Hỏi - Đáp về ATISA: ATISA được hình thành như thế nào?

15/10/2021    965

ATISA không phải Thỏa thuận đầu tiên giữa các nước ASEAN về thương mại dịch vụ. Tiền thân của ATISA là Hiệp định khung về thương mại dịch vụ (AFAS) và các Nghị định thư trong khuôn khổ AFAS (tính đến khi ký ATISA, các nước ASEAN đã đàm phán và ký Nghị định thư thực hiện tổng cộng 10 Gói cam kết về dịch vụ - Gói cam kết thứ 10 là gói cuối cùng trong khuôn khổ AFAS). 

Việc xây dựng một Thỏa thuận mới, thống nhất, nâng cấp và thay thế AFAS là nhiệm vụ đặt ra từ Hội nghị Hội đồng Kinh tế ASEAN (AEC Council) ngày 2/4/2012. Cũng trong Hội nghị này, nhiệm vụ xây dựng một Hiệp định mới về thương mại hàng hóa – ATIGA (thay thế cho Hiệp định về Chương trình thuế quan ưu đãi trong Khu vực mậu dịch tư do ASEAN) và Hiệp định mới về đầu tư – ACIA (thay thế cho Hiệp định khung về đầu tư và Hiệp định về Xúc tiến và Bảo hộ đầu tư) được đặt ra.

Tại Hội nghị các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN (AEM) lần thứ 44 ngày 28/8/2012, các nguyên tắc và mục tiêu của ATISA đã được thống nhất.

Tại Hội nghị các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN (AEM) lần thứ 48 ngày 03/8/2016, các bên thống nhất cân nhắc cách tiếp cận kiểu “chọn-bỏ” cho ATISA.

ATISA hoàn tất đàm phán và văn kiện Hiệp định được ký kết ngày 23/4/2019 bởi các Bộ trưởng Kinh tế của 7 nước thành viên ASEAN trong khuôn khổ Hội nghị hẹp các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN (AEM Retreat) lần thứ 25. Sau đó, ATISA đã lần lượt được ký kết bởi Myanmar (3/8/2019) và Việt Nam (9/2019). Phillippines là thành viên ASEAN cuối cùng ký ATISA, ngày 07/10/2020.

ATISA chính thức có hiệu lực từ ngày 20/10/2019.

ATISA được nâng cấp như thế nào so với AFAS?

Về mặt nội dung, ATISA là “phiên bản cao cấp” của AFAS với những khác biệt chủ yếu sau đây:

  • Về phạm vi điều chỉnh: ATISA có phạm vi điều chỉnh bao trùm tất cả các lĩnh vực dịch vụ ngoại trừ các ngoại lệ, trong khi AFAS chỉ gồm các lĩnh vực dịch vụ được cam kết
  • Về các nguyên tắc điều chỉnh: ATISA ghi nhận các nguyên tắc ứng xử đối với nhà đầu tư, cung cấp dịch vụ nước ngoài theo các chuẩn mực hiện đại, bao trùm và triệt để (NT, MFN, LP…), trong khi đó AFAS chỉ đề cập chung về các quy tắc tự do hóa
  • Về phương thức mở cửa: ATISA tự do hóa các lĩnh vực dịch vụ theo phương thức “chọn-bỏ” (mở hết ngoại trừ các biện pháp còn bảo lưu), trong khi AFAS mở cửa theo phương thức “chọn-cho” (chỉ mở với các biện pháp được liệt kê cụ thể)

 

Nguồn: Trích dẫn "Sổ tay Hỏi - Đáp về Hiệp định Thương mại Dịch vụ ASEAN (ATISA)" -
Dự án: Thúc đẩy năng lực cạnh tranh trong khuôn khổ Sáng kiến hội nhập ASEAN (COMPETE) - GIZ