Các đối thủ cạnh tranh chính của hàng hóa Việt Nam tại Hàn Quốc
Các nguồn cung nhập khẩu lớn nhất của Hàn Quốc
Các nước châu Á: Do có vị trí địa lý gần gũi, thuận lợi cho việc giao thương, Hàn Quốc có xu hướng nhập khẩu nhiều hàng hóa từ các quốc gia/vùng lãnh thổ châu Á. Năm 2022, tổng nhập khẩu hàng hóa từ các nước thuộc khu vực này chiếm tới 60,47% tổng kim ngạch nhập khẩu của Hàn Quốc. Đáng chú ý, trong tốp 10 nước nhập khẩu nhiều nhất vào Hàn Quốc, có tới 7 nước/vùng lãnh thổ thuộc châu Á, chiếm đến 46,25% tổng kim ngạch nhập khẩu của quốc gia này.
Hoa Kỳ, Australia, Đức: Ngoài các nước châu Á, đây là ba nguồn nhập khẩu khác lọt vào tốp 10 nguồn cung nhập khẩu lớn nhất của Hàn Quốc năm 2022. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu từ Hoa Kỳ là 82,13 tỷ USD (chiếm 11,23%), từ Australia là 44,93 tỷ USD (chiếm 6,14%) và từ Đức là 23,61 tỷ USD (chiếm 3,23%). Đây đều là các nước phát triển, có thế mạnh về nguyên vật liệu và sản phẩm công nghiệp.
Có thể thấy, các đối tác nhập khẩu trên hiện đang chiếm lĩnh thị trường nhập khẩu của Hàn Quốc ở đa số các mặt hàng, từ máy móc, thiết bị cho đến các sản phẩm may mặc, đồ gỗ.... Trong số các đối tác nhập khẩu này, nhiều trường hợp là các nền kinh tế lớn, có năng lực cạnh tranh cao, lại có nhiều mặt hàng xuất khẩu tương đồng với Việt Nam, do vậy, hàng hóa của Việt Nam được đánh giá phải đối mặt với mức độ cạnh tranh cao khi thâm nhập vào thị trường nước này.
Bảng 1 - Tốp 10 nước nhập khẩu nhiều nhất vào Hàn Quốc năm 2022
STT |
Đối tác NK |
Giá trị NK 2022 (tỷ USD) |
Tỷ trọng trong tổng NK của Hàn Quốc |
1 |
Trung Quốc |
154,58 |
21,14% |
2 |
Hoa Kỳ |
82,13 |
11,23% |
3 |
Nhật Bản |
54,71 |
7,48% |
4 |
Australia |
44,93 |
6,14% |
5 |
Ả Rập Xê Út |
41,64 |
5,69% |
6 |
Đài Bắc Trung Hoa |
28,27 |
3,87% |
7 |
Việt Nam |
26,72 |
3,65% |
8 |
Đức |
23,61 |
3,23% |
9 |
Qatar |
16,57 |
2,27% |
10 |
Indonesia |
15,73 |
2,15% |
Nguồn: ITC Trade Map, 2023
Đối tác FTA
Tính đến cuối năm 2022, Hàn Quốc Quốc có tổng cộng 22 FTA (với 59 nền kinh tế) đã có hiệu lực và 7 FTA đang đàm phán. Như vậy, hàng hóa từ 59 đối tác này khi xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc có thể được hưởng ưu đãi thuế quan theo FTA với Hàn Quốc.
Mạng lưới đối tác FTA của Hàn Quốc phủ rộng hầu khắp các châu lục trên thế giới. Vì vậy, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt không chỉ với các nền kinh tế trong khu vực mà còn với nhiều quốc gia khác trên toàn cầu khi nhập khẩu vào thị trường Hàn Quốc.
Bảng 2 - Thống kê các FTA của Hàn Quốc
STT |
FTA |
Đối tác |
1 |
22 FTA đã có hiệu lực |
|
2 |
7 FTA đang đàm phán (không tính các FTA đang đàm phán về thành viên mới gia nhập) FTA Hàn Quốc - GCC FTA Hàn Quốc - Ecuador FTA Hàn Quốc - Uzbekistan FTA Hàn Quốc - Mercosur FTA Hàn Quốc – Liên bang Nga FTA Hàn Quốc – Trung Quốc – Nhật Bản FTA Hàn Quốc – Malaysia Ngoài ra, Guatemala đang đàm phán tham gia FTA Hàn Quốc – Trung Mỹ |
GCC (Ả Rập Xê Út, Qatar, Kuwait, Bahrain, Oman, UAE), Ecuador, Uzbekistan, Guatemala, Mercosur (Argentina, Brazil, Paraguay, Uruguay), Liên bang Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Malaysia. |
Nguồn: Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc, 2023
Để tìm hiểu chi tiết về các Hiệp định thương mại tự do của Hàn Quốc, doanh nghiệp có thể truy cập đường dẫn sau: https://www.fta.go.kr/main/situation/kfta/ov/ (Chuyên trang của Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc về các FTA mà Hàn Quốc tham gia).
Đối tác GSP
GSP là cơ chế ưu đãi thuế quan mà Hàn Quốc đơn phương dành cho các nước kém phát triển. Hàn Quốc áp dụng cơ chế GSP dành cho 47 nước nằm trong danh sách các quốc gia kém phát triển của Liên Hợp Quốc năm 2018 (dữ liệu của UNCTAD năm 2020), bao gồm:
- 13 đối tác châu Á
- 33 đối tác châu Phi
- 1 đối tác châu Mỹ
Khác với FTA, GSP là cơ chế ưu đãi đơn phương của Hàn Quốc, do đó Hàn Quốc có thể thay đổi đối tượng và điều kiện được hưởng GSP bất kỳ khi nào, tùy thuộc vào chính sách của Hàn Quốc trong từng giai đoạn. Bên cạnh đó, thuế quan ưu đãi theo GSP cũng thường không cạnh tranh bằng thuế quan ưu đãi theo FTA. Mặc dù vậy, việc được cắt giảm thuế quan theo cơ chế GSP của Hàn Quốc cũng tạo ra lợi thế nhất định cho các nước đối tác được hưởng cơ chế này.
Trong ASEAN, Campuchia, Lào và Myanmar là các nước được hưởng ưu đãi GSP của Hàn Quốc. Tuy nhiên, các nước này thường sẽ tận dụng ưu đãi thuế quan tốt hơn theo Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA) thay vì hưởng ưu đãi GSP.
Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI