Hỏi - Đáp về ATISA: ATISA là gì?

15/10/2021    1109

ATISA là từ viết tắt của ASEAN Trade in Services Agreement – Hiệp định về thương mại dịch vụ của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). 

ATISA là một trong 03 Hiệp định trụ cột về thương mại hiện nay của ASEAN, bên cạnh với Hiệp định về thương mại hàng hóa (viết tắt là ATIGA) và Hiệp định Toàn diện về đầu tư (ACIA).

Thành viên của ATISA là 10 nước thành viên ASEAN, bao gồm Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Đây là các nước đã tham gia đàm phán và ký ATISA.

Văn kiện

Cam kết ATISA bao gồm:

-    Văn kiện Hiệp định ATISA

-    Phụ lục về dịch vụ tài chính

-    Phụ lục về dịch vụ viễn thông

-    Phụ lục về dịch vụ hỗ trợ vận tải hàng không

-    Phụ lục I – Danh mục các biện pháp không tương thích (theo khoản 1 Điều 11 Hiệp định ATISA)

-    Phụ lục II – Danh mục các biện pháp không tương thích (theo khoản 2 Điều 11 Hiệp định ATISA)

Hiệp định và các Phụ lục về dịch vụ tài chính và dịch vụ viễn thông bao gồm các cam kết chung, áp dụng cho tất cả các nước thành viên ATISA. Còn Phụ lục I và II bao gồm các Danh mục riêng của từng nước thành viên ATISA, sẽ do từng nước thành viên ATISA tự xác định và trình lên Ban Thư ký ASEAN trong vòng 5 năm, 7 năm, 13 năm tùy nước kể từ khi ATISA có hiệu lực.

Trong tương lai, nếu các nước thành viên ATISA có thêm các thỏa thuận khác theo Hiệp định này thì các thỏa thuận đó cũng sẽ là một phần không tách rời của Hiệp định.

Mục tiêu

ATISA được ký kết với 05 mục tiêu cơ bản:

-    Tăng cường các kết nối về kinh tế

-    Thúc đẩy thương mại và đầu tư trong lĩnh vực dịch vụ, từ đó tạo ra thị trường và quy mô dịch vụ lớn hơn

-    Giảm các rào cản, tăng tính dự báo về thương mại và đầu tư trong lĩnh vực dịch vụ

-    Tăng cường hợp tác giữa các nước thành viên ASEAN

-    Thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước thành viên ASEAN

Với các mục tiêu này cùng với các cam kết cụ thể trong ATISA, Hiệp định này được kỳ vọng sẽ mang tới những lợi ích đáng kể cho thương mại dịch vụ nội khối ASEAN thông qua việc:

-    Thống nhất các nguyên tắc ứng xử chung đối với thương mại dịch vụ, áp dụng cho tất cả các lĩnh vực, ngành dịch vụ

-    Tổng hợp và minh bạch các lĩnh vực dịch vụ mà mỗi nước thành viên còn bảo lưu các hạn chế

-    Thúc đẩy tự do hóa trong thị trường dịch vụ bằng cách tiếp cận mới, tự do hóa toàn bộ ngoại trừ các lĩnh vực còn bảo lưu

Nguồn: Trích dẫn "Sổ tay Hỏi - Đáp về Hiệp định Thương mại Dịch vụ ASEAN (ATISA)" -
Dự án: Thúc đẩy năng lực cạnh tranh trong khuôn khổ Sáng kiến hội nhập ASEAN (COMPETE) - GIZ