TARIC - Hệ thống dữ liệu thuế quan Liên minh Châu Âu
14/12/2021 30771. Giới thiệu chung
Hệ thống dữ liệu TARIC – Hệ thống thuế quan Liên minh Châu Âu (EU) (https://ec.europa.eu/taxation_customs/dds2/taric/taric_consultation.jsp?Lang=en) đóng vai trò như dịch vụ một cửa để doanh nghiệp và các cơ quan xúc tiến thương mại tiếp cận dữ liệu thương mại và thông tin thực tế về thuế quan tại các thị trường thành viên của Liên minh Thuế quan Liên minh Châu Âu (EUCU). Hệ thống dữ liệu điện tử này cung cấp cho các công ty đang tìm kiếm thị trường xuất khẩu tiềm năng cũng như các công ty đã và đang thực hiện các thủ tục xuất khẩu các dữ liệu về thuế suất, thuế quan, hoãn thuế và các thông tin thuế quan có liên quan.
Dữ liệu tại hệ thống TARIC được thu thập từ chính sách của các thành viên Liên minh Châu Âu (EU), và rộng hơn, của Liên minh Thuế quan Liên minh Châu Âu (EUCU).
2. Chức năng cơ bản của Hệ thống dữ liệu TARIC
Cổng điện tử này tập trung vào haihoạt động chính để tăng cường sự tiếp cận của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) với các thông tin thị trường chủ yếu: i) phát triển một ứng dụng trực tuyến mang tính tương tác, tích hợp các thông tin thuế quan hữu quan và toàn diện; ii) đẩy mạnh nỗ lực thu thập thông tin nhằm tối đa hóa sự phối hợp đồng bộ và đảm bảo tính toàn diện và cập nhật của thông tin liên quan tới thuế quan.
Điều này bao gồm các quy định của hệ thống hài hòa và danh pháp kết hợp nhưng cũng có các điều khoản bổ sung được quy định trong luật của EUCU và các lãnh thổ thuế quan thành viên như tạm dừng thuế quan, hạn ngạch thuế quan và ưu đãi thuế quan, tồn tại đối với đa số các đối tác thương mại của EUCU. Trong thương mại với các nước thứ ba, mã Taric 10 chữ số phải được sử dụng trong khai báo hải quan và thống kê.
Hệ thống cung cấp thông tin miễn phí giúp doanh nghiệp có thể tìm hiểu thuế suất và các điều kiện tiếp cận thị trường, tìm hiểu tiến trình xuất khẩu tại thị trường EU.
Hệ thống TARIC cũng bao gồm các giải thích, hướng dẫn và tích hợp tra cứu về khu vực địa lý, cơ sở pháp lý để giúp các doanh nghiệp phân tích lợi ích thương mại, chính sách thuế quan, cung cấp thông tin tổng quan về luật của EU về sản phẩm và dịch vụ, cũng như chi tiết liên hệ của cơ quan hải quan và các cơ quan có liên quan khác ở các quốc gia thành viên EU và các đối tác thương mại của EU.
3. Kết cấu Website và Hướng dẫn sử dụng
Trang web Hệ thống dữ liệu TARIC có kết cấu gồm các mục: Biện pháp (Measures), Khu vực địa lý (Geographical areas), Quy định (Regulations).
Hệ thống hiện có các lựa chọn ngôn ngữ cho doanh nghiệp bao gồm: Tiếng Anh, Tiếng Bulgaria, tiếng Czech, Tiếng Đan Mạch, Tiếng Đức, Tiếng Estonia, Tiếng Hy Lạp, Tiếng Pháp, Tiếng Tây Ban Nha, Tiếng Hungary, Tiếng Ý, Tiếng Latvia, Tiếng Croat, Tiếng Hà Lan, Tiếng Ba Lan, Tiếng Bồ Đào Nha, Tiếng Romani, TIếng Slovenia, Tiếng Slovak, Tiếng Phần Lan và Tiếng Thụy Điển.
Doanh nghiệp có thể trực tiếp truy cập vào website và tra cứu miễn phí các thông tin cần thiết về thuế suất, các biện pháp thương mại, các quy định về khu vực thuế quan và căn cứ pháp lý tại các lãnh thổ thuế quan thuộc EU… TARIC không yêu doanh nghiệp cầu đăng nhập để sử dụng.
