EVFTA và rào cản từ EU với hoa quả Việt Nam: Các biện pháp TBT chủ yếu của EU áp dụng đối với các sản phẩm trái cây tiềm năng của Việt Nam

18/05/2021    2641

Theo UNCTAD (2012), các biện pháp TBT là những quy định, tiêu chuẩn hoặc quy trình kỹ thuật nhằm đánh giá sự tuân thủ các quy định và tiêu chuẩn kỹ thuật. Sự khác biệt giữa biện pháp SBS và biện pháp TBT nằm ở mục đích áp dụng. Trong khi các biện pháp SPS giải quyết các vấn đề liên quan đến sức khỏe hoặc tính mạng của con người, động thực vật, thì các biện pháp TBT hướng tới nhiều mục tiêu chính sách rộng hơn (WTO, 2014). Tương tự như các biện pháp SPS, WTO quy định khi ban hành các biện pháp TBT, các nước thành viên phải đảm bảo việc áp dụng này không phân biệt đối xử, không tạo ra rào cản không cần thiết với thương mại quốc tế và tuân theo các tiêu chuẩn quốc tế.

Đối với sản phẩm trái cây, phần lớn các quy định của EU tập trung vào các biện pháp an toàn thực phẩm và vấn đề kiểm dịch thực vật, hay chủ yếu là các biện pháp SPS. Tuy nhiên, vẫn có một số quy định kỹ thuật và tiêu chuẩn bắt buộc (các biện pháp TBT) ảnh hưởng tới việc tiếp cận thị trường EU của các sản phẩm này. Trong số các biện pháp TBT, các quy định về ghi nhãn và các tiêu chuẩn tiếp thị có tác động lớn nhất.

1. Các quy định về ghi nhãn

Trái cây, dù là sản phẩm tươi hay đã qua chế biến, được bán ở thị trường EU phải tuân theo các quy định của EU về ghi nhãn thực phẩm. Quy định số 1169/2011  của EU quy định những quy tắc chung cho ghi nhãn áp dụng với tất cả các sản phẩm thực phẩm. Các yêu cầu chi tiết với trái cây và rau quả được nêu tại Quy định số 543/2011  của EU, trong đó quy định ghi nhãn với sản phẩm đã qua chế biến nhiều hơn sản phẩm tươi.

Sản phẩm trái cây tươi chủ yếu được lưu trữ trong các thùng cac-ton. Những thùng cac-ton này phải hiển thị các thông tin sau: i) tên và địa chỉ của người đóng gói và nhà vận chuyển; ii) tên sản phẩm; iii) nước xuất xứ; iv) kích thước và loại sản phẩm; và v) số lô (mục đích để truy xuất dữ liệu) (CBI, 2016a). Hầu hết các nước nhập khẩu yêu cầu thùng cac-ton phải có các thông tin từ i) đến iv), và do đó các nhà xuất khẩu trái cây đã quen thuộc với những thông tin này. Tuy nhiên, quy định về hiển thị thông tin số lô của EU không phổ biến. Các thị trường xuất khẩu khác của Việt Nam như Mỹ, Canada và Trung Quốc, đánh dấu lô trên hộp trái cây không phải là nghĩa vụ bắt buộc với các nhà sản xuất trái cây. Quy định này của EU xuất phát từ yêu cầu cao trong việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm, nhằm đảo bảo khả năng giám sát thực phẩm trong mọi công đoạn, từ sản xuất đến phân phối. Một cuộc khảo sát năm 2014 của 21 nước thành viên OECD cho thấy EU xếp hạng cao nhất với các yêu cầu truy xuất nguồn gốc thực phẩm  (Charlebois, Sterling, Haratifar, & Naing, 2014).

Sản phẩm trái cây đã qua chế biến thường được đóng trong các bao bì nhỏ, và bao bì này cần thể hiện một số nội dung bắt buộc. Ngoài ra, những nội dung này phải tuân theo các định dạng (format) cụ thể do EU đặt ra, bao gồm phông chữ, màu sắc, kích thước của chữ. Ngoài thông tin chung về tên sản phẩm và tên nhà sản xuất, nước xuất xứ, hạn sử dụng, bao bì của thực phẩm đã qua chế biến còn cần thể hiện những thông tin sau: i) hàm lượng dinh dưỡng (giá trị năng lượng, hàm lượng chất béo, đường, muối, protein…) ii) cảnh báo dị ứng (ví dụ: đậu nành, gluten, lactose, quả hạch) (EC, 2017d). Ngoài các quy tắc chung, một số quy tắc cụ thể được áp dụng với một số loại trái cây nhất định. Ví dụ, bao bì hoa quả đông lạnh cần cho biết sản phẩm đã được “frozen” (đông lạnh) hay “quick frozen” (đông lạnh nhanh) và ngày đông lạnh phải được ghi rõ. Bao bì trái cây sấy khô cần cho biết sản phẩm được sấy khô tự nhiên hay được thêm đường, và phương pháp chế biến cụ thể như “concentrated” (cô đặc) hay “powdered” (làm thành bột) cũng phải được thêm vào tên của sản phẩm (EC, 2017d).

Nhìn chung, các quy định về ghi nhãn của EU tương đối phức tạp và chi tiết. Các nhà sản xuất trái cây phải biết và hiểu tất cả các yêu cầu để tránh trường hợp bị thiếu thông tin bắt buộc, và phải tuân theo các quy định cụ thể về định dạng và hình thức của từng thông tin được thể hiện. Cần lưu ý rằng tất cả thông tin về các sản phẩm này phải được thể hiện bằng ngôn ngữ chính thức của nước thành viên EU nơi sản phẩm được bán. Mặc dù bản thân các quy định rất phức tạp, nhưng mức độ chấp nhận các lỗi không tuân thủ của EU lại thấp (USDA, 2012). Vì vậy, các yêu cầu về ghi nhãn cũng là một trong những rào cản ảnh hưởng đến việc tiếp cận thị trường EU của các nhà xuất khẩu trái cây nước ngoài. 

Hộp 5

Phi-líp-pin – Các nhà xuất khẩu nông sản đối mặt với những khó khăn trong việc đáp ứng các yêu cầu ghi nhãn của EU.

Một cuộc khảo sát được thực hiện năm 2017 bởi Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC) về các biện pháp NTM áp dụng với các nhà xuất khẩu Phi-líp-pin chỉ ra rằng yêu cầu dán nhãn là một trong những rào cản thường xuyên nhất với sản phẩm nông nghiệp của họ. Có tới 9,5% số các trường hợp NTM các nhà xuất khẩu Phi-líp-pin phải đối mặt liên quan đến quy định về ghi nhãn. Các thị trường như EU hay Mỹ yêu cầu rất cao về ghi nhãn và dịch thuật. Mặc dù thông tin ghi nhãn thường được cung cấp bởi  khách hàng, các nhà sản xuất Phi-líp-pin vẫn cần thiết kế, sản xuất và dịch những thông tin này, do đó tạo thêm gánh nặng cho các nhà sản xuất, đặc biệt là các công ty nhỏ trong lĩnh vực này. Một nhà xuất khẩu của Phi-líp-pin được khảo sát bởi ITC nói rằng EU có một loạt các yêu cầu ghi nhãn thực phẩm như phông chữ, định dạng, dinh dưỡng sản phẩm, nguyên liệu được sử dụng… và tất cả các thông tin đó cần phải được dịch sang ngôn ngữ của nước nhập khẩu. Nhà xuất khẩu này bình luận: “Toàn bộ bao bì của tôi bị bao phủ bởi nhãn dính”.

Nguồn: ITC. Loạt khảo sát về các biện pháp NTM- Phi-líp-pin: Từ góc nhìn doanh nghiệp, 2017.


2. Tiêu chuẩn tiếp thị (Marketing standards)Quy định 543/2011  của EU điều chỉnh các tiêu chuẩn tiếp thị cho chất lượng và độ chín của trái cây và rau quả tươi . Tiêu chuẩn tiếp thị được chia ra làm 2 loại: i) Tiêu chuẩn tiếp thị cụ thể (SMS) được áp dụng với 10 loại rau quả tươi  và ii) Tiêu chuẩn tiếp thị chung (GMS)  được áp dụng cho các sản phẩm rau quả tươi khác. Cả sản phẩm SMS và GMS đều phải tuân thủ tiêu chuẩn chung về chất lượng và độ chín tối thiểu, tương đối phù hợp với tiêu chuẩn Codex với trái cây và rau quả tươi (Codex, 2007). Các sản phẩm SMS cần đáp ứng thêm các yêu cầu bổ sung được quy định riêng cho chúng, theo đó các sản phẩm được phân thành 3 hạng (từ thấp nhất đến cao nhất) và ít nhất phải đáp ứng chất lượng thấp nhất để được bán ở thị trường EU. Ngoài ra, sản phẩm SMS phải có Giấy chứng nhận sản phẩm phù hợp quy chuẩn. Sản phẩm được dùng để chế biến hoặc làm thức ăn chăn nuôi sẽ được miễn các tiêu chuẩn tiếp thị nếu chúng được ghi nhãn rõ ràng là “sản phẩm dùng để chế biến” hoặc “thức ăn cho động vật”.

