EVFTA và rào cản từ EU với hoa quả Việt Nam: Các biện pháp SPS chính mà EU áp dụng đối với mặt hàng trái cây tiềm năng của Việt Nam
18/05/2021 5207Theo định nghĩa của UNCTAD (2012), SPS là những biện pháp được áp dụng để bảo vệ sức khỏe hoặc tính mạng của con người, động vật và thực vật. Theo quy định của WTO, các biện pháp SPS được áp dụng phải căn cứ vào các nguyên tắc khoa học, không phân biệt đối xử và không gây cản trở bất hợp lý cho thương mại. WTO khuyến khích các thành viên sử dụng các tiêu chuẩn và khuyến nghị quốc tế, nếu có.
Khoảng 98% các biện pháp SPS của EU được hài hóa hóa và quản lý ở cấp Liên minh (USDA, 2016), chỉ một số ít biện pháp khác được áp dụng riêng ở cấp quốc gia thành viên và đối với một số sản phẩm cụ thể. Các quy định của EU tuân theo Hiệp định SPS của WTO, và được dựa trên tiêu chuẩn và khuyến nghị quốc tế (WTO, 2016). EU và các quốc gia thành viên là thành viên của Ủy ban Tiêu chuẩn Thực phẩm Codex Quốc tế và Tổ chức Thú y thế giới, đồng thời cũng tham gia Công ước Bảo vệ Thực vật Quốc tế (IPPC) (WTO, 2016).
Tuy nhiên trên thực tế, từ loạt khảo sát của ITC về các biện pháp NTMs áp dụng bởi một số nước nhập khẩu đã cho thấy EU thường xuyên áp dụng những tiêu chuẩn cao hơn so với khuyến nghị của các tổ chức quốc tế nói trên và cũng có những quy định an toàn thực phẩm cao hơn các nước khác. Thêm vào đó, ngoài các biện pháp SPS do Ủy bản Châu Âu ban hành (và trong một số trường hợp là bởi các nước thành viên EU), các nhà xuất khẩu trái cây còn phải tuân thủ các quy định, yêu cầu bổ sung của các nhà nhập khẩu hoặc người mua EU. Tổng thể những yêu cầu này khiến các biện pháp SPS của EU trở thành một trong những rào cản khó khăn nhất với các nhà xuất khẩu trái cây nước ngoài, đặc biệt với các nhà xuất khẩu từ các nước đang phát triển.
Phần sau sẽ phân tích các biện pháp SPS chủ yếu của EU áp dụng với 9 sản phẩm trái cây tiềm năng của Việt Nam.
1. Các yêu cầu an toàn thực phẩm
Các yêu cầu về an toàn thực phẩm liên quan đến sản phẩm có nguồn gốc không từ động vật được quy định trong Quy định số 178/2002 (Luật Thực phẩm chung) và số 852/2004 (về Vệ sinh thực phẩm), cùng với một số văn bản dưới luật và văn bản thực thi. Theo các quy định này, các nhà sản xuất thực phẩm phải chịu trách nhiệm chính về an toàn thực phẩm và tuân thủ các yêu cầu về vệ sinh cơ bản chung để đảm bảo an toàn thực phẩm xuyên suốt chuỗi sản xuất thức ăn. Mặc dù những quy định này chỉ áp dụng với các nhà sản xuất thực phẩm của EU, các nhà xuất khẩu từ nước thứ ba cũng gián tiếp bị ảnh hưởng vì cần phải tuân thủ các quy định này thì mới có thể xuất khẩu sản phẩm sang thị trường này.
Quy định ảnh hưởng trực tiếp đến các nhà xuất khẩu nước ngoài là quy định về các thủ tục quản lý an toàn thực phẩm dựa trên nguyên tắc Phân tích các mối nguy hiểm và điểm kiểm soát quan trọng (the Hazard Analysis and Critical Control Point- HACCP) . Các thành viên EU được yêu cầu đảm bảo rằng các doanh nghiệp thực phẩm nước ngoài tuân thủ các nguyên tắc HACCP trong sản xuất thực phẩm xuất khẩu sang EU. Các yêu cầu HACCP không áp dụng với quá trình sản xuất đầu vào, nghĩa là giai đoạn trồng các loại trái cây tươi không phải tuân thủ theo các yêu cầu này. Tuy nhiên, tất cả các quy trình sản xuất sau thu hoạch cần tuân thủ các nguyên tắc HACCP.
Mặc dù các nhà xuất khẩu nước ngoài không bắt buộc phải cung cấp chứng nhận HACCP tại biên giới nhập khẩu, họ vẫn cần lưu giữ tất cả các hồ sơ và bằng chứng để chứng minh việc tuân thủ nguyên tắc HACCP. Đồng thời, đề đề phòng, các nhà nhập khẩu EU thường yêu cầu cung cấp chứng nhận HACCP kèm theo sản phẩm trái cây đã được chế biến (CBI, 2016b). Với trái cây tươi, các nhà nhập khẩu EU cũng thường yêu cầu một số loại chứng nhận an toàn thực phẩm; phổ biến nhất là GLOBAL G.A.P (CBI, 2016a). Mặc dù một số thị trường xuất khẩu thực phẩm khác của Việt Nam cũng yêu cầu chứng nhận HACCP, nhưng trong số đó không có trái cây (Bảng 1).
