Các đối thủ cạnh tranh chính của hàng hóa Việt Nam tại Trung Quốc

Các nguồn cung nhập khẩu lớn nhất của Trung Quốc

Các nước châu Á: Do có vị trí địa lý gần gũi, thuận lợi cho việc giao thương, Trung Quốc có xu hướng nhập khẩu nhiều hàng hóa từ các quốc gia/vùng lãnh thổ châu Á. Năm 2022, tổng nhập khẩu hàng hóa từ các nước thuộc khu vực này chiếm tới 54,94% tổng kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc (ITC Trademap, 2023). Đáng chú ý, trong tốp 10 đối tác nhập khẩu lớn nhất của Trung Quốc, có tới một nửa quốc gia/vùng lãnh thổ thuộc châu Á, chiếm đến 30,2% tổng kim ngạch nhập khẩu của quốc gia này.

Liên bang Nga, Đức, Brazil: Dù chưa có FTA với Trung Quốc, các nước này cũng có lượng xuất khẩu đáng kể sang thị trường này.

Các đối tác nhập khẩu lớn nhất kể trên hiện đang chiếm lĩnh thị trường nhập khẩu của Trung Quốc ở đa số các mặt hàng (đặc biệt là nguyên nhiên liệu, máy móc, thiết bị, linh kiện, gỗ, kim loại, hoa quả…). Trong số các đối tác nhập khẩu này, nhiều trường hợp là các nền kinh tế lớn, có năng lực cạnh tranh cao, lại có nhiều mặt hàng xuất khẩu tương đồng với Việt Nam, do vậy, hàng hóa của Việt Nam được đánh giá phải đối mặt với mức độ cạnh tranh cao khi thâm nhập vào thị trường Trung Quốc.

Bảng 1 - Tốp 10 nước/vùng lãnh thổ nhập khẩu nhiều nhất vào Trung Quốc năm 2022

STT

Đối tác NK

Giá trị NK vào Trung Quốc 2022

(tỷ USD)

Tỷ trọng trong tổng NK của Trung Quốc (%)

1

Đài Bắc (Trung Quốc)

238,09

8,77%

2

Hàn Quốc

199,67

7,35%

3

Nhật Bản

184,5

6,79%

4

Hoa Kỳ

178,96

6,59%

5

Australia

142,09

5,23%

6

Liên bang Nga

114,15

4,2%

7

Đức

111,4

4,1%

8

Malaysia

109,88

4,05%

9

Brazil

109,52

4,05%

10

Việt Nam

87,96

3,24%

Nguồn: ITC Trade Map, 2023

Đối tác FTA

Tính đến cuối năm 2022, Trung Quốc có tổng cộng 20 FTA (với 28 nền kinh tế) đã có hiệu lực và 8 FTA đang đàm phán (Bộ Thương mại Trung Quốc, 2023). Như vậy, hàng hóa từ 28 đối tác này khi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc có thể được hưởng ưu đãi thuế quan theo FTA với Trung Quốc.

Phần lớn các đối tác FTA của Trung Quốc nằm ở khu vực châu Á và ASEAN, với nhiều sản phẩm tương đồng với Việt Nam. Vì vậy, mặc dù có chung với Trung Quốc 02 FTA, Việt Nam vẫn phải cạnh tranh gay gắt với các nền kinh tế trong khu vực khi xuất khẩu vào thị trường này.

Bảng 2 - Thống kê các FTA của Trung Quốc

STT

FTA

Đối tác

1

20 FTA đã có hiệu lực

  • 17 đối tác khu vực châu Á: 10 nước ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Ma Cao (Trung Quốc), Hồng Kông (Trung Quốc), Maldives, Pakistan
  • 5 đối tác khu vực Châu Mỹ: Ecuador, Nicaragua, Costa Rica, Peru, Chile
  • 3 đối tác khu vực châu Âu: Georgia, Thụy Sĩ, Iceland
  • 2 đối tác khu vực châu Đại Dương: Australia, New Zealand
  • 1 đối tác khu vực châu Phi: Mauritius

2

8 FTA đang đàm phán

FTA Trung Quốc – GCC

FTA Trung Quốc – Nhật Bản – Hàn Quốc

FTA Trung Quốc - Sri Lanka

FTA Trung Quốc - Israel

FTA Trung Quốc – Na Uy

FTA Trung Quốc - Moldova

FTA Trung Quốc - Panama

FTA Trung Quốc - Palestine

Hội đồng Hợp tác các nước Ả Rập Vùng Vịnh (GCC) (gồm Bahrain, Kuwait, Oman, Qatar, Ả Rập Xê Út, Các tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất UAE), Sri Lanka, Israel, Palestine, Na Uy, Moldova, Panama, Nhật Bản, Hàn Quốc, Peru

 

Nguồn: Bộ Thương mại Trung Quốc, 2023

Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI