Hỏi - Đáp về ATISA: Các trường hợp ngoại lệ không áp dụng ATISA?

15/10/2021    668

Về nguyên tắc, ATISA áp dụng đối với tất cả các biện pháp của các nước thành viên có ảnh hưởng tới thương mại dịch vụ, ngoài các lĩnh vực dịch vụ được loại trừ (xem Câu hỏi 8).

Mặc dù vậy, ngay cả với các dịch vụ không thuộc diện được loại trừ, cam kết ATISA cũng sẽ không áp dụng trong các trường hợp ngoại lệ sau đây:

(i)    Các ngoại lệ chung

ATIGA không áp dụng trong các trường hợp sau đây:

  • Các biện pháp cần thiết để bảo vệ đạo đức hoặc duy trì trật tự công cộng
  • Các biện pháp cần thiết để bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người, động thực vật
  • Các biện pháp cần thiết để bảo đảm tuân thủ các quy định pháp luật không trái với các cam kết ATISA, bao gồm (i) ngăn chặn các hành vi gian lận, lừa đảo liên quan tới các hợp đồng dịch vụ, (ii) bảo vệ quyền riêng tư của cá nhân liên quan tới việc xử lý, phổ biến các dự liệu cá nhân và bảo mật thông tin tài khoản và dữ liệu cá nhân, (iii) sự an toàn;
  • Các biện pháp phân biệt đối xử không phù hợp với quy định tại Điều 6 Hiệp định (nguyên tắc đối xử quốc gia) nhưng nhằm bảo đảm hiệu lực và công bằng trong áp dụng và thu thuế trực tiếp liên quan tới dịch vụ hoặc nhà cung cấp dịch vụ của nước thành viên khác trên lãnh thổ nước mình
  • Các biện pháp phân biệt đối xử không phù hợp với quy định tại Điều 7 (nguyên tắc tối huệ quốc) theo các hiệp định về tránh đánh thuế hai lần mà nước thành viên đó tham gia.

Cần chú ý là mặc dù cho phép các biện pháp ngoại lệ nói trên, ATISA yêu cầu nước thành viên phải bảo đảm các biện pháp này không được áp dụng theo cách có thể tạo ra sự phân biệt đối xử giữa các nước thành viên khác với nhau trong cùng hoàn cảnh tương tự, và không tạo ra hạn chế trá hình đối với thương mại dịch vụ.

(ii)    Các ngoại lệ về an ninh

Các cam kết ATISA sẽ không được áp dụng để:

  • Buộc nước thành viên phải cung cấp bất kỳ thông tin, công khai bất kỳ thông tin nào mà mình cho là traí với các lợi ích an ninh quan trọng
  • Ngăn chặn nước thành viên thực hiện bất kỳ hành động nào mà mình cho là cần thiết để bảo vệ các lợi ích an ninh quan trọng liên quan tới (i) cung cấp dịch vụ trực tiếp hoặc gián tiếp phục vụ một cơ sở quân đội; (ii) liên quan tới nguyên liệu hạt nhân, nhiệt hạch hoặc các nguyên liệu có nguồn gốc từ hạt nhân, nhiệt hạch; (iii) hành động bảo vệ các cơ sở hạ tầng công cộng trọng yếu (bao gồm viễn thông, năng lượng, nước) khỏi các hành vi phá hoại hoặc vô hiệu hóa các cơ sở này; (iv) hành động thực hiện trong thời chiến hoặc trong các tình huống khẩn cấp quốc tế
  • Ngăn chặn nước thành viên thực hiện bất kỳ hành động nào theo nghĩa vụ của mình tại Hiến chương Liên Hợp quốc nhằm gìn giữ hòa bình, an ninh quốc tế.

Nguồn: Trích dẫn "Sổ tay Hỏi - Đáp về Hiệp định Thương mại Dịch vụ ASEAN (ATISA)" -
Dự án: Thúc đẩy năng lực cạnh tranh trong khuôn khổ Sáng kiến hội nhập ASEAN (COMPETE) - GIZ