Một điểm cần lưu ý là hầu hết các nước nhập khẩu hoặc là có tiêu chuẩn tiếp thị quốc gia của riêng mình (như Mỹ), hoặc là tuân theo các tiêu chuẩn quốc tế cho sản phẩm tươi của các tổ chức quốc tế (như Ủy ban Kinh tế Châu Âu của Liên Hợp Quốc-UNECE ). Tuy nhiên, các tiêu chuẩn này thường được áp dụng trên cơ sở tự nguyện, và không phải là yêu cầu bắt buộc. Chẳng hạn, Mỹ có yêu cầu bắt buộc về xếp hạng và kích cỡ của một số loại trái cây (mận, nho khô, hạt phỉ, quả chà là), trong khi Úc và Trung Quốc không có những yêu cầu như vậy cho hoa quả (UNCTAD TRAINS, 2017). 

Tuy nhiên, việc tuân thủ các tiêu chuẩn tiếp thị với trái cây tươi ở thị trường EU là bắt buộc. Trái cây tươi nhập khẩu được cơ quan có thẩm quyền của nước thành viên kiểm tra ở biên giới EU. Nếu sản phẩm đã được kiểm tra tại nước xuất xứ, quốc gia đó có thể yêu cầu Giấy chứng nhận sản phẩm phù hợp quy chuẩn từ EU (EU conformity check certificate). Khi đó, sản phẩm sẽ không bị kiểm tra thêm ở biên giới EU. Việc này có thể được EU chấp thuận nếu như EU nhận thấy rằng nước xuất khẩu đã đáp ứng các tiêu chuẩn tiếp thị của EU. Việc chấp thuận có thể cho tất cả hoặc chỉ một số loại rau quả tươi. Tuy nhiên nếu EU phát hiện một lượng đáng kể hàng nhập khẩu không tương ứng với thông tin được nếu trong giấy chứng nhận, EU có thể đình chỉ việc chấp thuận với quốc gia đó. Hiện tại chỉ có 9 quốc gia được EU chấp thuận cấp giấy chứng nhận này. 

Trong các mặt hàng trái cây tươi xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU, chỉ có Chanh là sản phẩm SMS, những sản phẩm còn lại thuộc sự điều chỉnh của GMS. Chưa có sản phẩm trái cây nào của Việt Nam nhận được sự chấp thuận kiểm tra sự phù hợp quy chuẩn của EU.

Hộp 6

Việt Nam- Xoài không đạt tiêu chuẩn chất lượng của EU

Xoài là một trong những loại trái cây được trồng nhiều nhất tại Việt Nam, và đồng thời cũng là một trong những sản phẩm xuất khẩu chính. Tuy nhiên, thị trường chính của xoài Việt Nam vẫn là Trung Quốc và một số quốc gia ASEAN, vì khoảng cách địa lý gần Việt Nam và các yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng thấp đối với xoài nhập khẩu. Hầu hết xoài Việt Nam được trồng bởi các trang trại nhỏ lẻ không tập trung, và mặc dù có hương vị độc đáo nhưng chúng thường có kích thước nhỏ và bề ngoài không thu hút. Ngoài ra, xoài dễ bị dập, nát nên xuất khẩu sang các thị trường xa có thể làm giảm chất lượng trong quá trình vận chuyển. Các nhà xuất khẩu xoài của Việt Nam từ lâu đã tìm cách tiếp cận các thị trường có lợi nhuận tốt hơn, như Mỹ hay EU, nhưng giá trị xuất khẩu vẫn còn hạn chế. Đặc biệt, thị trường EU rất có tiềm năng với mặt hàng này vì nhu cầu cao và thuế suất bằng 0%. Tuy nhiên, EU lại đặc biệt nghiêm ngặt về tiêu chuẩn tiếp thị với xoài. Theo luật của EU, xoài nhập khẩu vào EU phải còn nguyên vẹn, tươi, rắn chắc và không có vết bẩn hoặc vết đen. Ngoài ra, người tiêu dùng Châu Âu thích xoài cỡ lớn (từ 500-650 gram), đều màu và vẻ ngoài hấp dẫn. Những yêu cầu cao như vậy khiến việc thâm nhập vào thị trường EU của xoài Việt Nam cho đến bây giờ vẫn gặp nhiều khó khăn.

Nguồn: CBI (2016c) và Vietrade (2015)