi thuế quan từ 03 FTA chung với Australia.

-    Cộng đồng người Việt tại Australia ngày càng phát triển với số lượng người Việt Nam học tập và làm việc tại quốc gia này ngày càng gia tăng trong những năm gần đây. Cộng đồng người gốc Á có cùng xu hướng tiêu dùng các sản phẩm tương tự người Việt cũng phát triển mạnh ở Australia. Do vậy, nhu cầu tiêu thụ, sử dụng các sản phẩm Việt Nam tại Australia cũng tăng lên tương ứng.

-    Người tiêu dùng Australia cũng cởi mở hơn với việc sử dụng các sản phẩm nhập khẩu (trong đó có sản phẩm của Việt Nam) miễn là các sản phẩm nhập khẩu đáp ứng các yêu cầu về chất lượng và có giá cả cạnh tranh. 

-    Chất lượng của các sản phẩm Việt đang ngày càng được nâng cao và dần chinh phục được nhiều thị trường khó tính. Nhiều doanh nghiệp lớn của Việt Nam đã đầu tư bài bản và dài hạn cho sản xuất và xuất khẩu hàng hóa tiêu chuẩn cao sang các nước phát triển – những thị trường có yêu cầu khắt khe về chất lượng và mẫu mã sản phẩm. Ngoài ra, Việt Nam cũng đang chú trọng thu hút đầu tư công nghệ cao vào các ngành nhiều tiềm năng nhưng công nghệ còn lạc hậu như rau củ quả, thủy hải sản… để nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu.

•    Khó khăn

Bên cạnh những thuận lợi, hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang Australia cũng gặp một số khó khăn nhất định.

Thứ nhất, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu chủ lực của Việt Nam chưa có tính bổ sung cao với cơ cấu hàng hóa nhập khẩu của Australia. Australia có nhu cầu nhập khẩu nhiều xe các loại, nhiên liệu khoáng, dược phẩm, thiết bị quang học… Trong khi đó, Việt Nam lại có thế mạnh và xuất khẩu nhiều giày dép, quần áo, thủy sản… Như vậy, nhiều mặt hàng thế mạnh của Việt Nam chưa phải là những mặt hàng mà Australia có nhu cầu lớn. 

Bảng: So sánh tốp 10 sản phẩm Australia nhập khẩu nhiều nhất và tốp 10 sản phẩm Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất năm 2023

Tốp 10 sản phẩm nhập khẩu nhiều nhất của Australia

Tốp 10 sản phẩm Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất

Mã HS

Mô tả

Mã HS

Mô tả

87

Xe cộ trừ thiết bị chạy trên đường xe lửa hoặc xe điện, và các bộ phận và phụ tùng của chúng

85

Máy điện và thiết bị điện và các bộ phận của chúng; máy ghi và tái tạo âm thanh, máy ghi và tái tạo hình ảnh và âm thanh truyền hình, bộ phận và phụ kiện của các loại máy trên

27

Nhiên liệu khoáng, dầu khoáng và các sản phẩm chưng cất từ chúng; các chất chứa bi tum; các loại sáp khoáng chất

84

Lò phản ứng hạt nhân, nồi hơi, máy và thiết bị cơ khí; các bộ phận của chúng

84

Lò phản ứng hạt nhân, nồi hơi, máy và thiết bị cơ khí; các bộ phận của chúng

64

Giày, dép, ghệt và các sản phẩm tương tự; các bộ phận của các sản phẩm trên

85

Máy điện và thiết bị điện và các bộ phận của chúng; máy ghi và tái tạo âm thanh, máy ghi và tái tạo hình ảnh và âm thanh truyền hình, bộ phận và phụ kiện của các loại máy trên

61

Quần áo và hàng may mặc phụ trợ, dệt kim hoặc móc

30

Dược phẩm

62

Quần áo và hàng may mặc phụ trợ, không dệt kim hoặc móc

90

Dụng cụ, thiết bị và máy quang học, nhiếp ảnh, điện ảnh, đo lường, kiểm tra độ chính xác, y tế hoặc phẫu thuật; các bộ phận và phụ tùng của chúng

94

Đồ nội thất; bộ đồ giường, đệm, khung đệm, nệm và các đồ dùng nhồi tương tự; đèn và bộ đèn, chưa được chi tiết hoặc ghi ở nơi khác; biển hiệu được chiếu sáng, biển đề tên được chiếu sáng và các loại tương tự; nhà lắp ghép

71

Ngọc trai tự nhiên hoặc nuôi cấy, đá quý hoặc đá bán quý, kim loại quý, kim loại được dát phủ kim loại quý, và các sản phẩm của chúng; đồ kim hoàn giả; tiền kim loại

