Hỏi - Đáp về ATISA: Tranh chấp liên quan tới thực thi cam kết ATISA được giải quyết như thế nào?

18/10/2021    393

ATISA không quy định một cơ chế riêng để giải quyết tranh chấp phát sinh giữa các nước thành viên liên quan tới Hiệp định mà sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp chung trong ASEAN theo Nghị định thư ASEAN về tăng cường cơ chế giải quyết tranh chấp (gọi tắt là EDSM).

EDSM thiết kế một cơ chế giải quyết tranh chấp thông qua Tham vấn – Hòa giải - Ban hội thẩm tương tự như cơ chế sử dụng bởi nhiều FTA khác.

Dưới đây là tóm tắt các bước trong quy trình giải quyết tranh chấp theo EDSM, giới hạn trong trường hợp cụ thể của ATISA:

Bước 1: Tham vấn

Khi xảy ra tranh chấp liên quan đến việc thực thi, giải thích hoặc áp dụng các quy định ATISA, các nước thành viên phải giải quyết trước hết thông qua tham vấn. 

Bên được tham vấn phải phản hồi Bên tham vấn trong vòng 10 ngày sau ngày nhận được Yêu cầu tham vấn. Hai bên sẽ tiến hành tham vấn trong khoảng thời gian 30 ngày sau ngày nhận được Yêu cầu tham vấn.

Bước 2: Môi giới, Trung gian, Hòa giải

Trong bất kỳ giai đoạn nào của quá trình giải quyết tranh chấp, các bên có thể sử dụng hình thức trung gian hoặc hòa giải để giải quyết, và nếu đạt được thống nhất thì vụ kiện sẽ lập tức dừng tại đó.

Bước 3: Thành lập Ban hội thẩm

Ban Hội thẩm sẽ được thành lập theo yêu cầu của Bên yêu cầu tham vấn nếu:

  • Trong vòng 10 ngày sau ngày nhận được Yêu cầu tham vấn, bên được tham vấn không phản hồi bên tham vấn, hoặc
  • Trong vòng 30 ngày sau ngày nhận được Yêu cầu tham vấn, các bên không tiến hành tham vấn, hoặc
  • Trong vòng 60 ngày sau ngày nhận được Yêu cầu tham vấn, các bên không đạt được thống nhất

Quyết định thành lập Ban Hội thẩm được thực hiện tại Hội nghị các Lãnh đạo Kinh tế cao cấp ASEAN (SEOM) hoặc thông qua lấy ý kiến luân chuyển (circulation) các nước Thành viên trong vòng 45 ngày kể từ ngày nhận Yêu cầu thành lập Ban Hội thẩm.

Ban Hội thẩm sẽ bao gồm 3 người do Ban Thư ký ASEAN lựa chọn và không mang quốc tịch của một trong các bên tranh chấp trừ khi được các bên này đồng ý.

Ban Hội thẩm sẽ thực hiện các đánh giá khách quan về vụ kiện, bao gồm xem xét các tình tiết của vụ kiện và xác định tính phù hợp với cam kết ATISA, từ đó đưa ra các kết luận và khuyến nghị liên quan tới vụ kiện

Bước 4: Hoạt động của Ban Hội thẩm

Trong vòng 60 ngày kể từ ngày thành lập (có thể gia hạn thêm 10), Ban Hội thẩm phải hoàn thành Báo cáo của Ban Hội thẩm gửi lên SEOM. Tuy nhiên, trước đó Ban Hội thẩm phải cho phép các bên của vụ kiện được tiếp cận và bình luận Báo cáo.

Bước 5: Thông qua Báo cáo của Ban Hội thẩm

Báo cáo của Ban Hội thẩm sẽ được SEOM thông qua trong vòng 30 ngày kể từ ngày gửi lên SEOM trừ khi một bên tranh chấp thông báo chính thức với SEOM về việc kháng cáo, hoặc SEOM đồng thuận phủ quyết Báo cáo.

Bước 6: Trình tự Phúc thẩm

Khi có yêu cầu kháng cáo chính thức của một bên tranh chấp, Cơ quan Phúc thẩm sẽ được thành lập bởi Các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN (AEM).  Chức năng của Cơ quan Phúc thẩm chỉ là xem xét lại các vấn đề pháp lý và giải thích pháp lý trong Báo cáo của Ban Hội thẩm

Báo cáo của Cơ quan Phúc thẩm sẽ được đưa ra trong vòng 60 ngày (gia hạn không quá 30 ngày) kể từ ngày có yêu cầu kháng cáo chính thức của một bên. Báo cáo của Cơ quan Phúc thẩm có thể ủng hộ, sửa đổi hoặc phản đối các kết luận trong Báo cáo của Ban Hội thẩm

Báo cáo của Cơ quan Phúc thẩm sẽ được SEOM thông qua trong vòng 30 ngày kể từ ngày Báo cáo này được đưa ra, trừ khi SEOM đồng thuận phủ quyết. Báo cáo sẽ được chấp nhận vô điều kiện bởi các bên tranh chấp.

Bước 7: Thi hành

Nếu Báo cáo của Ban Hội thẩm hoặc Cơ quan Phúc thẩm kết luận biện pháp của một bên là không tuân thủ theo ATISA, Ban Hội thẩm hoặc Cơ quan Phúc thẩm sẽ đưa ra khuyến nghị yêu cầu bên vi phạm phải sửa đổi để biện pháp đó tuân thủ. Ban Hội thẩm hoặc Cơ quan Phúc thẩm cũng có thể đưa ra khuyến nghị vệ cách thức sửa đổi để biện pháp tuân thủ.

Bên thua sẽ phải tuân thủ các khuyến nghị trong Báo cáo của Ban Hội thẩm hoặc Cơ quan Phúc thẩm trong vòng 60 ngày kể từ ngày Báo cáo đó được thông qua bởi SEOM, trừ khi có yêu cầu và được cho phép một khoảng thời gian dài hơn để thực hiện.

Bước 8: Bồi thường và Trả đũa

Trong trường hợp bên thua không sửa đổi biện pháp vi phạm để bảo đảm tuân thủ ATISA hoặc việc sửa đổi không được thực hiện trong vòng 60 ngày kể từ ngày Báo cáo của Ban Hội thẩm hoặc Cơ quan Phúc thẩm được thông qua,  bên thắng kiện có thể yêu cầu bên thua kiện cùng đàm phán để cùng thống nhất một mức bồi thường. Nếu hai bên không đạt được thỏa thuận về mức bồi thường trong vòng 20 ngày kể từ khi hết thời hạn 60 ngày trên, bên thắng (một hoặc tất cả các nguyên đơn) có thể yêu cầu SEOM cho phép đình chỉ một nghĩa vụ hoặc một nhượng bộ theo Hiệp định liên quan đối với bên còn lại.

Về phạm vi, cơ chế giải quyết tranh chấp nói trên của EDSM sẽ được áp dụng đối với tất cả các tranh chấp phát sinh từ hoặc có liên quan tới tất cả các cam kết ATISA (bao gồm Văn kiện chính và các Phụ lục) ngoại trừ trường hợp tranh chấp từ/liên quan đến:

  • Các cam kết về trợ cấp của ATISA 
  • Các cam kết về doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa của ATISA 

Nguồn: Trích dẫn "Sổ tay Hỏi - Đáp về Hiệp định Thương mại Dịch vụ ASEAN (ATISA)" -
Dự án: Thúc đẩy năng lực cạnh tranh trong khuôn khổ Sáng kiến hội nhập ASEAN (COMPETE) - GIZ