Đặc điểm hệ thống phân phối của Trung Quốc

Về kênh phân phối hàng hóa

Tại Trung Quốc, hàng hóa được phân phối bán lẻ thông qua nhiều kênh khác nhau như chợ, cửa hàng tiện lợi, siêu thị, siêu thị chuyên dụng, cửa hàng bách hóa và các trung tâm thương mại…. Trong đó các cửa hàng tiện lợi nhỏ và cửa hàng chuyên dụng vẫn là mô hình bán lẻ phổ biến nhất tại nước này. Trong những năm gần đây, các mô hình bán lẻ lớn đang gia tăng mạnh với lợi thế chuỗi cung ứng tốt hơn và kênh phân phối rộng hơn.

Quy mô thị trường bán lẻ Trung Quốc ngày càng mở rộng. Năm 2021, tổng doanh số bán lẻ hàng tiêu dùng tại Trung Quốc đạt 44.082,3 tỷ nhân dân tệ, tăng 12,5% so với năm 2020. Động lực chính thúc đẩy tăng trưởng bán lẻ của Trung Quốc nằm ở tốc độ đô thị hóa nhanh chóng và sự gia tăng số lượng người tiêu dùng thuộc tầng lớp trung lưu tại nước này.

Bảng - Một số loại hình phân phối bán lẻ tại Trung Quốc

Loại hình

Đặc điểm

Các thương hiệu nổi tiếng

Đại siêu thị và siêu thị (Hypermarkets and supermarkets)

Nằm ở các thành phố lớn của Trung Quốc

Siêu thị Lianhua, Beijing HuaLian, Wu-mart, Ren Ren Le

Đại siêu thị và siêu thị chuyên dụng

(Specialized Hypermarkets and Supermarkets)

Đại siêu thị chuyên bán một loại hình sản phẩm nhất định

Nằm trong các khu dân cư hoặc phố đi bộ

Guo Mei (đồ gia dụng), Farmácia de elefantes (hiệu thuốc), Homejia (đồ trang trí), Ikea (đồ nội thất)

Cửa hàng bách hóa

(Department stores)

Nằm ở các thành phố lớn của Trung Quốc

Wing on, Sincere, Intime, Parkson

Trung tâm thương mại

(Mall centers)

Nằm ở rìa các thành phố lớn

Đây đều là các cơ sở lớn

CITIC Plaza, Grand Gateway, New Century Global Center, Eurasia Shopping Mall

Nguồn: Santandertrade, 2023

Những năm gần đây, người tiêu dùng Trung Quốc có xu hướng tăng mua sắm trực tuyến do sự dễ dàng, thuận tiện của nó. Bởi vậy, thương mại điện tử (e-Commerce) đang trở thành một công cụ quan trọng để các doanh nghiệp trong lĩnh vực bán lẻ tiếp cận khách hàng của mình. Vì vậy, nhiều nhà bán lẻ truyền thống đang chuyển đổi theo hướng gia tăng các kênh bán hàng trực tuyến, điều này dẫn tới số lượng các cửa hàng bán lẻ độc lập truyền thống đang ngày càng giảm đi tại Trung Quốc.

Trung Quốc là thị trường thương mại điện tử lớn nhất thế giới. Theo eMarketer, Trung Quốc có hơn 710 triệu người mua sắm trực tuyến với tổng doanh số bán lẻ thương mại điện tử tại nước này đạt 2,29 nghìn tỷ USD vào năm 2021, chiếm gần một nửa doanh số bán lẻ thương mại điện tử trên toàn thế giới. Đến năm 2024, con số này dự kiến sẽ còn tăng đến 3,56 nghìn tỷ USD.

Alibaba là nền tảng thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc, với hơn 500 triệu người sử dụng ứng dụng mua sắm của mình. Tmall - trang web tiếng Trung dành cho bán lẻ trực tuyến B2C của Alibaba là một trong 20 trang web được truy cập nhiều nhất trên thế giới và là nền tảng cho các doanh nghiệp địa phương của Trung Quốc và quốc tế bán hàng hóa có thương hiệu cho người tiêu dùng ở Trung Quốc đại lục, Hồng Kông, Macao và Đài Loan.

Ngoài ra, thị trường thương mại điện tử Trung Quốc còn có một số nền tảng phổ biến khác như Suning, Gome, Yihaodian, Dangdang, Amazon.cn, Jmei...

Về kênh nhập khẩu hàng hóa

Hàng hóa nước ngoài có thể tiếp cận thị trường Trung Quốc thông qua nhiều kênh khác nhau phụ thuộc vào từng loại sản phẩm, các cân nhắc về tài chính cũng như các yếu tố khác như quy mô thị trường, nhu cầu và tiềm năng bán hàng trong dài hạn.
Sau đây là một số kênh nhập khẩu hàng hóa nước ngoài vào Trung Quốc:

Qua hiện diện thương mại tại Trung Quốc

Các công ty nước ngoài thành lập hiện diện thương mại (thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, hợp đồng hợp tác kinh doanh, thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện…) tại Trung Quốc để thực hiện việc nhập khẩu, phân phối cho các đại lý, cửa hàng hoặc bán trực tiếp cho người tiêu dùng.

Việc thành lập hiện diện thương mại để nhập khẩu hàng vào Trung Quốc được đánh giá là kênh tiếp cận trực tiếp, hiệu quả nhưng đòi hỏi vốn đầu tư nhiều hơn so với các hình thức khác, thủ tục thành lập cũng mất nhiều thời gian và chi phí hơn. Do đó, hình thức này phù hợp với các công ty lớn, giao dịch với số lượng nhiều và muốn phát triển lâu dài tại thị trường Trung Quốc.

Qua đối tác nhập khẩu tại Trung Quốc

Đối tác nhập khẩu có thể là các đơn vị mua hàng để sử dụng trực tiếp cho mình (thiết bị công nghiệp lớn, có giá trị; nguyên nhiên liệu phục vụ sản xuất…) hoặc là các đơn vị chuyên nhập khẩu (nhà nhập khẩu chuyên nghiệp), nhập khẩu hàng để phân phối lại tại thị trường Trung Quốc.

Các đơn vị chuyên nhập khẩu của Trung Quốc chủ yếu là các nhà bán buôn, nhà phân phối hoặc các đại lý trung gian nhập khẩu hàng hóa dể phân phối lại (ví dụ cho các cửa hàng, siêu thị, các đơn vị khác có nhu cầu). Hàng hóa nhập khẩu thông qua các đơn vị nhập khẩu chuyên nghiệp này thường là các máy móc thiết bị nhỏ, vật tư công nghiệp phổ biến và hàng hóa tiêu dùng…

Qua kênh mua sắm trực tuyến

Nhà cung cấp nước ngoài cũng có thể bán hàng trực tiếp cho người mua tại Trung Quốc thông qua các kênh thương mại điện tử như: Alibaba, Amazon… Hình thức này ngày càng trở nên phổ biến tại Trung Quốc để mua sắm hàng hóa quốc tế, tuy nhiên thường chỉ thích hợp với các sản phẩm tiêu dùng.

Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI