Hỏi - Đáp về ATISA: Nguyên tắc đối xử quốc gia trong ATISA là gì?

16/10/2021    1111

Tương tự nhiều Hiệp định về thương mại dịch vụ, trong ATISA, nguyên tắc đối xử quốc gia (National Treatment – NT) là nguyên tắc cơ bản được đề cập tới đầu tiên. 

Nguyên tắc NT trong ATISA yêu cầu Việt Nam phải đối xử với dịch vụ và nhà cung cấp dịch vụ của nước ASEAN khác không kém thuận lợi hơn đối xử dành cho dịch vụ và nhà cung cấp dịch vụ Việt Nam trong những hoàn cảnh tương tự. 

Sau đây là một số đặc điểm quan trọng trong nguyên tắc NT của ATISA:

Về phạm vi áp dụng

Nguyên tắc NT áp dụng đối với tất cả các biện pháp của Việt Nam có ảnh hưởng tới việc cung cấp dịch vụ. Như vậy, bất kỳ biện pháp nào có thể tác động, ảnh hưởng tới dịch vụ và nhà cung cấp dịch vụ từ một nước ASEAN khác đều sẽ phải bảo đảm tuân thủ nguyên tắc NT này. 

Tất nhiên, nguyên tắc NT này cũng có các ngoại lệ (các trường hợp không áp dụng hoặc áp dụng không đầy đủ). Cụ thể, đối với trường hợp dịch vụ, nhà cung cấp dịch vụ thuộc nhóm bảo lưu về NT (trong các Phụ lục I và II về Danh mục các biện pháp không tương thích của Việt Nam), các biện pháp liên quan của Việt Nam sẽ:

  • Không phải tuân thủ nghĩa vụ NT này, hoặc 
  • Tuân thủ nguyên tắc NT một cách hạn chế, theo giới hạn và mức độ như miêu tả tương ứng trong Phụ lục I và II

Về cách giải thích nghĩa vụ 

Trong nguyên tắc NT của ATISA, đối xử “không kém thuận lợi” hơn không có nghĩa là đối xử như nhau, ngang nhau hoặc giống hệt nhau. Cụ thể

  • Việt Nam có thể lựa chọn đối xử với dịch vụ và nhà cung cấp dịch vụ nước ASEAN khác theo cách thức giống hệt hoặc khác biệt với cách thức đối xử với dịch vụ và nhà cung cấp dịch vụ của mình mà không bị coi là vi phạm nguyên tắc này
  • Biện pháp đối xử giống hệt hoặc khác biệt một cách chính thức giữa các dịch vụ, nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài và Việt Nam sẽ chỉ bị coi là “kém thuận lợi hơn” khi biện pháp này làm thay đổi các điều kiện cạnh tranh theo hướng có lợi hơn cho dịch vụ, nhà cung cấp dịch vụ Việt Nam trong so sánh với dịch vụ, nhà cung cấp dịch vụ nước ASEAN khác.

Về điều kiện áp dụng

Nguyên tắc NT chỉ áp dụng đối với các dịch vụ và nhà cung cấp dịch vụ nước ASEAN khác trong “hoàn cảnh tương tự” với dịch vụ, nhà cung cấp dịch vụ trong nước của Việt Nam. 

Điều này có nghĩa là nếu cùng là các dịch vụ tương tự nhưng hoàn cảnh của dịch vụ, nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài không tương tự với hoàn cảnh của dịch vụ, nhà cung cấp dịch vụ Việt Nam thì nguyên tắc NT cũng không áp dụng.

Về cách hiểu “hoàn cảnh tương tự”, có một số lưu ý sau:

  • “Hoàn cảnh tương tự” cần được hiểu là tổng hợp các yếu tố/hoàn cảnh, trong đó có cả việc xem xét đến các mục tiêu phúc lợi công cộng chứ không đơn thuần chỉ là bối cảnh cạnh tranh, kinh doanh hay thị trường…
  • Khi xem xét “hoàn cảnh tương tự” Việt Nam không có nghĩa vụ phải cân nhắc để “bù đắp” cho bất kỳ bất lợi nội tại nào về cạnh tranh nào của dịch vụ, nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài trên thị trường  xuất phát tự nhiên từ “yếu tố nước ngoài” của họ.

Nguồn: Trích dẫn "Sổ tay Hỏi - Đáp về Hiệp định Thương mại Dịch vụ ASEAN (ATISA)" -
Dự án: Thúc đẩy năng lực cạnh tranh trong khuôn khổ Sáng kiến hội nhập ASEAN (COMPETE) - GIZ