WCO Trade Tools - Công cụ hỗ trợ hoạt động thương mại của Tổ chức Hải quan Thế giới
28/10/2022 22341. Giới thiệu chung và WCO Trade Tools (https://www.wcotradetools.org/en)
WCO Trade Tools là công cụ mạnh mẽ hỗ trợ các chủ thể trong thương mại quốc tế. Đây là nền tảng chính thức được phát triển bởi Tổ chức Hải quan Thế giới nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động xuất/nhập khẩu hàng hóa trong ba lĩnh vực chính bao gồm: phân loại hàng hóa theo Hệ thống hài hòa (HS), xác định nguồn gốc xuất xứ, tính trị giá hải quan. Bên cạnh đó, nền tảng này cũng lưu trữ các văn bản pháp luật, chằng hạn như Công ước Kyoto sửa đổi, kèm theo các Phụ lục và Hướng dẫn thực hiện.
2. Hướng dẫn sử dụng WCO Trade Tools
WCO Trade Tools bao gồm 3 chuyên mục chính. Phần dưới đây sẽ giới thiệu nhanh về nội dung của mỗi chuyên mục để người dùng có một cái nhìn tổng thể về các thông tin có thể tra cứu trên công cụ online này. Để khai thác tối đa lợi ích của công cụ này, người dùng cần tạo tài khoản và trả phí.
Giới thiệu nội dung và cách sử dụng các chuyên mục của WCO Trade Tools
STT |
Chuyên mục |
Nội dung |
Các vấn đề tra cứu |
1 |
Harmonized System (Hệ thống hài hòa) |
Cung cấp thông tin về Hệ thống hài hòa bao gồm danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu, chú giải, các ý kiến phân loại. Người dùng có thể tra cứu 5 phiên bản HS được cung cấp trong cơ sở dữ liệu này là phiên bản 2002, 2007, 2012, 2017 và 2022. |
- 5 phiên bản HS gần nhất (2022, 2017, 2012, 2007, 2002) - Lịch sử phát triển của mã HS ở cấp phân nhóm qua các phiên bản khác nhau - Ghi chú pháp lý tới cấp độ chương, ghi chú giải thích, các ý kiến phân loại tới cấp độ phân nhóm - So sánh nội dung giữa các phiên bản HS khác nhau tới cấp độ phân nhóm - Những cập nhật mới nhất về mã HS |
2 |
Origin (Xuất xứ hàng hóa) |
Cung cấp thông tin về hơn 400 hiệp định thương mại khu vực và quốc tế với các quy tắc ưu đãi như quy tắc xuất xứ, quy tắc cụ thể mặt hàng. |
- Văn kiện của hơn 400 FTA, đi kèm là các phụ lục và mẫu C/O tương ứng - Xác định xem sản phẩm có thuộc phạm vi điều chỉnh của FTA hay không - Tìm kiếm Quy tắc cụ thể mặt hàng của sản phẩm - So sánh Quy tắc cụ thể mặt hàng giữa 2 FTA |
3 |
Valuation (Trị giá hải quan) |
Cung cấp thông tin về việc thực thi Hiệp định Trị giá Hải quan 1994 |
- Văn kiện Hiệp định Trị giá hải quan - Các quyết định của Ủy ban WTO về Trị giá Hải quan - Các công cụ về Trị giá Hải quan do Ủy ban Kỹ thuật WCO phát triển |
Ví dụ 1: Xem lịch sử phát triển của mã HS cấp phân nhóm
Bước 1: Click chuột vào mục Harmonized System tại trang chủ
Bước 2: Điều hướng tới phân nhóm muốn tra cứu (chằng hạn phân nhóm 0101.21 trong HS 2022)
Bước 3: Click vào dấu ba chấm ở góc bên trái và lựa chọn History
Bước 4: Lựa chọn phiên bản HS đầu và cuối để xem lịch sử phát triển của phân nhóm 0101.21 trong HS 2022 (chẳng hạn phiên bản HS 2002 và HS 2022)
Bước 5: Đọc kết quả
Bảng kết quả xuất hiện như hình bên dưới, phân nhóm 0101.10 trong HS.2002 đã được chuyển thành phân nhóm 0101.21 trong HS 2017 và HS 2022.
(Chi tiết hướng dẫn có thể xem tại https://www.youtube.com/watch?v=vhwGU3hBKGM)
Ví dụ 2: Tra cứu Quy tắc xuất xứ và Quy tắc cụ thể mặt hàng
Bước 1: Click chuột vào mục Origin tại trang chủ
Bước 2: Lựa chọn quốc gia xuất xứ và quốc gia đến (chẳng hạn Bỉ và Honduras), sau đó nhấn vào biểu tượng kính lúp để xem kết quả
Bước 3: Đọc và nghiên cứu kết quả
Bảng kết quả xuất hiện như hình bên dưới, Hiệp định thương mại EU - Trung Mỹ (với sự tham gia của Bỉ và Honduras) có quy định về Quy tắc xuất xứ và Quy tắc cụ thể mặt hàng được tìm thấy.
Click vào tên Hiệp định để xem chi tiết
Có thể lựa chọn vào một trong 3 mục Rules of Origin (Quy tắc xuất xứ), Product Specific Rules (Quy tắc cụ thể mặt hàng), Additional Content (Nội dung khác) để xem các quy định cụ thể tương ứng.
Chằng hạn như tại mục Product Specific Rules (Quy tắc cụ thể mặt hàng) có thể tra cứu theo mã HS của mặt hàng/nhóm mặt hàng cụ thể bằng cách điền mã HS vào ô ở góc trên bên phải và nhấn vào nút kính lúp để hiện kết quả.
(Chi tiết hướng dẫn có thể xem tại https://www.youtube.com/watch?v=xF97x_rhZZA)
Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập