EVFTA và rào cản từ EU với hoa quả Việt Nam: Những cơ hội từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- EU

18/05/2021    356

Hầu hết các đối thủ cạnh tranh lớn nhất đối với trái cây Việt Nam ở thị trường EU thì hoặc đã ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) với EU, hoặc đã được cấp chế độ Thuế quan ưu đãi phổ cập (GSP). Do đó, trái cây từ những quốc gia này đã được miễn hoặc giảm thuế khi tiếp cận thị trường EU. Mặt khác, các quốc gia không có FTA hoặc GSP với EU chịu mức thuế Tối huệ quốc (MFN) tương đối cao, như được nêu trong Bảng 10. Việt Nam được hưởng thuế suất GSP cho trái cây, và do đó thấp hơn so với thuế suất MFN. Dù vậy, một số sản phẩm, chẳng hạn như mã HS 080390, HS 090450, HS 081090 có thuế suất GSP vẫn còn cao, lần lượt là 12.5%, 8.95% và 6.93%. Điều này đặt Việt Nam vào thế bất lợi hơn so với các đối tác có ký kết FTA với EU.

Tuy nhiên, Việt Nam và EU gần đây đã hoàn tất đàm phán Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- EU (EVFTA), dự kiến sẽ được ký kết trong năm 2019 và có hiệu lực vào năm 2020. Theo EVFTA, thuế suất của tất cả 9 mặt hàng trái cây tiềm năng của Việt Nam vào EU sẽ được xóa bỏ (về 0%) ngay khi Hiệp định có hiệu lực (Bảng 1). Thêm vào đó, EU đã cam kết công nhận 39 chỉ dẫn địa lý  (GIs) của Việt Nam (trong đó có 17 GIs là sản phẩm trái cây), và cho phép các GI này được bảo hộ tự động tại EU khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực . Vì thế, EVFTA là cơ hội rất lớn để Việt Nam có thể cạnh tranh với các đối tác FTA khác của EU và có được lợi thế so với các nhà xuất khẩu trái cây lớn khác không có FTA với EU như Brazil, Phi-líp-pin và Indonesia.

Bảng 1: Thuế suất MFN trung bình của EU năm 2015 và thuế suất theo EVFTA

Mã HS

Thuế suất MFN trung bình EU áp dụng năm 2015

Thuế suất ưu đãi EU dành cho các đối tác ký FTA năm 2015

Thuế suất theo chế độ GSP của EU

Thuế suất trung bình EVFTA tại thời điểm có hiệu lực

080111

0%

0% cho tất cả đối tác

0%

0%

080390

16%

0% cho tất cả đối tác

12.5%

0%

080430

5.8%

0% cho tất cả đối tác

2.3%

0%

080450

0%

0% cho tất cả đối tác

0%

0%

080550

12.8%

0% cho tất cả đối tác

8.9%

0%

080711

8.8%

0% cho tất cả đối tác

5.3%

0%

081090

8.8%

0% cho tất cả đối tác

5.3%

0%

081190

8.22%

0% cho tất cả đối tác

6.93%

0%

081340

4.1%

0% cho tất cả đối tác

1.25%

0%

Nguồn: WTO TAO, 2017 và Ủy ban Châu Âu, 2016

Tuy nhiên, Hiệp định EVFTA không có nhiều cam kết mới về các biện pháp phi thuế như các biện pháp kiểm dịch động thực vật (SPS) hay các rào cản kỹ thuật với thương mại (TBT). Trong khi đó, những biện pháp này mới được coi là rào cản khó khăn nhất của trái cây và rau quả của Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường EU (Nguyễn và Đặng, 2014). Hầu hết các cam kết về SPS và TBT trong EVFTA đều chỉ khẳng định lại các nghĩa vụ theo Hiệp định SPS và TBT của WTO. Do đó, EVFTA không giúp hạn chế các rào cản phi thuế của EU với trái cây Việt Nam. Thậm chí các hàng rào này còn được dự đoán sẽ gia tăng sau khi thuế nhập khẩu được loại bỏ theo Hiệp định EVFTA (Uyên Hương, 2015).

Nguồn: Trích dẫn "Nghiên cứu: Hoa quả Việt Nam vượt qua các rào cản của thị trường EU
để tận dụng cơ hội từ EVFTA" - Trung tâm WTO và Hội nhập