Thuận lợi và khó khăn của hàng hóa Việt Nam khi xuất khẩu sang Trung Quốc

Thuận lợi

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chính đối với nhiều sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như giày dép, quần áo, nông – lâm – thủy sản,… và vẫn là thị trường còn nhiều dư địa để khai thác và gia tăng thị phần.

Trong thời gian tới, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc được dự báo tiếp tục tăng trưởng nhờ các yếu tố thuận lợi như:

- Dù có tốc độ tăng trưởng dân số giảm dần trong vài năm gần đây, nhưng Trung Quốc vẫn là quốc gia đông dân nhất nhì thế giới với hơn 1,4 tỷ người. Vì vậy, thị trường này có nhu cầu tiêu thụ rất lớn, tạo dư địa cho hàng hóa nhập khẩu thuận lợi tiếp cận người tiêu dùng, trong đó có hàng hóa từ Việt Nam.

- Thói quen tiêu dùng và sinh hoạt tương đồng giữa người tiêu dùng Trung Quốc và Việt Nam dẫn đến việc hàng hóa của Việt Nam nhìn chung là phù hợp với thị hiếu, khẩu vị của người Trung Quốc.

- Dưới những tác động từ đại dịch COVID-19, nền kinh tế Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng theo xu hướng chung của thế giới, dẫn tới thu nhập của hầu hết người tiêu dùng bị sụt giảm. Vì vậy, nhu cầu của họ đối với các sản phẩm có giá cả phải chăng hơn từ các nước đang phát triển như Việt Nam gia tăng, đặc biệt là các hàng hóa thiết yếu như thực phẩm, quần áo… Trong khi đó, Việt Nam lại có thế mạnh sản xuất các sản phẩm này với giá cả thường thấp hơn các nước phát triển, đồng thời có lợi thế về ưu đãi thuế quan từ các Hiệp định thương mại chung với Trung Quốc.

- Trong hai năm 2022-2023, Trung Quốc đã cấp phép xuất khẩu chính ngạch cho nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam và đang xem xét cấp phép cho nhiều mặt hàng nông sản khác. Tính đến tháng 7 năm 2023, đã có 13 loại nông sản của Việt Nam được phép xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc (bao gồm: thanh long, xoài, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, mít, chôm chôm, chanh dây, măng cụt, sầu riêng, khoai lang và tổ yến). Đây là cơ hội vô cùng thuận lợi để doanh nghiệp nông sản Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường rộng lớn này.

- Trung Quốc đang xây dựng lộ trình từ năm 2025 sẽ siết chặt xuất khẩu tiểu ngạch từ Việt Nam và đến năm 2028, tất cả hàng hóa xuất khẩu vào Trung Quốc bắt buộc phải theo đường chính ngạch. Về lâu dài, điều này sẽ thúc đẩy tăng trưởng giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc của Việt Nam. Trước đây, dù hàng hóa Việt Nam đi vào Trung Quốc nhiều nhưng một phần tương đối là qua đường tiểu ngạch, vì vậy không được tính vào kim ngạch xuất nhập khẩu của hai nước.

Khó khăn

Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu chủ lực của Việt Nam chưa có tính bổ sung cao cho cơ cấu hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc. Tốp 10 nhóm hàng được Trung Quốc nhập khẩu nhiều nhất năm 2022, bao gồm: thiết bị điện, thiết bị cơ khí, thiết bị quang học, nhiên liệu khoáng, quặng, đồng, ngọc trai, xe cộ, sản phẩm nhựa, ngũ cốc. So sánh với tốp 10 mặt hàng Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất sang Trung Quốc năm 2022, Việt Nam mới chỉ chiếm được thị phần ở hai mặt hàng là thiết bị điện và thiết bị cơ khí, tuy nhiên cũng chưa thực sự đáng kể. Các mặt hàng thế mạnh khác của Việt Nam như giày dép, quần áo, nông sản lại chưa phải là nhu cầu nhập khẩu lớn nhất của Trung Quốc.

Bảng - So sánh tốp 10 sản phẩm Trung Quốc nhập khẩu nhiều nhất và tốp 10 sản phẩm Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc nhiều nhất năm

Tốp 10 sản phẩm nhập khẩu nhiều nhất của Trung Quốc

Tốp 10 sản phẩm Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất sang Trung Quốc

Mã HS

Miêu tả

Mã HS

Miêu tả

        85

Máy điện và thiết bị điện và các bộ phận của chúng; máy ghi và tái tạo âm thanh, máy ghi và tái tạo hình ảnh và âm thanh truyền hình, bộ phận và phụ kiện của các loại máy trên

85

Máy điện và thiết bị điện và các bộ phận của chúng; máy ghi và tái tạo âm thanh, máy ghi và tái tạo hình ảnh và âm thanh truyền hình, bộ phận và phụ kiện của các loại máy trên

 27

Nhiên liệu khoáng, dầu khoáng và các sản phẩm chưng cất từ chúng; các chất chứa bi tum; các loại sáp khoáng chất

