Hỏi - Đáp về ATISA: Cơ hội và thách thức với Việt Nam trong ATISA?

18/10/2021    1292

ATISA là một bước tiến quan trọng trong tiến trình tự do hóa thương mại dịch vụ trong khu vực. Với các mục tiêu tự do hóa và hợp tác phát triển của ATISA (xem Câu hỏi 2), ATISA được kỳ vọng sẽ mang lại những cơ hội có ý nghĩa nhưng đồng thời cũng đặt ra những thách thức đáng kể cho doanh nghiệp và thị trường dịch vụ Việt Nam.

Cơ hội

Nếu thực thi hiệu quả, ATISA được dự báo sẽ mang lại cho Việt Nam cơ hội:

  • Tiếp cận thuận lợi hơn, dễ dàng hơn để tiến vào thị trường dịch vụ các nước ASEAN, qua đó thu lợi ích từ các thị trường này

Trong ATISA, tất cả các thành viên sẽ phải mở cửa thị trường dịch vụ của mình cho nhà cung cấp dịch vụ từ nước khác ở mức ít nhất bằng với các Gói cam kết AFAS (đặc biệt là Gói thứ 9 và thứ 10). Vì vậy, suy đoán là trong tương lai, mức mở cửa và điều kiện tiếp cận thị trường các dịch vụ các nước ASEAN sẽ chỉ thuận lợi hơn cho nhà cung cấp dịch vụ Việt Nam.

Trong bối cảnh một số thị trường ASEAN hiện đang là đích đến tiềm năng của không ít các nhà cung cấp dịch vụ Việt Nam (ví dụ thị trường Lào, Campuchia, Myanmar, với các dịch vụ như viễn thông, logistics, tài chính, thể thao, giáo dục; các thị trường ASEAN khác với các dịch vụ logistics, đặc biệt là vận tải biển và vận tải hàng không;….), ATISA được xem như là bước ngoặt để các nhà cung cấp dịch vụ Việt Nam tiếp cận, mở rộng phạm vi kinh doanh của mình ở các thị trường này. 

  • Môi trường kinh doanh trong các lĩnh vực dịch vụ ở Việt Nam và các nước ASEAN minh bạch hơn, rõ ràng và dễ dự đoán trước, từ đó giảm chi phí cho doanh nghiệp dịch vụ

Theo ATISA, các nước thành viên, bao gồm cả Việt Nam, sẽ phải tuân thủ các nguyên tắc ứng xử chung, thống nhất trong các lĩnh vực có cam kết. Điều này sẽ giúp cho quyền lợi của nhà cung cấp dịch vụ được bảo vệ tốt hơn, môi trường kinh doanh minh bạch hơn, các hành động quản lý hay xu hướng chính sách của có thể dự đoán dễ dàng và đáng tin cậy hơn. 

Theo cách này, nhà cung cấp dịch vụ Việt Nam kinh doanh ở Việt Nam hay hoạt động ở nước thành viên khác đều sẽ được hưởng lợi, chi phí kinh doanh có thể giảm bớt và các dự báo chiến lược cho hoạt động kinh doanh có thể ổn định và thực thi thuận lợi hơn.

  • Liên doanh, liên kết với các nhà cung cấp dịch vụ ASEAN, tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị dịch vụ toàn cầu

ATISA được kỳ vọng gia tăng đầu tư trong các lĩnh vực dịch vụ, trong đó có hoạt động đầu tư dưới dạng liên doanh, góp vốn mua cổ phần tại doanh nghiệp dịch vụ. Điều này là cơ hội để doanh nghiệp dịch vụ Việt Nam thu hút thêm nguồn vốn, công nghệ và kinh nghiệm quản trị, kinh doanh, nhanh chóng tiếp cận các dịch vụ mới…từ các đối tác ASEAN có thế mạnh về một số dịch vụ mới, sáng tạo, đặc biệt là các dịch vụ của nền kinh tế số, kinh tế nền tảng.

Đồng thời, ATISA cũng được đánh giá là sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các dịch vụ xuyên biên giới giữa các nước ASEAN. Đây là cơ sở để kỳ vọng về một sự kết nối dịch vụ giữa các nước thành viên tốt hơn, hiệu quả hơn, trong đó có kết nối các nhà cung cấp dịch vụ ASEAN với nhau, đặc biệt trong các dịch vụ đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các nhà cung cấp dịch vụ ở các khâu với nhau và với khách hàng.

Thách thức

Một thị trường dịch vụ khu vực tự do hơn, thuận lợi và dễ dàng tiếp cận cho các nhà cung cấp dịch vụ ở bất kỳ nước thành viên nào cũng được dự báo có thể tạo ra những thách thức nhất định với dịch vụ, các nhà cung cấp dịch vụ Việt Nam, cụ thể:

  • Thách thức cạnh tranh ở thị trường nội địa từ các dịch vụ, đối tác cung cấp dịch vụ ASEAN

Việc mở cửa rộng hơn thị trường Việt Nam cho các dịch vụ, nhà cung cấp dịch vụ ASEAN có thể khiến cạnh tranh trên thị trường Việt Nam trở nên gay gắt, phức tạp hơn. Nguy cơ này đặc biệt lớn ở những lĩnh vực dịch vụ mà doanh nghiệp Việt Nam còn có năng lực cạnh tranh hạn chế, uy tín chưa cao (ví dụ bảo hiểm, vận tải, giáo dục, phân phối, các dịch vụ chuyên môn….).

  • Thách thức cạnh tranh ở các thị trường ASEAN

Do cam kết mở cửa trong ATISA của mỗi nước sẽ được áp dụng thống nhất với dịch vụ, nhà cung cấp dịch vụ của tất cả các thành viên khác, đồng thời mức mở cửa suy đoán sẽ thuận lợi hơn so với AFAS, một số nhà cung cấp dịch vụ Việt Nam đã và đang hiện diện ở một số nước ASEAN theo cơ chế trước đây có thể sẽ phải đối mặt với cạnh tranh khó khăn hơn. Sau ATISA, đối thủ cạnh tranh của các doanh nghiệp sẽ không còn chỉ là các nhà cung cấp dịch vụ nước sở tại, mà còn cả các nhà cung cấp dịch vụ ASEAN khác vào thị trường qua ATISA.

Nguồn: Trích dẫn "Sổ tay Hỏi - Đáp về Hiệp định Thương mại Dịch vụ ASEAN (ATISA)" -
Dự án: Thúc đẩy năng lực cạnh tranh trong khuôn khổ Sáng kiến hội nhập ASEAN (COMPETE) - GIZ