3.1. Biện pháp (Measures)
Tại Biện pháp (Measures) – Mục “Mã hàng hóa (Goods code)”, doanh nghiệp sẽ điền mã mặt hàng xuất/nhập khẩu và tại mục "Xuất xứ (Origin/destination)" doanh nghiệp quốc gia xuất xứ mà doanh nghiệp đang muốn tìm hiểu thông tin
Sạu điền đầy đủ thông tin và ấn “Retrieve Measures”, một loạt các thông tin cụ thể về việc thuế quan xuất nhập khẩu mặt hàng sang quốc gia mà doanh nghiệp lựa chọn sẽ hiện ra.
Các thông tin bao gồm:
- Loại biện pháp (Measure type);
- Khu vực biện pháp áp dụng (Geograpical areas);
- Điều kiện áp dụng (Conditions);
- Ngày có hiệu lực (Date);
- Căn cứ pháp lý (Legal basis);
Doanh nghiệp sẽ lựa chọn các thông tin cụ thể mà doanh nghiệp có nhu cầu tìm kiếm về các loại thuế quan tại thị trường và sản phẩm liên quan mà họ quan tâm.
3.2. Khu vực địa lý (Geographical areas)
Tại Khu vực địa lý (Geographical areas) – Mục “Mã ISO (ISO code)”, doanh nghiệp sẽ điền mã ISO của quốc gia doanh nghiệp đang muốn tìm hiểu thông tin. Tại mục "Quốc gia/Vùng lãnh thổ (Country/Territory name)" doanh nghiệp sẽ điền vùng lãnh thổ, quốc gia mà doanh nghiệp quan tâm, đặc biệt là quốc gia xuất xứ hàng hóa. Tại mục "Tên nhóm viết tắt (Group abbreviation)", các doanh nghiệp sẽ điền tên viết tắt của các nhóm nước mà doanh nghiệp quan tâm. Tại mục "Mã nhóm (Group number)", các doanh nghiệp sẽ điền mã số của các nhóm nước mà doanh nghiệp quan tâm.
Sạu điền bất kỳ thông tin và ấn “Search”, một loạt các thông tin cụ thể về quốc gia nào thuộc khu vực địa lý nào, nhóm quốc gia nào và có mã quốc gia nào sẽ hiện ra.
Các thông tin này phục vụ doanh nghiệp tra cứu các Biện pháp áp dụng tại mục Biện pháp (Measures).
3.3. Quy định (Regulations)
Tại Quy định (Regulations) – Mục “Mã xuất bản chính thức (Official Journal)”, doanh nghiệp sẽ điền mã xuất bản của các quy định pháp luật của EU (OJEU) mà doanh nghiệp đang muốn tìm hiểu thông tin. Tại mục "Ngày xuất bản (Publication Date)" doanh nghiệp sẽ điền quãng thời gian mà quy định pháp luật được xuất bản tại OJEU mà doanh nghiệp có nhu cầu tìm kiếm. Tại mục "Ngày có hiệu lực (Regulation date)", các doanh nghiệp sẽ điền quãng thời gian mà doanh nghiệp quan tâm nhằm tìm kiếm các văn bản có hiệu lực.
Sạu điền bất kỳ thông tin và ấn “Search”, một loạt các thông tin cụ thể về căn cứ pháp lý, ngày đi vào hiệu lực và ngày hết hiệu lực của các biện pháp cũng như thông tin liên quan tới xuất bản OJEU của các biện pháp sẽ hiện ra.
Các thông tin này phục vụ doanh nghiệp tra cứu các Biện pháp áp dụng tại mục Biện pháp (Measures).
Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI
- Các công cụ tra cứu thuế nhập khẩu
- Open Trade Statistics - Công cụ trực quan hóa dữ liệu thương mại thế giới
- WCO Trade Tools - Công cụ hỗ trợ hoạt động thương mại của Tổ chức Hải quan Thế giới
- LP Hub - Cơ sở trực tuyến về các điều khoản lao động trong các Hiệp định thương mại
- VNTR – Cơ sở Dữ liệu Thương mại Việt Nam