Đặc điểm hệ thống phân phối của Nhật Bản
Về kênh phân phối hàng hóa
Tại Nhật Bản, hàng hóa được phân phối bán lẻ qua nhiều kênh khác nhau như siêu thị, cửa hàng bách hóa, cửa hàng chuyên dụng, cửa hàng tiện lợi và các cửa hàng giảm giá…
Quy mô thị trường bán lẻ của Nhật Bản có xu hướng mở rộng theo thời gian. Trong giai đoạn 2013-2022, doanh thu bán lẻ tại Nhật Bản tăng từ 138,9 nghìn tỷ JPY năm 2013 đến 154,4 nghìn tỷ JYP năm 2022 (Statista.com, 2024). Trong đó, ngành bán lẻ thực phẩm và đồ uống ghi nhận mức doanh thu bán lẻ lớn nhất với 45 nghìn tỷ JPY năm 2022 (chiếm khoảng 29% tổng doanh thu bán lẻ tại Nhật Bản).
Bảng: Hệ thống phân phối của Nhật Bản
Loại hình |
Đặc điểm |
Các thương hiệu nổi tiếng |
Cửa hàng bách hóa (Department stores) |
Bán quần áo, mỹ phẩm, đồ trang sức, thực phẩm
|
Mitsukoshi, Isetan, Marui 0101 ở Tokyo Takashimaya, Sogo ở Kanagawa. |
Siêu thị và đại siêu thị (Supermarkets and hypermarkets) |
Siêu thị thực phẩm và các mặt hàng chuyên dụng |
Aeon, Itoyokado, Daiei, Uny, Izumi, Life corporation, Izumiya, |
Cửa hàng tiện lợi (Convenience stores) |
Mở cửa 24/24 Thực phẩm, đồ uống, sản phẩm hàng ngày |
Seven Eleven, Lawson, Family Mart, Daily Yamazaki, Mini Stop, Seicomart, Poplar |
Cửa hàng giảm giá (Discount stores) |
Quàn áo, hàng tạp hóa |
DonQuijote, Mr Max, Trial company, Takeya, Super Center Plant |
Cửa hàng gia dụng (Home centers) |
Đồ làm vườn, trang trí và các sản phẩm khác để trang trí và lắp đặt |
Cainz, Kohnan Shji, Nafco, Homac, Keiyo D2, Komeri, Kahma, Shimachu, Daiki, Tokyu Hands |
Hệ thống siêu thị bán lẻ (Cooperative) |
80% thực phẩm và 20% hàng hóa tiện lợi và quần áo |
Coop Kobe, Coop Sapporo |
Cửa hàng thuốc (Drug Stores) |
Sản phẩm vệ sinh cá nhân, mỹ phẩm, sản phẩm làm đẹp, chất tẩy rửa, đồ ngọt và đồ uống |
Matsumoto Kiyoshi, CFS Corporation, Sun Drug, Turuha, Sugi Pharmacy, Create SDS, Kokumin |
Cửa hàng chuyên dụng (Specialized stores) |
Chuyên bán một loại sản phẩm nhất định hoặc hướng đến nhóm đối tượng khách hàng cụ thể: quần áo (kể cả kimono), đồ làm vườn, rượu... |
Quần áo: Aoyama Syouji, Aoki International, Haruyama Shoji Quần áo phụ nữ và trẻ em: Shimamura, Five Foxes, Akachan Quần áo thường ngày: Fast retailing (Uniqlo), Right On Giày: Chiyoda, Rượu: Kakuyasu Công nghệ thông tin: Yamada Denki, Yodobashi Camera, Kojima |
Loại khác |
Cửa hàng đồng giá 100 Yên: nhiều loại sản phẩm, được bán với giá 100 Yên |
Daiso Sangyo, Seria, Ninety-nine plus, |
Nguồn: Tổng hợp của TTWTO-VCCI từ số liệu của Santandertrade, 2023
Thương mại điện tử đang ngày càng phát triển tại thị trường Nhật Bản với nhu cầu mua sắm trực tuyến ngày một tăng. Nhật Bản hiện đang là thị trường thương mại điện tử lớn thứ 5 thế giới (chỉ sau Trung Quốc, Hoa Kỳ, Anh và Hàn Quốc). Các loại hàng hóa được mua trực tuyến phổ biến nhất là các sản phẩm thời trang, đồ gia dụng và đồ điện tử. Các trang thương mại điện tử phổ biến tại Nhật Bản có thể kể đến như Amazon.co.jp, Rakuten.co.jp, Shopping.yahoo.co.jp, Zozo.jp, Mercari.com/jp/…