72

Sắt hoặc thép

39

Plastic và các sản phẩm bằng plastic

03

Cá và động vật giáp xác, động vật thân mềm và động vật thuỷ sinh không xương sống khác

73

Các sản phẩm bằng sắt hoặc thép

39

Plastic và các sản phẩm bằng plastic

94

Đồ nội thất; bộ đồ giường, đệm, khung đệm, nệm và các đồ dùng nhồi tương tự; đèn và bộ đèn, chưa được chi tiết hoặc ghi ở nơi khác; biển hiệu được chiếu sáng, biển đề tên được chiếu sáng và các loại tương tự; nhà lắp ghép

40

Cao su và các sản phẩm bằng cao su

Nguồn: ITC Trademap, 2024

Thứ hai, Australia là thị trường nổi tiếng về nhiều quy định nhập khẩu nghiêm ngặt nhất trên thế giới. Nhiều hàng rào kỹ thuật (TBT), an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS)… của Australia thậm chí còn cao hơn cả EU, Nhật Bản hay Hoa Kỳ. Điều này đặt ra không ít khó khăn cho sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam khi tiếp cận thị trường này. Đã có không ít lô hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Australia bị từ chối nhập khẩu hoặc phải thực hiện xử lý kiểm dịch lại do không đáp ứng các quy định/yêu cầu từ phía Australia, đặc biệt là nông sản, thực phẩm hoặc bao bì dạng thực vật đối với hàng công nghiệp.

Trong so sánh với EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Australia là nước có Tỷ lệ từ chối đơn vị (The Unit Rejection Rate – URR)  với hàng nông sản/thực phẩm nhập khẩu cao nhất (Theo thống kê của Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO)).

Hình: Tỷ lệ từ chối đơn vị với hàng nông sản/thực phẩm của Australia, EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ trong giai đoạn 2013-2022
       

  Nguồn: Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc, 2024

Có nhiều nguyên nhân khác nhau khiến mặt hàng nông sản/thực phẩm bị từ chối nhập khẩu vào Australia như vi phạm quy định về ghi nhãn, độc tố nấm mốc, nhiễm khuẩn, kim loại nặng, chất phụ gia… Trong giai đoạn 2010-2022, hàng nông sản/thực phẩm của Việt Nam bị từ chối nhập khẩu vào Australia với nguyên nhân chủ yếu là do vi phạm các quy định về ghi nhãn, với 376 lần bị từ chối (chiếm 47,59% tổng số lần bị từ chối), tiếp đến là vượt dư lượng thuốc thú y (chiếm 17,97%), nông sản/thực phẩm bị nhiễm khuẩn (chiếm 16,2%) và vượt dư lượng thuốc trừ sâu (chiếm 13,16%) (Số liệu của Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc, 2024). 

Thứ ba, mức độ cạnh tranh tại thị trường Australia là rất lớn, với các đối thủ chính đều trong cùng khu vực như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, một số nước ASEAN. Các nước này có cơ cấu hàng hóa xuất khẩu sang Australia khá tương đồng với Việt Nam nên mức độ cạnh tranh càng cao hơn nữa. Ngoài ra, các quốc gia đã có FTA với Australia và các quốc gia được hưởng cơ chế ưu đãi ASTP của Australia cũng tạo ra sức ép cạnh tranh nhất định đối với hàng hóa của Việt Nam tại thị trường này. Hơn nữa, ngay cả trong các lĩnh vực sản phẩm có thế mạnh, hàng hóa Việt Nam không hẳn có lợi thế về chất lượng, mức độ đa dạng và thương hiệu với các đối thủ này.

Thứ tư, chi phí sản xuất và xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Australia tương đối cao. Như đã đề cập, hệ thống các yêu cầu, hàng rào kỹ thuật cũng như các biện pháp an toàn thực phẩm… của Australia rất nghiêm ngặt, đảm bảo hàng hóa nhập khẩu phải tuyệt đối tuân thủ. Do đó, chi phí mà doanh nghiệp Việt Nam phải bỏ ra để đảm bảo tuân thủ các yêu cầu/quy định của Australia cao hơn đáng kể so với nhiều thị trường xuất khẩu khác. Hơn nữa, khoảng cách địa lý giữa Việt Nam và Australia khá lớn, chi phí vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam sang nước này cũng tốn kém hơn.

[1]  Tỷ lệ từ chối đơn vị (URR) là số lần từ chối trên 1 triệu USD hàng nhập khẩu

Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI