Hỏi - Đáp về ATISA: Phương pháp mở cửa thị trường dịch vụ trong ATISA?

16/10/2021    1182

Đàm phán mở cửa thị trường dịch vụ trong các Hiệp định mở cửa thương mại dịch vụ thường được thực hiện theo một trong hai phương pháp: “chọn-cho” và “chọn-bỏ”. Cam kết ATISA về mở cửa thị trường được thực hiện theo phương pháp “chọn-bỏ”. 

(i)    Phân biệt “chọn-cho” và “chọn bỏ”

  • Phương pháp “chọn – cho” (positive list) 

Theo phương pháp này, nước thành viên tham gia Hiệp định sẽ mở cửa các thị trường dịch vụ của mình bằng cách liệt kê cụ thể các lĩnh vực dịch vụ (ngành, phân ngành, hoạt động) mà mình “chọn” để mở cửa “cho” nhà cung cấp dịch vụ, nhà đầu tư của nước đối tác trong một Danh mục (thường gọi là Biểu cam kết mở cửa thị trường dịch vụ). Danh mục này nêu cụ thể các dịch vụ sẽ mở cho đối tác và mức mở cửa, điều kiện mở cửa tương ứng. 

Với phương pháp “chọn-cho” này, nước thành viên sẽ chỉ có nghĩa vụ mở cửa thị trường dịch vụ của mình theo đúng Danh mục (về loại dịch vụ, về mức và điều kiện mở cửa).

Đối với các ngành, phân ngành hoặc hoạt động dịch vụ không được liệt kê trong Danh mục “chọn-cho” này, nước thành viên có thể quyết định không mở cửa hoặc mở cửa theo mức độ, điều kiện tùy nhu cầu của mình.

Hiệp định thương mại dịch vụ của WTO (GATS) hay AFAS là các Hiệp định mà thành viên mở cửa thị trường dịch vụ theo phương thức chọn – cho này. Ví dụ, trong Biểu cam kết mở cửa thị trường dịch vụ phân phối của Việt Nam trong WTO không có dịch vụ “chợ” (chỉ có dịch vụ bán buôn, bán lẻ, đại lý, nhượng quyền thương mại). Với phương thức chọn-cho của GATS, điều này có nghĩa là Việt Nam có quyền áp dụng bất kỳ biện pháp nào với các nhà đầu tư, cung cấp dịch vụ nước ngoài kinh doanh chợ (dù là chợ truyền thống hay các chợ thương mại điện tử).

  • Phương pháp “chọn – bỏ” (negative list)

Phương pháp này có tính chất ngược với phương pháp “chọn – cho” nói trên. Cụ thể, theo phương pháp này, trừ các trường hợp bảo lưu, nước thành viên tham gia Hiệp định sẽ mở cửa tất cả các thị trường dịch vụ của mình và cam kết ứng xử với nhà cung cấp dịch vụ, nhà đầu tư đối tác liên quan theo đúng các nguyên tắc cơ bản. Các trường hợp bảo lưu phải được liệt kê trong một Danh mục, gọi là “Danh mục các biện pháp không tương thích – Danh mục NCM”, với ý nghĩa là các trường hợp mà nước thành viên được phép sử dụng các biện pháp không tuân thủ các nguyên tắc cơ bản. Trong Danh mục NCM, nước thành viên sẽ nêu cụ thể các lĩnh vực dịch vụ bảo lưu việc mở cửa và các điều kiện, mức độ bảo lưu cụ thể tương ứng.

Với phương pháp “chọn-bỏ” này, nước thành viên sẽ chỉ được hạn chế việc mở cửa thị trường dịch vụ cho nhà cung cấp dịch vụ, nhà đầu tư của nước đối tác tối đa theo các điều kiện liệt kê, trong các lĩnh vực liệt kê trong Danh mục các biện pháp không tương thích. 

Đối với các ngành, phân ngành, hoạt động dịch vụ không xuất hiện trong Danh mục các biện pháp không tương thích, nước thành viên phải mở cửa thị trường và đối xử với nhà cung cấp dịch vụ, nhà đầu tư nước đối tác theo đúng các nguyên tắc ứng xử chung.

Như vậy, trong tổng thể, mở cửa thị trường theo phương pháp “chọn-bỏ” rộng hơn, tự do hơn và dễ dự đoán hơn cho đối tác so với phương pháp “chọn-cho”. 

Phần lớn các Hiệp định, đặc biệt là các Hiệp định trong giai đoạn trước đây, đều áp dụng phương thức “chọn-cho” trong mở cửa thị trường dịch vụ. Điển hình là cho các Hiệp định này là Hiệp định thương mại dịch vụ của WTO (GATS), Hiệp định khung về thương mại dịch vụ ASEAN (AFAS), thậm chí cả FTA thế hệ mới gần đây là Hiệp định thương mại Việt Nam – EU (EVFTA) cũng lựa chọn phương thức mở cửa này. 

(ii)    “Chọn-bỏ” trong ATISA

ATISA mở cửa thị trường dịch vụ theo phương thức “chọn-bỏ”. Trước ATISA, Việt Nam mới chỉ mở cửa thị trường dịch vụ theo phương thức “chọn-bỏ” này trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). 

Cụ thể, theo cam kết ATISA thì:

  • Ngoại trừ các trường hợp được bảo lưu, nước thành viên phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản (nêu trong các Điều 6-10 ATISA – Xem các Câu hỏi 12-16) trong ứng xử với tất cả các dịch vụ và nhà cung cấp dịch vụ ASEAN;
  • Các bảo lưu của mỗi nước (hay còn gọi là Danh mục các biện pháp không tương thích – Danh mục NCM) được nêu trong Phụ lục I và Phụ lục II của nước đó theo ATISA. Danh mục tại các Phụ lục I và II của mỗi nước do nước đó tự xác định nhưng phải bảo đảm các yêu cầu và điều kiện chung nhất định.

Ngoài phương thức mở cửa thị trường “chọn-bỏ”, ATISA còn đề cập tới nguyên tắc “chỉ tiến không lùi” (rachet) đối với một số biện pháp không tương thích tại Phụ lục I. Theo nguyên tắc này, bất kỳ sửa đổi nào đối với các biện pháp liên quan phải bảo đảm không làm giảm mức độ tuân thủ các nguyên tức ứng xử cơ bản (05 nguyên tắc) so với chính biện pháp đó trước lúc sửa đổi. Tuy nhiên, quy định cụ thể về nguyên tắc rachet này sẽ được các nước thành viên ATISA thảo luận cụ thể khi Hiệp định có hiệu lực.

Trong mở cửa thị trường dịch vụ, phương thức “chọn-bỏ” là phương thức mở cửa mạnh hơn, tự do hóa hơn và minh bạch hơn so với phương thức chọn-cho. Cụ thể, với phương thức “chọn-cho”, đối với các lĩnh vực chưa “cho” mở cửa, nhà đầu tư, cung cấp dịch vụ nước ngoài sẽ không thể dự đoán trước được các biện pháp, hạn chế hay yêu cầu của Nhà nước nước sở tại với mình. Trong khi đó, với phương thức “chọn-bỏ”, với các lĩnh vực không bảo lưu, nhà đầu tư, cung cấp dịch vụ nước ngoài được bảo đảm rằng Nhà nước nước sở tại sẽ phải mở cửa cho mình tiếp cận thị trường và không áp dụng bất kỳ hạn chế, điều kiện nào với mình khác biệt hay kém thuận lợi hơn so với nhà đầu tư, cung cấp dịch vụ nội địa hoặc một nước thứ ba nào khác.

Nguồn: Trích dẫn "Sổ tay Hỏi - Đáp về Hiệp định Thương mại Dịch vụ ASEAN (ATISA)" -
Dự án: Thúc đẩy năng lực cạnh tranh trong khuôn khổ Sáng kiến hội nhập ASEAN (COMPETE) - GIZ