Tuy vậy, người tiêu dùng Nhật Bản vẫn ưa chuộng mua sắm một số sản phẩm (như hàng hóa thiết yếu, thực phẩm, mỹ phẩm…) tại các cửa hàng bán lẻ truyền thống. Trong đó, cửa hàng tiện lợi (còn gọi là konbini) được xem là kênh bán hàng có lợi thế cạnh tranh cao nhất tại Nhật Bản nhờ mạng lưới các cửa hàng dày đặc, dễ dàng tiếp cận, cho phép người tiêu dùng có thể mua sắm nhanh chóng nhiều mặt hàng tạp hóa, đặc biệt phù hợp với lối sống bận rộn tại đất nước này.
Về kênh nhập khẩu hàng hóa
Hàng hóa nhập khẩu có thể tiếp cận thị trường Nhật Bản thông qua nhiều kênh khác nhau phụ thuộc vào từng loại sản phẩm, các cân nhắc về tài chính cũng như các yếu tố khác như quy mô thị trường, nhu cầu và tiềm năng bán hàng trong dài hạn.
Sau đây là một số kênh nhập khẩu hàng hóa nước ngoài vào Nhật Bản phổ biến:
• Qua hiện diện thương mại tại Nhật Bản
Các công ty nước ngoài thành lập hiện diện thương mại (thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, hợp đồng hợp tác kinh doanh, thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện…) tại Nhật Bản để thực hiện việc nhập khẩu, phân phối cho các đại lý, cửa hàng hoặc bán trực tiếp cho người tiêu dùng. Đây là một hình thức hiệu quả để tiếp cận thị trường, tuy nhiên hình thức này phù hợp với các công ty lớn, giao dịch với số lượng nhiều và muốn phát triển lâu dài tại thị trường Nhật Bản. Lý do là việc thành lập và vận hành hiện diện thương mại đòi hỏi vốn đầu tư nhiều hơn so với các hình thức khác, thủ tục thành lập, quản lý cũng mất nhiều thời gian và chi phí hơn.
• Qua đối tác nhập khẩu tại Nhật Bản
Đối tác nhập khẩu có thể là các đơn vị mua hàng để sử dụng trực tiếp cho mình (thiết bị công nghiệp lớn, có giá trị; nguyên nhiên liệu phục vụ sản xuất…) hoặc là các nhà nhập chuyên nghiệp.
Các đơn vị chuyên nhập khẩu của Nhật Bản chủ yếu là các nhà bán buôn, nhà phân phối hoặc các đại lý trung gian nhập khẩu hàng hóa để phân phối lại (ví dụ cho các cửa hàng, siêu thị, các đơn vị khác có nhu cầu). Hàng hóa nhập khẩu thông qua các đơn vị nhập khẩu chuyên nghiệp này thường là các máy móc thiết bị nhỏ, vật tư công nghiệp phổ biến và hàng hóa tiêu dùng.
• Qua kênh mua sắm trực tuyến nước ngoài
Nhà cung cấp nước ngoài cũng có thể bán hàng trực tiếp cho người mua tại Nhật Bản thông qua các kênh thương mại điện tử như: Amazon, Rakuten, Zozo, Mercari… Hình thức này ngày càng trở nên phổ biến tại Nhật Bản để mua sắm hàng hóa quốc tế, tuy nhiên thường chỉ thích hợp với các sản phẩm tiêu dùng.
Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI