Hỏi - Đáp về ATISA: Các cam kết đặc thù về dịch vụ tài chính?

16/10/2021    217

ATISA có một Phụ lục riêng về dịch vụ tài chính, là một phần không tách rời của Hiệp định này. 

Phụ lục về dịch vụ tài chính của ATISA bao gồm các cam kết bổ sung, chỉ áp dụng cho dịch vụ tài chính. Trường hợp các cam kết trong Phụ lục này khác biệt so với các cam kết chung trong Văn kiện chính của ATISA thì ưu tiên áp dụng cam kết của Phụ lục này. 

Dưới đây là tóm tắt một số nhóm cam kết đáng chú ý trong Phụ lục về dịch vụ tài chính của ATISA:

  • Phạm vi các dịch vụ tài chính trong ATISA

Mặc dù ATISA có cách tiếp cận trong cam kết dịch vụ theo kiểu “chọn – bỏ” (xem Câu hỏi 17), Phụ lục dịch vụ tài chính lại liệt kê một danh sách cụ thể các dịch vụ tài chính thuộc phạm vi điều chỉnh của ATISA (danh sách “đóng”) tương tự như cách tiếp cận kiểu “chọn-cho”. 

Như vậy, ngoài các dịch vụ được liệt kê (bao gồm cả “dịch vụ tài chính mới” theo định nghĩa tại Phụ lục), các nước thành viên không bị ràng buộc bởi cam kết ATISA đối với tất cả các dịch vụ có “bản chất tài chính” khác.

Danh mục các dịch vụ tài chính thuộc phạm vi của ATISA bao gồm:

-    Nhóm Dịch vụ bảo hiểm và dịch vụ liên quan tới bảo hiểm: Bảo hiểm gốc (nhân thọ, phi nhân thọ), tái bảo hiểm và nhượng tái bảo hiểm; trung gian bảo hiểm; hỗ trợ bảo hiểm

-    Nhóm dịch vụ ngân hàng và dịch vụ tài chính khác: nhận tiền gửi, cho vay, thuê mua tài chính, thanh toán và chuyển tiền, bảo lãnh và cam kết, một số hoạt động kinh doanh trên tài khoản của mình và của khách hàng được liệt kê, phát hành các loại chứng khoán, môi giới tiền tệ, quản lý tài sản, thanh toán bù trừ tài sản tài chính, cung cấp và chuyển thông tin tài chính, tư vấn trung gian môi giới cho một số dịch vụ tài chính

So với các lĩnh vực dịch vụ tài chính mà Việt Nam có cam kết trong WTO thì phạm vi dịch vụ tài chính trong ATISA là tương đồng và chỉ rộng hơn ở:

-    Bảo hiểm y tế (nằm trong bảo hiểm nhân thọ)

-    Phát hành các loại chứng khoán và dịch vụ hỗ trợ hoạt động phát hành này

  • Ngoại lệ “biện pháp thận trọng”

Bên cạnh các trường hợp ngoại lệ chung mà ATISA ghi nhận, Phụ lục về dịch vụ tài chính còn có thêm ngoại lệ cho phép áp dụng các biện pháp vì lý do thận trọng (gọi là các biện pháp tự vệ riêng cho lĩnh vực tài chính).

Cụ thể, nước thành viên ATISA được quyền áp dụng bất kỳ biện pháp cần thiết nào “vì lý do thận trọng”, trong đó có lý do:

-    Để bảo vệ các nhà đầu tư, người gửi tiền, chủ nợ và những chủ thể khác mà các nhà cung cấp dịch vụ tài chính nợ, hoặc

-    Để bảo đảm sự ổn định và toàn vẹn của hệ thống tài chính, hoặc

-    Để bảo đảm sự ổn định của việc trao đổi ngoại tệ

Điều kiện duy nhất mà các nước thành viên phải tuân thủ khi áp dụng các biện pháp tự vệ này là phải bảo đảm rằng đây không phải biện pháp để lẩn tránh các nghĩa vụ cam kết theo ATISA.

Riêng đối với các biện pháp áp dụng vì lý do “bảo đảm ổn định trao đổi ngoại tệ”, nước thành viên áp dụng các biện pháp này có thêm các nghĩa vụ:

-    Bảo đảm rằng biện pháp không vượt quá mức cần thiết 

-    Phải giảm dần mức độ hạn chế khi bối cảnh đã thay đổi, và

-    Phải áp dụng trên nguyên tắc tối huệ quốc (tức không phân biệt đối xử giữa các nước thành viên ATISA khác với nhau)

  • Nghĩa vụ minh bạch hóa

So với các cam kết chung của ATISA về minh bạch thì cam kết riêng về vấn đề này trong lĩnh vực tài chính có một số điểm hạn chế hơn:

-    Về công bố bản dịch tiếng Anh của các quy định về tài chính: Nêu rõ bản này không phải là bản chính thức;

-    Về tạo điều kiện để công chúng bình luận các dự thảo: Đối với dịch vụ tài chính, nghĩa vụ này không áp dụng với công chúng nói chung mà chỉ giới hạn ở các tổ chức, cá nhân “có lợi ích liên quan”

-    Về việc thẩm định đơn xin cấp phép hoạt động tài chính: Phụ lục quy định rõ thời hạn cấp phép (khá dài, 180 ngày, và có thể gia hạn); Nếu từ chối cấp phép thì cơ quan có thẩm quyền chỉ phải “nỗ lực” nêu lý do từ chối (trong khi cam kết chung ATISA về nghĩa vụ này là “bắt buộc”)

  • Các nguyên tắc cơ bản

Phụ lục về dịch vụ tài chính có quy định riêng về một số nguyên tắc cơ bản trong ứng xử với dịch vụ, nhà cung cấp dịch vụ nước thành viên khác, khác với nguyên tắc chung của ATISA, trong đó đang chú ý có:

-    Nguyên tắc đối xử tối huệ quốc (MFN): Phụ lục cho phép mỗi nước thành viên có thể liệt kê một Danh mục các ngoại lệ với nguyên tắc MFN về dịch vụ tài chính mà mình muốn; đồng thời chấp nhận các biện pháp không tuân thủ MFN mà các nước áp dụng đối với thương mại biên giới;

-    Nguyên tắc tiếp cận thị trường (MA): So với cam kết chung trong ATISA, nguyên tắc MA trong Phụ lục tài chính không hạn chế các biện pháp có tính giới hạn hoặc yêu cầu hình thức pháp lý cụ thể của pháp nhân hay liên doanh;

-    Nguyên tắc hiện diện tại địa phương (Local Presence): Nguyên tắc này của ATISA không áp dụng cho dịch vụ tài chính.

  • Một số cam kết khác

Một số cam kết riêng về dịch vụ tài chính trong Phụ lục này đáng chú ý:

-    Về dịch vụ tài chính mới

Đối với các dịch vụ tài chính đã xuất hiện ở nước thành viên khác nhưng chưa có ở nước sở tại, và nước sở tại không sửa đổi hay bổ sung một luật nào liên quan tới dịch vụ này, nếu nhà cung cấp dịch vụ nước thành viên khác nộp đơn xin cấp phép, cơ quan có thẩm quyền sẽ phải xem xét đơn này như cách mình xem xét đơn của nhà cung cấp dịch vụ nước mình trong hoàn cảnh tương tự.

-    Về hệ thống thanh toán và bù trừ

Phụ lục yêu cầu nước thành viên phải cho phép tổ chức cung cấp dịch vụ nước thành viên khác quyền tiếp cận hệ thống thanh toán và bù quản lý bởi một tổ chức công cũng như các thiết chế cho vay hoặc tái cấp tài chính công cộng.

-    Về truyền/gửi và xử lý dữ liệu

Phụ lục yêu cầu các nước thành viên không được áp dụng bất kỳ biện pháp nào cản trở việc truyền/gửi (bao gồm cả dữ liệu điện tử), xử lý và chuyển các thiết bị cần thiết thực hiện trong quá trình kinh doanh bình thường của tổ chức tài chính.

Tuy nhiên, các nước vẫn được quyền hạn chế việc truyền, xử lý dữ liệu này nếu nhằm để bảo vệ thông tin cá nhân, áp dụng các biện pháp cần thiết vì lý do thận trọng liên quan tới quản trị, lưu trữ dữ liệu, trong đó có cả biện pháp buộc lưu trữ dữ liệu trên lãnh thổ mình.

Nguồn: Trích dẫn "Sổ tay Hỏi - Đáp về Hiệp định Thương mại Dịch vụ ASEAN (ATISA)" -
Dự án: Thúc đẩy năng lực cạnh tranh trong khuôn khổ Sáng kiến hội nhập ASEAN (COMPETE) - GIZ