Hỏi - Đáp về ATISA: Trường hợp ATISA có cam kết khác biệt với Hiệp định ASEAN về MNP thì xử lý thế nào?

15/10/2021    181

Cũng với phạm vi bao trùm tất cả các phương thức cung cấp dịch vụ (cung cấp qua biên giới, tiêu dùng ở nước ngoài, hiện diện thương mại, di chuyển thể nhân), ATISA có một phần chồng lấn với phạm vi điều chỉnh của Hiệp định Di chuyển thể nhân trong ASEAN (Hiệp định MNP).

Cụ thể, việc một cá nhân có quốc tịch một nước thành viên ASEAN di chuyển sang một nước ASEAN để cung cấp dịch vụ có thể thuộc phạm vi điều chỉnh của cả ATISA và Hiệp định MNP. 

Đối với các trường hợp này, nguyên tắc ATISA và Hiệp định MNP được quy định cụ thể như sau:

  • Nếu có cam kết khác nhau giữa ATISA và Hiệp định MNP thì cam kết của Hiệp định MNP sẽ được ưu tiên áp dụng
  • Riêng đối với các cam kết của ATISA về các nguyên tắc đối xử cốt lõi và các bảo lưu (Mục II và III Văn kiện ATISA), phần liên quan tới cung cấp dịch vụ theo phương thức 4 (cá nhân một nước ASEAN di chuyển sang một nước ASEAN khác để cung cấp dịch vụ) sẽ chỉ thực hiện theo cam kết tại Hiệp định MNP

Về các Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau (MRA) trong ASEAN

Trong ASEAN, vấn đề di chuyển thể nhân ban đầu được đàm phán trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại Dịch vụ ASEAN (AFAS), nhưng sau đó được tách riêng ra để đàm phán trong một Hiệp định riêng về Di chuyển thể nhân (Hiệp định MNP) năm 2012.

Cũng liên quan tới vấn đề di chuyển của cá nhân cung cấp dịch vụ, bên cạnh cam kết chung (trong AFAS, và sau này là MNP), để tạo thuận lợi hơn cho sự di chuyển của lao động có tay nghề giữa các nước ASEAN, các nước đã ký kết các Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau (MRA) trong một số lĩnh vực ngành nghề nhằm công nhận lẫn nhau về bằng cấp và trình độ của lao động có kỹ năng trong khu vực. Với các MRA này, người lao động đáp ứng các yêu cầu được nêu cụ thể trong MRA được phép di chuyển và hành nghề chuyên môn trong ASEAN.

Cho tới nay, các nước ASEAN đã ký 8 MRA trong 8 lĩnh vực dịch vụ (Kiến trúc, Tư vấn kỹ thuật, Điều dưỡng, Hành nghề y, Nha sỹ, Du lịch, Kế toán kiểm toán, và Khảo sát), bao gồm:

  • Thỏa thuận khung ASEAN thừa nhận lẫn nhau về hành nghề Kế toán và Kiểm toán (Thái Lan, 26/2/2009)
  • Thỏa thuận khung ASEAN thừa nhận lẫn nhau về hành nghề Y, (Thái Lan, 26/2/2009)
  • Thỏa thận khung ASEAN thừa nhận lẫn nhau về hành nghề Nha khoa (Thái Lan, 26/2/2009)
  • Thỏa thuận khung ASEAN thừa nhận lẫn nhau về hành nghề Điều dưỡng (Philippines, 8/12/2006)
  • Thỏa thận khung ASEAN thừa nhận lẫn nhau về hành nghề Tư vấn Kỹ thuật (Malaysia, 9/12/2005)
  • Thỏa thuận khung ASEAN thừa nhận lẫn nhau về hành nghề Kiến trúc (Singapore, 9/11/2007)
  • Thỏa thuận khung ASEAN thừa nhận lẫn nhau về hành nghề Khảo sát (Singapore, 19/11/2007)
  • Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về hành nghề Du lịch (Thái Lan, 9/11/2013)

 

Nguồn: Trích dẫn "Sổ tay Hỏi - Đáp về Hiệp định Thương mại Dịch vụ ASEAN (ATISA)" -
Dự án: Thúc đẩy năng lực cạnh tranh trong khuôn khổ Sáng kiến hội nhập ASEAN (COMPETE) - GIZ