84

Lò phản ứng hạt nhân, nồi hơi, máy và thiết bị cơ khí; các bộ phận của chúng

26

Quặng, xỉ và tro

64

Giày, dép, ghệt và các sản phẩm tương tự; các bộ phận của các sản phẩm trên

84

Lò phản ứng hạt nhân, nồi hơi, máy và thiết bị cơ khí; các bộ phận của chúng

40

Cao su và các sản phẩm bằng cao su

71

Ngọc trai tự nhiên hoặc nuôi cấy, đá quý hoặc đá bán quý, kim loại quý, kim loại được dát phủ kim loại quý, và các sản phẩm của chúng; đồ kim hoàn giả; tiền kim loại

44

Gỗ và các mặt hàng bằng gỗ; than từ gỗ

90

Dụng cụ, thiết bị và máy quang học, nhiếp ảnh, điện ảnh, đo lường, kiểm tra độ chính xác, y tế hoặc phẫu thuật; các bộ phận và phụ tùng của chúng

52

Bông

87

Xe cộ trừ thiết bị chạy trên đường xe lửa hoặc xe điện, và các bộ phận và phụ tùng của chúng

03

Cá và động vật giáp xác, động vật thân mềm và động vật thủy sinh không xương sống khác

39

Plastic và các sản phẩm bằng plastic

08

Quả và quả hạch ăn được; vỏ quả thuộc chi cam quýt hoặc các loại dưa

74

Đồng và sản phẩm bằng đồng

62

Quần áo và các hàng may mặc phụ trợ, không dệt kim hoặc móc

12

Hạt dầu và quả có dầu; các loại ngũ cốc, hạt và quả khác; cây công nghiệp hoặc cây dược liệu; rơm, rạ và cỏ khô làm thức ăn gia súc

11

Các sản phẩm xay xát; malt; tinh bột; inulin; gluten lúa mì

Nguồn: ITC Trade Map, 2023

- Thị trường Trung Quốc ngày càng khắt khe hơn với nhiều quy định nhập khẩu mới hoặc nghiêm ngặt hơn về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, bao bì đóng gói… Các sản phẩm không đáp ứng hệ thống quy định, tiêu chuẩn của thị trường này sẽ bị cảnh báo, ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp nói riêng và hình ảnh của sản phẩm Việt Nam nói chung.

- Theo Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc, trong một vài năm gần đây, Việt Nam nhiều lần xuất hiện trong nhóm 10 quốc gia/vùng lãnh thổ có số lượng hàng hóa nông sản, thực phẩm bị cảnh báo nhiều nhất tại Trung Quốc. Nhóm hàng nông sản, thực phẩm bị cảnh báo nhiều gồm thủy sản, nước trái cây, bánh các loại. Các lỗi bị cảnh báo gồm: Không đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm (sử dụng phụ gia thực phẩm vượt ngưỡng cho phép; nấm mốc; vi khuẩn gây bệnh); Hồ sơ kèm theo hàng hóa chưa đúng yêu cầu (thiếu chứng nhận hàng hóa; hàng hóa không đúng với chứng nhận/chứng thư; hàng hóa chưa được phép nhập khẩu); Tem nhãn bao bì hàng hóa không đáp ứng quy định, yêu cầu nhập khẩu...

- Người tiêu dùng Trung Quốc đang có xu hướng ưu tiên sản phẩm nội địa và dần hình thành thói quen mua sắm trực tuyến. Người tiêu dùng Trung Quốc được đánh giá là có ý thức dân tộc cao, cùng với đó năng lực sản xuất nội địa ngày càng tiến bộ, khiến người dân cho rằng chất lượng hàng hóa trong nước không còn thua kém hàng hóa nước ngoài, thậm chí có phần vượt trội hơn, đáp ứng tốt hơn thói quen tiêu dùng của họ. Hơn nữa, người tiêu dùng Trung Quốc hiện nay, đặc biệt là giới trẻ, đã quen với các hình thức quảng bá, truyền thông, mua sắm, thanh toán trực tuyến vì sự tiện lợi và nhanh chóng. Trong khi đó việc tiếp cận người tiêu dùng Trung Quốc trực tiếp trên các nền tảng mua sắm trực tuyến không phải dễ dàng.

- Mức độ cạnh tranh tại thị trường Trung Quốc là rất lớn, với các đối thủ chính đều trong cùng khu vực như Hàn Quốc, Nhật Bản, các nước ASEAN. Các nước này có cơ cấu hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc khá tương đồng với Việt Nam, nên mức độ cạnh tranh còn cao hơn nữa. Ngoài ra, các quốc gia đã có FTA với Trung Quốc từ khu vực châu Mỹ và châu Đại Dương cũng gây khó khăn nhất định cho Việt Nam trong việc cạnh tranh tại thị trường này. Hơn nữa, ngay cả trong các lĩnh vực sản phẩm có thế mạnh, hàng hóa Việt Nam không hẳn có lợi thế về chất lượng, mức độ đa dạng và thương hiệu với các đối thủ này.

Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI