Tình hình xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc

Kim ngạch xuất khẩu

Trong nhiều năm qua, Hàn Quốc vẫn duy trì là một trong những thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của Việt Nam. Năm 2022, Hàn Quốc giữ vị thế là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 tại châu Á và lớn thứ 3 trên thế giới của Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang nước này đạt 26,72 tỷ USD. Theo số liệu của ITC Trade Map, xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc có sự tăng trưởng ổn định trong giai đoạn 2013 – 2022 với kim ngạch xuất khẩu tăng gần 4 lần, từ 7,17 tỷ USD vào năm 2012 lên 26,72 tỷ USD vào năm 2022. Tốc độ tăng trường xuất khẩu trung bình của Việt Nam sang Hàn Quốc giai đoạn này là 17,07%/năm. So với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trung bình của Việt Nam ra thế giới cùng giai đoạn (12,5%) thì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu sang Hàn Quốc của Việt Nam là khá tích cực.

Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu tiềm năng cho Việt Nam với chính sách mở nhờ ưu đãi thuế quan từ các Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA), ASEAN - Hàn Quốc (AKFTA) và RCEP. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này vẫn còn khá khiêm tốn khi chỉ chiếm 5,7% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới năm 2022. Điều này một phần là do cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam chưa có tính bổ sung cao với cơ cấu hàng nhập khẩu của Hàn Quốc. Cùng với đó, thị trường Hàn Quốc là một thị trường tương đối khó tính, đặt ra các tiêu chuẩn khá cao với sản phẩm nhập khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông, lâm, thủy hải sản vốn là sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

Về phía Hàn Quốc, Việt Nam đứng thứ 7 trong danh sách các nguồn cung hàng hóa lớn nhất của Hàn Quốc năm 2022, tuy nhiên, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam cũng mới chỉ chiếm 3,65% tổng giá trị nhập khẩu hàng hóa của nước này. Ngoài Việt Nam, Hàn Quốc hiện chủ yếu nhập khẩu từ các nước Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia, Ả Rập Xê Út, Đài Bắc Trung Hoa, Đức, Qatar và Indonesia.

Bảng 1 - Xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc giai đoạn 2013-2022

Năm

Giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc (tỷ USD)

Tốc độ tăng trưởng XK VN-Hàn Quốc

Tốc độ tăng trưởng XK VN-thế giới

2013

7,17

25,35%

15%

2014

7,99

11,44%

14%

2015

9,80

22,65%

8%

2016

12,49

27,45%

9%

2017

16,18

29,54%

22%

2018

19,63

21,32%

13%

2019

21,07

7,34%

9%

2020

20,58

-2,33%

6%

2021

23,97

16,47%

19%

2022

26,72

11,47%

10.5%

Nguồn: ITC Trade Map, 2023

Các mặt hàng xuất khẩu chính và thị phần

Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường Hàn Quốc năm 2022 là máy móc, quần áo, gỗ, sắt thép, và thủy hải sản…

Trong số các sản phẩm nói trên, Việt Nam nằm trong tốp 5 nước xuất khẩu lớn nhất vào Hàn Quốc đối với 8/10 nhóm sản phẩm. Trong khi thị phần nhập khẩu các sản phẩm máy móc từ Việt Nam sang Hàn Quốc vẫn còn tương đối nhỏ, các sản phẩm quần áo, giày dép, gỗ và thủy hải sản của Việt Nam lại chiếm tỷ trọng tương đối lớn trong tổng nhập khẩu của Hàn Quốc, nổi bật là mặt hàng quần áo (không dệt kim) chiếm xấp xỉ 1/3 tỷ trọng nhập khẩu của nước này.

Đối thủ cạnh tranh chính của hàng hóa Việt Nam tại thị trường Hàn Quốc là một số nước phát triển như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia, Đức, và tại khu vực Châu Á, Trung Quốc, Đài Bắc Trung Hoa và Indonesia là đối thủ lớn nhất của Việt Nam trong cuộc đua vào thị trường Hàn Quốc.

Bảng 2 - Tốp 10 mặt hàng Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất sang Hàn Quốc năm 2022

Mã HS

Mô tả hàng hóa

Trị giá (tỷ USD)

Tỷ trọng trong tổng giá trị NK của Hàn Quốc

Tốp 5 nước Hàn Quốc NK nhiều nhất mặt hàng này

85

Máy điện và thiết bị điện và các bộ phận của chúng; máy ghi và tái tạo âm thanh, máy ghi và tái tạo hình ảnh và âm thanh truyền hình, bộ phận và phụ tùng của các loại máy trên

10,79

8,19%

Trung Quốc, Đài Bắc Trung Hoa, Nhật Bản, Việt Nam, Hoa Kỳ

84

Lò phản ứng hạt nhân, nồi hơi, máy và trang thiết bị cơ khí; các bộ phận của chúng

2,78

4,06%

Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hà Lan, Đức

62

Quần áo và hàng may mặc phụ trợ, không dệt kim hoặc móc

2,42

33,61%

Việt Nam, Trung Quốc, Ý, Myanmar, Indonesia

61

Quần áo và hàng may mặc phụ trợ, dệt kim hoặc móc

1,32

26,14%

Trung Quốc, Việt Nam, Ý, Bangladesh, Indonesia

64

Giầy, dép, ghệt và các sản phẩm tương tự; các bộ phận của các sản phẩm trên

1,24

30,24%

Trung Quốc, Việt Nam, Ý, Indonesia, Compuchia

44

Gỗ và các mặt hàng bằng gỗ; than từ gỗ

0,94

24,35%

Việt Nam, Indonesia, Trung Quốc, New Zealand, Liên bang Nga

03

Cá và động vật giáp xác, động vật thân mềm và động vật thuỷ sinh không xương sống khác

0,68

12,4%

Liên bang Nga, Trung Quốc, VIệt Nam, Na Uy, Hoa Kỳ

72

Sắt và thép

0,62

3,27%

Nhật Bản, Trung Quốc, Việt Nam, Đài Bắc Trung Hoa, Malaysia

90

Dụng cụ, thiết bị và máy quang học, nhiếp ảnh, điện ảnh, đo lường, kiểm tra độ chính xác, y tế hoặc phẫu thuật; các bộ phận và phụ tùng của chúng

0,52

2,29%

Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Đức, Đài Bắc Trung Hoa

63

Các mặt hàng dệt đã hoàn thiện khác; bộ vải; quần áo dệt cũ và các loại hàng dệt cũ khác; vải vụn

0,42

30,66%

Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Bangladesh, Hoa Kỳ

Nguồn: ITC Trade Map, 2023

Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI