Hỏi về cam kết hiển diện thể nhân trong CPTTP và EVFTA

22/06/2020    290

Câu hỏi:

Tôi viết thư này, kính mong Quý Trung Tâm giải đáp một số câu hỏi sau đây. Cụ thể:

Việt Nam có cam kết mở cửa cho hình thức hiện diện thể nhân trong CPTTP và EVFTA hay không? Nếu có thì quy định này nằm cụ thể ở đâu cho từng cam kết?

Trong CPTTP, chúng tôi hiệu rằng nếu như không nằm trong  danh sách  Biện pháp không tương thích về Dịch vụ và Đầu tư thì đồng nghĩa với việc Việt Nam cho phép hiện diện thể nhân đối với tất cả các ngành dịch vụ. Vậy cách hiểu đó có đúng không?

Xin cảm ơn  Quý Trung tâm và rất mong quý trung tâm hồi đáp sớm nhất để doanh nghiệp được hiểu rõ.

 

Trả lời:

 Về câu hỏi của Anh, Trung tâm có hồi đáp như sau: 

1. Trong CPTPP và EVFTA, Việt Nam có cam kết mở cửa cho hình thức hiện diện thể nhân. Cụ thể,

Trong EVFTA, cam kết về hiện diện thể nhân của Việt Nam nằm ở Tiểu Phụ lục 8-B-2, Chương 8 Văn kiện EVFTA (http://trungtamwto.vn/chuyen-de/8445-van-kien-hiep-dinh-evfta-evipa-va-cac-tom-tat-tung-chuong)

Trong CPTPP, các nội dung liên quan đến vấn đề hiện diện thể nhân được quy định tại:
- Chương 10 – Thương mại dịch vụ xuyên biên giới: Chương này thiết lập các quy tắc đối việc cung cấp dịch vụ qua biên giới, trong đó có phương thức cung cấp dịch vụ bởi một cá nhân mang quốc tịch một nước Thành viên trên lãnh thổ của một nước Thành viên khác (cung cấp dịch vụ theo phương thức 4 – Mode 4).

- Chương 9 – Đầu tư: Chương này thiết lập các quy tắc đối việc đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ bằng cách thành lập hiện diện thương mại tại nước sở tại (cung cấp dịch vụ theo phương thức 3 – Mode 3) và đầu tư vào lĩnh vực phi dịch vụ (sản xuất), trong đó có thể có trường hợp di chuyển của nhà quản lý hoặc người lao động trong nội bộ doanh nghiệp từ nước ngoài vào nước sở tại.

- Các Phụ lục I và II của CPTPP (Danh mục các biện pháp không tương thích): Các Phụ lục này nêu rõ các bảo lưu của Việt Nam đối với việc mở cửa thị trường dịch vụ cho mode 4 (giữ nguyên mức mở cửa thị trường như trong cam kết WTO của Việt Nam, tức là rất hạn chế), mode 3 (mở hơn một số khía cạnh so với WTO) và mở cửa thị trường trong các trường hợp đầu tư vào sản xuất.

- Chương 12- Nhập cảnh tạm thời cho khách kinh doanh: Chương này quy định về điều kiện, thủ tục đối với việc nhập cảnh tạm thời của người quản lý, người lao động, người cung cấp dịch vụ trong khuôn khổ mức mở cửa đã nêu tại Chương 9, 10 và các Phụ lục I, II. Tuy nhiên, Việt Nam có một số cam kết rộng hơn về việc nhập cảnh tạm thời cho các đối tượng cung cấp dịch vụ này theo như cam kết cụ thể trong Chương 12 – Nhập cảnh tạm thời cho khách kinh doanh. Cụ thể, Chương này bao gồm cam kết của các nước thành viên liên quan đến việc nhập cảnh tạm thời của “khách kinh doanh” (tức là các cá nhân mang quốc tịch hoặc được hưởng quy chế định cư như người có quốc tịch của nước Thành viên CPTPP tham gia hoạt động thương mại hàng hóa, cung cấp dịch vụ hoặc tiến hành một hoạt động đầu tư ở một nước Thành viên CPTPP khác)  
(*Bản tóm tắt Chương 12 được đính kèm trong email)

- Thư song phương: Ngoài những cam kết chung trong các Chương và Phụ lục, các nước còn có thể có các Thư song phương riêng về vấn đề di chuyển thể nhân và việc nhập cảnh tạm thời của khách kinh doanh.

2. Trong CPTPP, cam kết về Di chuyển thể nhân được quy định ở từng mục riêng trong văn kiện Hiệp định như đã đề cập ở trên (http://trungtamwto.vn/chuyen-de/10835-van-kien-hiep-dinh-cptpp). Do đó, doanh nghiệp cần tìm đúng cam kết cụ thể liên quan để có có cách hiểu chính xác nhất.

Trân trọng,
Trung tâm WTO và Hội nhập