EVFTA và rào cản từ EU với hoa quả Việt Nam: Tình hình sản xuất trái cây của Việt Nam

18/05/2021    4965

Việt Nam là một quốc gia đang phát triển và là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Động lực chính cho tăng trưởng kinh tế là ngành công nghiệp và dịch vụ. Ngược lại, ngành nông nghiệp chỉ chiếm vai trò tương đối nhỏ trong nền kinh tế Việt Nam, chiếm khoản 18,1% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2016. Tuy nhiên, nông nghiệp vẫn giữ vai trò quan trọng với nền kinh tế Việt Nam, với 42% tổng số lao động làm việc trong ngành nông nghiệp (năm 2016) (GSO, 2017). Quan trọng hơn, ngành này cung cấp việc làm cho một lượng lớn lao động có tay nghề thấp ở khu vực nông thôn và miền núi Việt Nam (MOLISA, 2013).

Trong ngành nông nghiệp, ngành trái cây có tiềm năng lớn cả về sản xuất và xuất khẩu, vì Việt Nam là nước nhiệt đới với sự ưu đãi về điều kiện đất đai và khí hậu phù hợp cho sản xuất nhiều loại trái cây. Trong 16 năm qua, tổng diện tích trồng trái cây ở Việt Nam đã tăng gấp 3 lần, từ khoảng 300 nghìn ha năm 1990 lên gần 900 nghìn ha năm 2016 (Hình 1). Sản lượng trái cây cũng tăng đáng kể, đạt 7.5 triệu tấn trong năm 2016 (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 2016).

Hình 1: Diện tích trồng trái cây của Việt Nam

Nguồn: Tổng cục Thống kê Việt Nam (GSO), 2017

Hiện nay, có khoảng 40 loại trái cây đang được trồng ở Việt Nam, trong đó 27 loại có giá trị thương mại (Nguyễn, 2015). Bảng 1 cho thấy 12 loại trái cây được trồng nhiều nhất ở Việt Nam năm 2015, chiếm tới 90% tổng diện tích đất trồng trái cây. Trong năm 2015, nhóm những loại trái cây được trồng nhiều nhất gồm chuối, thanh long và xoài. Với quả chôm chôm, vải và chanh leo, dù sản lượng ít hơn nhiều các trái cây khác, nhưng năng lực sản xuất những loại trái cây này đã tăng một cách ấn tượng trong những năm gần đây (Vietrade, 2016).

Bảng 1: Nhóm các loại trái cây được trồng nhiều nhất năm 2015

STT

Loại trái cây

Diện tích (nghìn ha)

Sản lượng (nghìn tấn)

1

Chuối

133

1,943

2

Dưa hấu

54

1,163

3

Thanh long

42

708

4

Xoài

84

703

5

Dứa

40

578

6

Nhãn

73

513

7

Dừa

158

374

8

Chôm chôm

26

359

9

Chanh

47

358

10

Vải

65

357

11

Chanh leo

10

295

Nguồn: Cục trồng trọt, Bộ NN&PTNT

Việt Nam là một trong số ít các quốc gia trên thế giới sản xuất nhiều loại trái cây nhiệt đới với sản lượng lớn. Năm 2014, Việt Nam có 6 loại trái cây mà sản lượng thuộc top 10 thế giới (Bảng 2).

Bảng 2: Thứ hạng một số loại trái cây của Việt Nam xét về sản lượng (năm 2014)

STT

Loại trái cây

Thứ hạng

1

Vải

3

2

Thanh long

5

3

Nhãn

6

4

Dừa

6

5

Chanh leo

10

6

Dưa hấu

10

Nguồn: Worldatlas và các nguồn khác, 2017

Tuy nhiên, sản xuất trái cây ở Việt Nam vẫn còn mang tính nhỏ lẻ và manh mún. Chỉ 5% số nông trại trồng cây có diện tích trồng trên 2 ha trong khi có tới 60% nông trại diện tích trồng dưới 0.2 ha (năm 2011) (Nguyễn, 2016). Hầu hết các nhà sản xuất trái cây ở Việt Nam là các hộ gia đình và các doanh nghiệp nhỏ nằm rải rác ở các khu vực khác nhau. Chỉ có một số ít khu vực chuyên canh trái cây, và phần lớn nằm ở miền Nam Việt Nam. Trong đó, khu vực trái cây lớn nhất là đồng bằng sông Cửu Long, cũng là nơi trồng hầu hết các loại trái cây nhiệt đới ngon nhất của Việt Nam, chẳng hạn như thanh long, xoài và chanh leo.

Bên cạnh việc trồng trái cây tươi, trong khoảng 10 năm qua, Việt Nam đã phát triển ngành công nghiệp chế biến trái cây. Ngành này hiện chiếm khoảng 10% tổng sản lượng trái cây toàn quốc (Nguyễn, 2016). Xuất phát từ mong muốn bảo quản trái cây được lâu dài hơn sau khi thu hoạch, để phục vụ cho tiêu thụ và xuất khẩu, cùng với nhu cầu về mặt hàng này ngày càng tăng ở cả thị trường trong nước và quốc tế do tính thuận tiện, dùng được ngay mà vẫn có giá tri dinh dưỡng như sản phẩm tươi, hàng ngàn nhà máy chế biến trái cây được thành lập ở Việt Nam trong 10 năm qua. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 100 nhà máy sử dụng công nghệ cao và có khả năng sản xuất quy mô lớn. Các nhà máy còn lại thường rất nhỏ, với công suất dưới 300.000 tấn sản phẩm/năm (Vietrade, 2016). Năng lực tương đối yếu của ngành chế biến trái cây đồng nghĩa với việc các sản phẩm chế biến chủ yếu của Việt Nam là sấy hoặc đông lạnh; sản xuất nước trái cây vẫn còn hạn chế vì đòi hỏi kỹ thuật xử lý tiên tiến hơn.

Nguồn: Trích dẫn "Nghiên cứu: Hoa quả Việt Nam vượt qua các rào cản của thị trường EU
để tận dụng cơ hội từ EVFTA" - Trung tâm WTO và Hội nhập