EVFTA và rào cản từ EU với hoa quả Việt Nam: Tổng quan và tình hình áp dụng các biện pháp phi thuế quan của EU

18/05/2021    9866

1. Tổng quan về các biện pháp phi thuế quan

1.1. Định nghĩa và phân loại các biện pháp phi thuế quan

Hiện nay, chưa có định nghĩa chính thức về các biện pháp phi thuế quan (NTMs). Theo Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển- UNCTAD (2012), các biện pháp NTMs là các biện pháp không phải biện pháp thuế quan, nhưng “có thể tác động kinh tế lên việc trong đổi hàng hóa giữa các quốc gia”. Đây là một định nghĩa tương đối rộng, xác định NTMs là bất kỳ biện pháp nào, có tác động tích cực hay tiêu cực lên thương mại. Tuy nhiên, cũng có một số định nghĩa hẹp hơn về NTM, trong đó chỉ tập trung đến khía cạnh tiêu cực của NTM. Ví dụ, OECD đưa ra định nghĩa về NTMs là các biện pháp không phải các biện pháp thuế quan và “có tác động hạn chế thương mại”. Định nghĩa này đề cập đến NTMs như là rào cản hơn là biện pháp. Bởi rất nhiều các biện pháp NTMs gây ra rào cản với thương mại nên đôi khi còn được gọi là các rào cản phi thuế quan (non-tariff barriers - NTBs). Tuy nhiên, không phải tất cả các biện pháp NTMs đều hạn chế thương mại, thậm chí một số chúng còn giúp tăng cường thương mại giữa các quốc gia  (Kareem, 2014). Hơn nữa, nhiều biện pháp NTM được áp dụng đơn thuần với mục đích phi thương mại (như bảo vệ sức khỏe con người, động vật hoặc môi trường), và được WTO và nhiều hiệp định thương mại tự do khu vực khác công nhận. Do đó, định nghĩa của UNCTAD mang tính khách quan hơn và phạm vi rộng hơn để xác định các biện pháp NTM.

UCTAD phân các biện pháp NTM thành 2 nhóm: i) Các biện pháp kỹ thuật và ii) Các biện pháp phi kỹ thuật. Mỗi nhóm sau đó được phân chia thành các nhóm nhỏ hơn, và được liệt kê ở Bảng 11. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng việc phân loại này không dựa trên tính chất hạn chế thương mại, tính hợp pháp hoặc sự phân biệt đối xử của các biện pháp NTMs (UNCTAD, 2012).

Bảng 1: Bảng phân loại các biện pháp NTMs

Biện pháp kỹ thuật

Các biện pháp vệ sinh dịch tễ (SPS)

Các rào cản kỹ thuật với thương mại (TBT)

Kiểm tra trước khi giao hàng và các thủ tục khác

Biện pháp phi kỹ thuật

Các biện pháp phòng vệ thương mại

Cấp phép không tự động, hạn ngạch, biện pháp cấm và các biện pháp kiểm soát chất lượng khác với SPS hoặc TBT

Các biện pháp kiểm soát giá, bao gồm các loại thuế và phí bổ sung

Các biện pháp tài chính

Các biện pháp ảnh hưởng đến cạnh tranh

Các biện pháp đầu tư liên quan đến thương mại

Hạn chế phân phối

Hạn chế về dịch vụ sau bán hàng

Trợ cấp (trừ trợ cấp xuất khẩu)

Hạn chế mua sắm chính phủ

Sở hữu trí tuệ

Quy tắc xuất xứ

Nguồn: UNCTAD, 2012

1.2. Xu hướng và ảnh hưởng của các biện pháp NTM

Các biện pháp NTM đang thay thế thuế quan, trở thành rào cản đáng kể nhất với thương mại hàng hóa. 

Hình 1: Xu hướng áp dụng các biện pháp thuế quan và phi thuế quan

Nguồn: UNCTAD, 2015

Hình 11 cho thấy trong khi thuế quan (cả thuế MFN và thuế áp dụng) có xu hướng suy giảm nhanh chóng trong vòng 20 năm qua thì các biện pháp phi thuế quan ngược lại gia tăng mạnh mẽ. Mức thuế quan áp dụng trung bình giảm một nửa trong 20 năm qua, từ mức hơn 5% năm 1995 xuống khoảng 2,5% trong năm 2015. Trong khi đó, chỉ trong vòng khoảng hơn 10 năm kể từ khi bắt đầu xuất hiện, số lượng các biện pháp NTMs đã tăng gần gấp đôi: từ khoảng 1.600 năm 2003 lên gần 2.700 biện pháp năm 2015. Thuế quan giảm dần là do tác động của các cam kết tự do hóa về hàng hóa trong WTO và các hiệp định thương mại giữa các quốc gia. Tuy nhiên, cùng với đó nhiều quốc gia đã gia tăng các biện pháp NTMs, coi đó là các biện pháp tự vệ để kiểm soát xuất khẩu và bảo vệ các ngành sản xuất trong nước.  

Sự xuất hiện của các biện pháp NTMs đã có tác động nhất định lên thương mại, dù những tác động này rất phức tạp và khó có thể tính toán được. Năm 2010, UNCTAD phát triển một chỉ số đo lường để định lượng tác động của các biện pháp NTM lên các sản phẩm nhập khẩu, được gọi là “Chỉ số hạn chế thương mại tổng thể” (overall trade restrictiveness index- OTRI) . Chỉ số này cho thấy các biện pháp NTMs có mức độ hạn chế thương mại tổng thể lớn hơn thuế quan (Hình 2). Trong đó, tác động của các biện pháp NTMs lên các sản phẩm nông nghiệp  cao hơn nhiều so với các sản phẩm công nghiệp ở tất cả các quốc gia và mức thu nhập khác nhau. Ngoài ra, các biện pháp NTMs đối với các sản phẩm nông nghiệp áp dụng bởi các nền kinh tế có thu nhập cao có tính hạn chế thương mại cao hơn so với các nước có thu nhập trung bình, và cao hơn nhiều so với các nước có thu nhập thấp.

Nguồn: UNCTAD, 2013

2. Tình hình áp dụng các biện pháp NTM của EU

2.1. Tình hình áp dụng các biện pháp NTM của EU lên hàng nhập khẩu nói chung

Theo một nghiên cứu năm 2013 của UNCTAD, EU là một trong số những nước và vùng lãnh thổ có tần suất áp dụng  và tỷ lệ bao phủ  cao nhất. Đặc biệt, trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm, EU thường bị cáo buộc duy trì các chính sách bảo hộ thương mại cao (Vietrade, 2016). Những chính sách này đặc biệt ảnh hưởng lên các nước đang phát triển, vì phần lớn lợi thế cạnh tranh của những nước này nằm ở lĩnh vực nông nghiệp (Đại học Dublin, 2010). Trên trang web chính thức của mình, EU cũng tuyên bố rõ ràng rằng khu vực này “duy trì một trong những tiêu chuẩn an toàn thực phẩm cao nhất thế giới” (EC, 2017, p.1). Mặc dù lý do EU đưa ra là để bảo vệ sức khỏe con người và động vật, nhưng những tiêu chuẩn cao này của họ đang gây ra rất nhiều cản trở đối với các sản phẩm nông nghiệp nhập khẩu. Chẳng hạn, một nghiên cứu gần đây của Trung tâm Thương mại Quốc tế (International Trade Center- ITC) về các biện pháp NTMs mà các nhà xuất khẩu Thái Lan phải đối mặt ở thị trưởng nước ngoài đã chỉ ra rằng dù thị trường EU chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản của Thái Lan năm 2013, nhưng EU lại có tỷ lệ các biện pháp NTM áp dụng đối với những mặt hàng xuất khẩu của nước này cao nhất.

Hình 3: Tỷ lệ xuất khẩu nông sản của Thái Lan sang các nước và tỷ lệ các biện pháp NTM áp dụng với Thái Lan năm 2013

Nguồn: ITC, 2014

2.2. Tình hình áp dụng các biện pháp NTM của EU đối với trái cây Việt Nam

Theo cơ sở dữ liệu TRAINS của UNCTAD , EU hiện đang áp dụng 34 biện pháp NTM lên trái cây Việt Nam (Chương 08), bao gồm 26 biện pháp SPS và 08 biện pháp TBT.  EU là một trong những thị trường nhập khẩu có số lượng biện pháp SPS và TBT áp dụng với trái cây Việt Nam cao nhất. Quan sát từ Hình 4, Trung Quốc và các nước ASEAN khác áp dụng ít biện pháp SPS và TBT với trái cây Việt Nam hơn Mỹ, Úc và EU. Dù tác động của những biện pháp này lên nhập khẩu còn phụ thuộc vào tính chất hạn chế thương mại của chúng, nhưng chỉ riêng nhìn vào số lượng các biện pháp áp dụng có thể thấy sự phức tạp của hệ thống quản lý nhập khẩu của một thị trường nhất định.

Hình 4: Số lượng các biện pháp SPS và TBT mà các thị trường nhập khẩu áp dụng đối với trái cây Việt Nam năm 2015

Bảng 2 cung cấp chi tiết về các biện pháp SPS và TBT mà EU áp dụng với trái cây xuất khẩu Việt Nam. Từ các dữ liệu này, có thể thấy rằng số lượng biện pháp nhiều nhất nằm ở nhóm “Quy trình đánh giá sự phù hợp” (Conformity assessment). Đây là một đặc điểm nổi bật của thị trưởng EU, khi mà các nhà xuất khẩu không chỉ đối mặt với những yêu cầu cao mà còn phải chịu sự kiểm tra nghiêm ngặt và trừng phạt nghiêm khắc một khi vi phạm.

Bảng 2: Số lượng các biện pháp NTM mà EU áp dụng đối với 9 loại trái cây xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam

Chi tiết các biện pháp

Số lượng

Các biện pháp SPS

26

Yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm

3

Giới hạn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và sử dụng hạn chế các hóa chất

4

Cấm/ Hạn chế nhập khẩu vì lý do SPS

6

Các quy định về ghi nhãn, đánh dấu và đóng gói

4

Đánh giá sự phù hợp

9

Các biện pháp TBT

8

Các quy định về ghi nhãn, đánh dấu và đóng gói

4

Các quy định về chất lượng hay tính năng của sản phẩm

2

Cấm/ Hạn chế nhập khẩu vì lý do TBT

1

Đánh giá sự phù hợp

1

Nguồn: Cơ sở dữ liệu TRAIN của UNCTAD, 2017

Vì số lượng các biện pháp NTM khá lớn, và một số biện pháp không đặc biệt liên quan đến 9 mặt hàng trái cây xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam, nghiên cứu này chỉ tập trung vào những biện pháp liên quan nhất. Cụ thể, những biện pháp sau đây có ảnh hưởng lớn nhất đến trái cây xuất khẩu Việt Nam:

- Các biện pháp SPS: yêu cầu vệ sinh thực phẩm; Quy định về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và tạp chất; kiểm soát sức khỏe thực vật và đánh giá sự phù hợp.

- Các biện pháp TBT: Quy định về dán nhãn và Tiêu chuẩn tiếp thị

Nguồn: Trích dẫn "Nghiên cứu: Hoa quả Việt Nam vượt qua các rào cản của thị trường EU
để tận dụng cơ hội từ EVFTA" - Trung tâm WTO và Hội nhập