Thuận lợi và khó khăn của hàng hóa Việt Nam khi xuất khẩu sang Hàn Quốc
Thuận lợi
Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu chính đối với nhiều sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, giày dép, các mặt hàng nông-lâm-thủy sản, máy móc cơ khí... Tuy đa phần các mặt hàng này chỉ mới chiếm thị phần rất nhỏ trong tổng kim ngạch nhập khẩu của thị trường Hàn Quốc, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của các mặt hàng đang có xu hướng tăng trong những năm gần đầu, điều này cho thấy tiềm năng, dư địa để khai thác và gia tăng thị phần tại thị trường Hàn Quốc.
Trong thời gian tới, xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc được dự báo tiếp tục tăng trưởng nhờ các yếu tố thuận lợi như:
- Dưới những tác động của đại dịch COVID-19, nền kinh tế Hàn Quốc cũng bị ảnh hưởng theo xu hướng chung của thế giới, dẫn tới thu nhập của hầu hết người tiêu dùng bị sụt giảm. Vì vậy, nhu cầu của họ đối với các sản phẩm có giá cả phải chăng hơn từ các nước đang phát triển như Việt Nam gia tăng, đặc biệt là các hàng hóa thiết yếu như thực phẩm, quần áo… Trong khi đó, Việt Nam lại có thế mạnh sản xuất các sản phẩm này với giá cả thường thấp hơn các nước phát triển, đồng thời có lợi thế về ưu đãi thuế quan từ các Hiệp định thương mại chung với Hàn Quốc.
- Số lượng người Việt Nam học tập và làm việc tại Hàn Quốc ngày càng gia tăng trong những năm gần đây. Do vậy, nhu cầu tiêu thụ, sử dụng các sản phẩm Việt Nam tại Hàn Quốc cũng có xu hướng tăng.
- Người tiêu dùng Hàn Quốc cũng cởi mở hơn với việc sử dụng các sản phẩm nhập khẩu (trong đó có sản phẩm của Việt Nam). Họ sẵn sàng thử các sản phẩm nhập khẩu từ các quốc gia đang phát triển nếu sản phẩm đó có xuất xứ rõ ràng, có chất lượng tốt và giá cả cạnh tranh. Trong khi đó, Việt Nam có nhiều sản phẩm thế mạnh mà người tiêu dùng Hàn Quốc có nhu cầu cao hoặc đang gia tăng nhu cầu sử dụng như may mặc, da giày, cà phê…
- Các sản phẩm Việt có chất lượng ngày càng cao và đang dần chinh phục được các thị trường khó tính, trong đó có Hàn Quốc. Nhiều doanh nghiệp lớn của Việt Nam đã đầu tư bài bản và dài hạn cho sản xuất và xuất khẩu hàng hóa tiêu chuẩn cao sang các nước phát triển – những thị trường có yêu cầu khắt khe về chất lượng và mẫu mã sản phẩm. Ngoài ra, Việt Nam cũng đang chú trọng thu hút đầu tư công nghệ cao vào các ngành nhiều tiềm năng nhưng công nghệ còn lạc hậu như rau củ quả, thủy hải sản… để nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu.
Khó khăn
- Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu chủ lực của Việt Nam chưa có tính bổ sung cao cho cơ cấu hàng hóa nhập khẩu của Hàn Quốc. Tốp 10 nhóm hàng được Hàn Quốc nhập khẩu nhiều nhất năm 2022 bao gồm: Nhiên liệu khoáng, thiết bị cơ khí, xe cộ, thiết bị điện, dụng cụ quang học, nhựa và sản phẩm nhựa, quặng, sắt thép và hóa chất. So sánh với Tốp 10 mặt hàng Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất sang Hàn Quốc năm 2022, Việt Nam mới chỉ có vị thế ở bốn mặt hàng là thiết bị điện, thiết bị cơ khí, sắt thép và dụng cụ quang học. Các mặt hàng thế mạnh khác của Việt Nam như giày dép, quần áo, nông sản lại chưa phải là nhu cầu nhập khẩu lớn nhất của Hàn Quốc.
Bảng - So sánh tốp 10 sản phẩm Hàn Quốc nhập khẩu nhiều nhất và tốp 10 sản phẩm Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc nhiều nhất năm 2022
Tốp 10 sản phẩm nhập khẩu nhiều nhất của Hàn Quốc |
Tốp 10 sản phẩm Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất sang Hàn Quốc |
||
Mã HS |
Miêu tả |
Mã HS |
Miêu tả |
27 |
Nhiên liệu khoáng, dầu khoáng và các sản phẩm chưng cất từ chúng; các chất chứa bi tum; các loại sáp khoáng chất |
85 |
Máy điện và thiết bị điện và các bộ phận của chúng; máy ghi và tái tạo âm thanh, máy ghi và tái tạo hình ảnh và âm thanh truyền hình, bộ phận và phụ tùng của các loại máy trên |
85 |
Máy điện và thiết bị điện và các bộ phận của chúng; máy ghi và tái tạo âm thanh, máy ghi và tái tạo hình ảnh và âm thanh truyền hình, bộ phận và phụ tùng của các loại máy trên |
84 |
Lò phản ứng hạt nhân, nồi hơi, máy và trang thiết bị cơ khí; các bộ phận của chúng |
84 |
Lò phản ứng hạt nhân, nồi hơi, máy và trang thiết bị cơ khí; các bộ phận của chúng |
62 |
Quần áo và hàng may mặc phụ trợ, không dệt kim hoặc móc |
90 |
Dụng cụ, thiết bị và máy quang học, nhiếp ảnh, điện ảnh, đo lường, kiểm tra độ chính xác, y tế hoặc phẫu thuật; các bộ phận và phụ tùng của chúng |
61 |
Quần áo và hàng may mặc phụ trợ, dệt kim hoặc móc |
26 |
Quặng, xỉ và tro |
64 |
Giầy, dép, ghệt và các sản phẩm tương tự; các bộ phận của các sản phẩm trên |
87 |
Xe cộ trừ thiết bị chạy trên đường xe lửa hoặc xe điện, và các bộ phận và phụ tùng của chúng |
44 |
Gỗ và các mặt hàng bằng gỗ; than từ gỗ |
28 |
Hóa chất vô cơ; các hợp chất vô cơ hay hữu cơ của kim loại quý, kim loại đất hiếm, các nguyên tố phóng xạ hoặc của các chất đồng vị |
03 |
Cá và động vật giáp xác, động vật thân mềm và động vật thuỷ sinh không xương sống khác |
72 |
Sắt và thép |
72 |
Sắt và thép |
29 |
Hóa chất hữu cơ |
90 |
Dụng cụ, thiết bị và máy quang học, nhiếp ảnh, điện ảnh, đo lường, kiểm tra độ chính xác, y tế hoặc phẫu thuật; các bộ phận và phụ tùng của chúng |
39 |
Plastic và các sản phẩm bằng plastic |
63 |
Các mặt hàng dệt đã hoàn thiện khác; bộ vải; quần áo dệt cũ và các loại hàng dệt cũ khác; vải vụn |
Nguồn: ITC Trade Map, 2023
- Hàn Quốc là thị trường khó tính với nhiều quy định nghiêm ngặt về kiểm dịch và vệ sinh an toàn sản phẩm, đặc biệt là đối với nông sản, thực phẩm. Theo báo cáo của Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc (MFDS), trong năm 2020, có đến 37 trường hợp vi phạm quy định vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các lô hàng thực phẩm chế biến được nhập khẩu từ Việt Nam. Theo quy định của Hàn Quốc, với sản phẩm bị phát hiện có chứa các chất gây hại, nhà nhập khẩu sẽ phải đưa ra phương án xử lý đối với lô hàng vi phạm trong thời gian quy định (thu hồi và tiêu hủy toàn bộ lượng hàng đang phân phối).
Bản thân người tiêu dùng Hàn Quốc cũng rất chú trọng vào chất lượng sản phẩm khi chọn lựa hàng hóa tiêu dùng. Nếu có thông tin tiêu cực về chất lượng và độ an toàn của sản phẩm, người Hàn Quốc sẽ có xu hướng tẩy chay sản phẩm và thương hiệu đó. Vì vậy, nếu sản phẩm của Việt Nam không đảm bảo tính ổn định, thống nhất về chất lượng, thì dù đã có ưu đãi thuế quan, hàng hóa Việt Nam vẫn khó tiếp cận thị trường Hàn Quốc.
- Người tiêu dùng Hàn Quốc thường rất quan tâm đến thương hiệu, mẫu mã, thiết kế của sản phẩm do họ rất chú trọng hình ảnh và địa vị cá nhân. Ngoài ra, với sự ảnh hưởng lớn từ các ngôi sao nổi tiếng, người Hàn Quốc thường có xu hướng ủng hộ các thương hiệu và sản phẩm mà thần tượng của họ quảng cáo hay sử dụng. Trong khi đó, phần lớn hàng hóa của Việt Nam lại chưa thực sự được đầu tư vào khâu xây dựng thương hiệu và thiết kế, cũng như chưa có sự hợp tác quảng bá cùng người có sức ảnh hưởng để trở nên gần gũi với người dân Hàn Quốc.
- Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đang phải cạnh tranh gay gắt với nhiều đối thủ khác nhau trên toàn thế giới (các đối tác FTA hoặc các đối tác được hưởng GSP của Hàn Quốc). Trong số đó, có nhiều nước là nền kinh tế lớn, có năng lực cạnh tranh cao như Hoa Kỳ, Nhật Bản, các nước EU… và nhiều nước trong khu vực có cơ cấu hàng hóa xuất khẩu khá tương đồng với Việt Nam như Trung Quốc, Nhật Bản, một số nước ASEAN… Điều này gây ra những khó khăn nhất định cho hàng hóa Việt Nam để thâm nhập vào thị trường Hàn Quốc, bởi trong so sánh về chất lượng, mức độ đa dạng và hình ảnh thương hiệu, hàng hóa Việt Nam phần nào đó vẫn đang lép vế hơn so với những đối thủ cạnh tranh.
Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI