Đặc điểm tiêu dùng của người Trung Quốc

Đa phần người dân Trung Quốc trong độ tuổi có nhu cầu tiêu dùng cao (15 đến 64 tuổi), chiếm 68,2% dân số nước này (số liệu 2022 của statista.com). Dân cư Trung Quốc sống tập trung ở các đồng bằng lớn phía Đông Trung Quốc, và tại các thành phố lớn như Thượng Hải, Bắc Kinh, Trùng Khánh, Thiên Tân và Quảng Châu.

Với dân số đông, GDP bình quân đầu người tương đối cao, Trung Quốc là thị trường có sức mua rất lớn. Nhu cầu với các sản phẩm tiêu dùng của người dân Trung Quốc cũng rất đa dạng, từ các hàng hóa thiết yếu (như thực phẩm, quần áo, giày dép…) tới các sản phẩm giải trí, xa xỉ (như trang sức, xe các loại…).

Các sản phẩm tiêu dùng chủ yếu

Theo số liệu của Santandertrade, người tiêu dùng Trung Quốc dành đến 38,5% tổng chi tiêu cho nhu cầu về nhà ở, điện nước. Tiếp đến người dân Trung Quốc cũng dành đến 27,3% chi tiêu cho thực phẩm và đồ uống. Như vậy, có đến 2/3 tổng chi tiêu của người Trung Quốc là dành cho các sản phẩm thiết yếu, phục vụ nhu cầu ăn và ở của cá nhân.

Bảng - Các sản phẩm, dịch vụ tiêu dùng phổ biến tại Trung Quốc năm 2021

Sản phẩm/dịch vụ tiêu dùng

Tỷ trọng trong tổng chi phí mua sắm của người tiêu dùng

Nhà ở, điện nước, ga

38,5%

Thực phẩm và đồ uống không cồn

27,3%

Phương tiện vận chuyển

7,5%

Quần áo, giày dép

3,5%

Hàng hóa lâu bền

3,2%

Đồ uống có cồn, thuốc lá

0,5%

Hàng hóa, dịch vụ khác

19,5%

Nguồn: Santandertrade, 2023

Về xu hướng tiêu dùng tại Trung Quốc

Đa số người tiêu dùng Trung Quốc có thu nhập chưa cao, do đó công dụng và giá cả của hàng hóa vẫn đóng vai trò quan trọng trong quyết định mua sắm của người tiêu dùng. Tuy nhiên, theo thời gian hành vi mua sắm của một bộ phận người tiêu dùng Trung Quốc (đặc biệt là nhóm trung lưu và người trẻ) dần có sự thay đổi, họ bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến các yếu tố về thương hiệu và quyết định mua sắm cũng bị ảnh hưởng bởi cách thức tiếp thị sản phẩm. Ngoài giá cả, người tiêu dùng Trung Quốc chú trọng tới chất lượng hàng hóa, sẵn sàng bỏ tiền ra mua hàng hóa với giá cao nếu cho rằng giá cả tương xứng với chất lượng.

Với chất lượng, tiêu chuẩn sống của người tiêu dùng ngày càng được cải thiện, nhu cầu tiêu thụ đối với hàng hóa xa xỉ, chất lượng cao đang ngày càng gia tăng tại thị trường Trung Quốc, và nước này cũng đang được biết đến là thị trường lớn nhất đối với các thương hiệu xa xỉ. Doanh số bán hàng hàng xa xỉ cá nhân nội địa của Trung Quốc tăng 48% vào năm 2020 và tăng 36% vào năm 2021, với giá trị gần 471 tỷ RMB – tăng gần gấp đôi chỉ sau 2 năm bất chấp những những ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19 (theo Bain & Company).

Người tiêu dùng Trung Quốc khá tò mò về những sản phẩm mới, lạ, do đó tương đối cởi mở và dễ dàng tiếp nhận các sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài.

Thương mại điện tử đang trong quá trình phát triển tại Trung Quốc và phân hóa rất mạnh. Người tiêu dùng tại thành thị đặc biệt ưa chuộng thương mại điện tử trong khi tại nông thôn, loại hình thương mại này lại ít phổ biến hơn (nhất là ở các vùng hẻo lánh khó tiếp cận hoặc không sử dụng internet). Hơn 900 triệu người Trung Quốc sử dụng mạng xã hội và khoảng một nửa trong số đó sử dụng thường xuyên. Khá đông người tiêu dùng Trung Quốc có thói quen xem video và theo dõi những người có ảnh hưởng để biết ý kiến ​​về sản phẩm. Họ ít lo lắng về việc bị lộ dữ liệu cá nhân.

Tuy đa phần người tiêu dùng Trung Quốc còn chưa quan tâm nhiều tới các khía cạnh môi trường của hàng hóa, một bộ phận giới trẻ, đặc biệt là những người ở thành thị đang ngày càng sẵn sàng trả nhiều tiền hơn để tiêu thụ các sản phẩm có trách nhiệm với môi trường. 

Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI