EVFTA và rào cản từ EU với hoa quả Việt Nam: Tình hình xuất khẩu trái cây của Việt Nam

18/05/2021    1434

1. Tình hình xuất khẩu

Giá trị xuất khẩu của ngành công nghiệp trái cây của Việt Nam đã tăng nhanh chóng trong 15 năm qua, từ khoảng 150 triệu đô năm 2001 đến hơn 900 triệu đô năm 2015 (Hình 1). Tốc độ tăng trưởng cao nhất trong giai đoạn 2010-2015, với tốc độ trung bình hàng năm là 53%. Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu dưới 1 tỷ đô còn chưa tương xứng với tiềm năng thực sự của ngành. Tiêu thụ nội địa chiếm đến 85-90% tổng sản lượng trái cây (Thời báo Tài chính, 2016). Việc này dẫn đến tình trạng giá cả thị trường trong nước giảm mạnh khi mùa màng bội thu (Vietnamnet, 2017).

Hình 1: Giá trị xuất khẩu trái cây của Việt Nam giai đoạn 2001-2015

Nguồn: UN Comtrade, 2017

Mặc dù đã được xuất khẩu sang hơn 40 quốc gia, trái cây Việt Nam vẫn phụ thuộc rất nhiều vào thị trường Trung Quốc. Hình 2 thể hiện 5 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong năm 2015. Từ biểu đồ này, có thể thấy rằng Trung Quốc chiếm một phần rất lớn của thị trường (75%), trong khi tổng thị phần của EU, Mỹ và Hàn Quốc chỉ chiếm 11% tổng giá trị xuất khẩu trái cây của Việt Nam. Hơn nữa, giai đoạn 2011-2015, xuất khẩu trái cây của Việt Nam sang Trung Quốc tăng lên đáng kể, trong khi xuất khẩu sang các nước khác tăng chậm hơn nhiều (Hình 3).

Hình 2: 5 thị trường xuất khẩu trái cây lớn nhất của Việt Nam

Nguồn: UN Comtrade, 2017

Hình 3: Giá trị xuất khẩu vào 5 thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam

Nguồn: UN Comtrade, 2017

Trái cây nhiệt đới là mặt hàng trái cây xuất khẩu chính của Việt Nam. Bảng 1 thể hiện 10 mặt hàng xuất khẩu trái cây hàng đầu của Việt Nam năm 2015 (mã HS 6 chữ số), bao gồm cả trái cây tươi và được chế biến tối thiểu (sấy và đông lạnh). Nhóm sản phẩm xuất khẩu lớn nhất bao gồm me tươi, mít, vải và chanh leo (mã HS 080190) chiếm 59% tổng giá trị xuất khẩu trái cây; tiếp theo là nhóm trái cây sấy khô (HS 081340) chiếm 10%; các sản phẩm còn lại chỉ chiếm dưới 10% mỗi loại. 10 sản phẩm này chiếm 99% tổng giá trị trái cây xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2015.

Bảng 1: 10 trái cây xuất khẩu nhiều nhất của Việt Nam năm 2015

Mã HS

Miêu tả hàng hóa

Giá trị xuất khẩu năm 2015 (triệu đô)

Tỉ trọng trong tổng giá trị trái cây xuất khẩu năm 2015

081090

Quả me, quả mít, quả vải, quả chanh leo tươi, . . .

546

59%

081340

Loại khác, trái cây sấy khô

95

10%

080450

Quả ổi tươi hoặc sấy khô, quả xoài và quả măng cụt

75

8%

080111

Dừa sấy khô

59

6%

081190

Trái cây đông lanh….

39

4%

080119

Dừa tươi đã bóc vỏ

28

3%

081060

Quả sầu riêng tươi

25

3%

080550

Quả chanh tươi hoặc khô

17

2%

080711

Quả dưa hấu tươi

15

2%

080390

Quả chuối tươi hoặc khô

14

2%

 

TỔNG

913

99%

Nguồn: UN Comtrade, 2017

2. Nguyên nhân giá trị xuất khẩu trái cây thấp

Có khá nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng Việt Nam dù có lợi thế cạnh tranh cao trong sản xuất nhiều loại trái cây nhưng giá trị xuất khẩu các mặt hàng này vẫn còn rất khiêm tốn. Một số nguyên nhân có thể chỉ ra là do hạn chế của các doanh nghiệp Việt Nam trong việc  là việc kinh doanh và xây dựng thương hiệu hay do chi phí bảo quản và vận chuyển trái cây cao vì trái cây là sản phẩm dễ bị hỏng. Tuy nhiên, theo Hiệp hội Trái cây Việt Nam và nhiều chuyên gia trong ngành, lý do chính cho tình trạng này nằm ở tiêu chuẩn chất lượng khắt khe của các nước nhập khẩu hoa quả và các yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh thực phẩm (Thu Hương, 2016). Những rào cản này được dựng lên nhiều hơn khi thuế quan giảm dần theo thời gian để phù hợp với các cam kết của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các hiệp định thương mại khác với Việt Nam.

Bảng 2 cho thấy thuế suất áp dụng cho 5 loại trái cây xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam bởi 10 nhà nhập khẩu trái cây lớn nhất thế giới. Một số loại trái cây vẫn bị áp mức thuế cao bởi một số quốc gia, đặc biệt là Ấn Độ và Hàn Quốc. Tuy nhiên, hầu hết các loại trái cây có thuế bằng 0hoặc chịu thuế thấp, ngay cả tại những thị trường có “truyền thống” bảo hộ nông nghiệp cao như EU hay Mỹ. Qua đó, có thể thấy rằng thuế quan không phải là rào cản chính hạn chế xuất khẩu của trái cây Việt Nam.

Bảng 2: Thuế suất áp dụng bởi các nhà xuất khẩu trái cây lớn nhất đối với 5 mặt hàng trái cây xuất khẩu nhiều nhất của Việt Nam

STT

10 nhà nhập khẩu trái cây lớn nhất trên thế giới 2015

Thuế suất tương ứng áp dụng lên 5 loại trái cây hàng đầu của Việt Nam năm 2015

HS 081090

HS 081340

HS 080450

HS 080111

HS 081190

1

EU

8.8%

4.1%

0%

0%

8.22%

2

Mỹ

1%

2.33%

2.98%

0%

5.74%

3

Trung Quốc

0%

0%

0%

0%

0%

4

Canada

0%

0%

0%

0%

7.67%

5

Nga

0%

0%

0%

0%

3.05%

6

Hồng Kông

0%

0%

0%

0%

0%

7

Ấn Độ

0%

30%

30%

70%

0%

8

Nhật Bản

0.34%

1%

0%

0%

5.19%

9

UAE

0%

5%

0%

5%

5%

10

Hàn Quốc

64.60%

235.50%

30%

0%

30%

Nguồn: ITC Macmap, 2017

Trong khi đó, các nhà xuất khẩu trái cây của Việt Nam thường phản ánh về những khó khăn liên quan đến các yêu cầu nhập khẩu, đặc biệt là tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của các nhà nhập khẩu lớn (Vietnamnet, 2017). Một số nhà nhập khẩu, như Hoa Kỳ, Úc, Nhật Bản, New Zealand yêu cầu trái cây cần phải có giấy phép nhập khẩu để có thể tiếp cận thị trường của họ. Thông thường phải mất từ 4-5 năm (nhiều trường hợp thậm chí mất 10 năm) để các nhà xuất khẩu trái cây Việt Nam có thể có được giấy phép đó (Diệu Thúy, 2016). Hiện chỉ có một số loại trái cây được phép xuất khẩu sang các thị trường lớn trên, được thể hiện ở Bảng 3.

Bảng 3: Trái cây Việt Nam được phép xuất khẩu sang một số nước

Quốc gia nhập khẩu

Trái cây Việt Nam được phép xuất khẩu

Mỹ

Dừa, Thanh long,

Vải, Nhãn, Chôm chôm, Vú sữa  

Úc

Xoài, Vải, Thanh long

New Zealand

Thanh long

Nhật Bản

Thanh long, Xoài

Hàn Quốc

Thanh long, Xoài

Nguồn: Infonet, 2016

Tuy nhiên, ngay cả các sản phẩm có giấy phép nhập khẩu vẫn có thể bị từ chối nếu chúng không đáp ứng tất cả các yêu cầu do nước nhập khẩu đặt ra. Từ năm 2006 đến 2011, xuất khẩu trái cây và rau quả Việt Nam đã bị Hoa Kỳ từ chối và trả về 160 lần, Nhật Bản 34 lần, EU 34 lần, Úc 23 lần (UNIDO, 2017). Nguyên nhân là do các các sản phẩm trái cây của Việt Nam đã vi phạm một số quy định nhập khẩu của các nước này như vi phạm tiêu chuẩn chất lượng, kiểm dịch hoặccác yêu cầu về an toàn thực phẩm. Hình 4 thể hiện năng lực tuân thủ của rau quả Việt Nam ở mức thấp tại thị trường EU và Nhật Bản, ở mức trung bình tại thị trường Mỹ và Úc trong giai đoạn 2002-2010.

Hình 4: Năng lực tuân thủ của trái cây và rau quả Việt Nam khi xuất khẩu sang một số quốc gia

(2002-2010)

Nguồn: UNIDO, 2017

Vì thế, Trung Quốc vẫn là thị trường chính cho trái cây Việt Nam trong nhiều năm, vì quốc gia này có nhu cầu lớn về trái cây, trong khi thuế suất thấp và quan trọng hơn cả là các yêu cầu về chất lượng và an toàn thực phẩm thấp (An Nhiên, 2014). Tuy nhiên, sự phụ thuộc quá mức vào một thị trường có thể dẫn đến hậu quả tiêu cực bất cứ khi nào có sự thay đổi về nhu cầu từ thị trường đó. Điều này thường xuyên xảy ra trong trường hợp xuất khẩu trái cây từ Việt Nam sang Trung Quốc, khi các thương lái Trung Quốc ngừng hoặc giảm mức nhập khẩu, gây nên thiệt hại nghiêm trọng cho nông dân Việt Nam (Vietnamnet, 2017). Hơn nữa, các thương nhân Trung Quốc, với ưu thế độc quyền của mình, thường xuyên ép giá thấp đối với người bán Việt Nam, đặc biệt là trong các vụ bội thu nguồn cung nhiều (Hải Luận, 2017). Sự phụ thuộc quá mức này là lý do vì sao các nhà xuất khẩu trái cây Việt Nam hiện đang cố gắng tăng cường xuất khẩu trái cây sang các nước khác nhằm đa dạng hóa thị trường và nâng cao lợi nhuận.

Nguồn: Trích dẫn "Nghiên cứu: Hoa quả Việt Nam vượt qua các rào cản của thị trường EU
để tận dụng cơ hội từ EVFTA" - Trung tâm WTO và Hội nhập