Bảng 1: So sánh yêu cầu HACCP của một số nước nhập khẩu trái cây của Việt Nam
Quốc gia |
EU |
Mỹ |
Canada |
Trung Quốc |
Nga |
Sản phẩm thực phẩm được yêu cầu áp dụng HACCP |
Tất cả sản phẩm thực phẩm |
Nước hoa quả và hải sản |
Thịt và thịt gia cầm
|
Không |
Không |
Nguồn: Cơ sở dữ liệu TRAINS của UNCTAD, 2017
Mặc dù HACCP, GLOBAL G.A.P và các hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm khác đang ngày càng trở nên phổ biến, chủ yếu các doanh nghiệp lớn mới đáp ứng được các hệ thống này. Với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt từ các nước kém phát triển và đang phát triển, việc tuân theo các nguyên tắc và yêu cầu của các hệ thống này vẫn là một thách thức (Taylor và Kane, 2005). Bởi vì để có thể thực hiện hệ thống HACCP hiệu quả, một doanh nghiệp cần phải đầu tư vào cả nguồn nhân lực và tài chính để phát triển và vận hành hệ thống (Marques, Matias, Teixira & Brojo, 2012). Ở Việt Nam, hệ thống HACCP và GLOBAL G.A.P vẫn còn mới lạ với rất nhiều các nhà sản xuất thực phẩm. Những năm gần đây, những hệ thống này đã được sử dụng phổ biến hơn nhưng chủ yếu bởi các công ty xuất khẩu lớn sang các thị trường yêu cầu các loại chứng nhận đó, chẳng hạn như EU (WB, 2017).
Hộp 1: Cộng hòa Maurice – Sự yếu kém của cơ quan chức năng trong việc cấp phép chứng nhận HACCP EU là một trong những thị trường xuất khẩu chính cho các sản phẩm nông nghiệp của Maurice. Tuy nhiên, các nhà xuất khẩu của nước này thường xuyên phàn nàn về yêu cầu áp dụng HACCP của EU để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Thêm vào đó, các nhà nhập khẩu EU cũng yêu cầu các tiêu chuẩn tư khác nhau, đáng chú ý nhất là GLOBAL G.A.P. Số lượng lớn các yêu cầu như vậy chính là gánh nặng với các nhà xuất khẩu Maurice, bởi vì nó khiến doanh nghiệp tốn thời gian và tiền bạc để đáp ứng những tiêu chuẩn này. Quan trọng hơn, Cục tiêu chuẩn Maurice (MSB), cơ quan chịu trách nhiệm kiểm tra và ban hành chứng nhận HACCP và các chứng nhận khác cho sản phẩm nông nghiệp, thiếu những cán bộ có kinh nghiệm và các phòng thí nghiệm được công nhận (cũng như các cơ sở vật chất khác) để thực hiện nhiệm vụ của họ. Từ đó dẫn đến tình trạng quy trình đăng ký phức tạp, quyết định đưa ra mang tính tùy tiện và sự chậm trễ trong việc cấp chứng nhận. Các yếu tố này do đó đã ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu của Maurice sang EU. Nguồn: ITC. Loạt khảo sát về các biện pháp NTM- Maurice: Từ góc nhìn doanh nghiệp, 2014. |
2. Quy định về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và tạp chất
Việc sản xuất hoa quả liên quan đến nhiều công đoạn như trồng trọt, thu hoạch, bảo quản và chế biến. Mỗi công đoạn này đều có thể có những mối nguy hiểm ảnh hưởng đến sự an toàn của trái cây và gây rủi ro cho sức khỏe người tiêu dùng. Những mối nguy thường gặp là dư lượng thuốc bảo vệ thực vật còn sót lại trong quá trình sinh trưởng và tạp chất (các mối nguy hại sinh học, hóa học, vật lý) vô tình xâm nhập trong quá trình chế biến.
i) Dư lượng thuốc bảo vệ thực vật
Hầu hết các quốc gia có quy định về mức độ dư lượng tối đa (MRL) cho thuốc bảo vệ thực vật trong hoặc trên các sản phẩm thực phẩm, để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và môi trường. Các sản phẩm nhập khẩu cũng phải đáp ứng yêu cầu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật mới được tiếp cận và bán tại các thị trường nhập khẩu. Tuy nhiên, vì hiện tại không có một hệ thống tiêu chuẩn MRL quốc tế, các quốc gia khác nhau thường áp dụng những tiêu chuẩn MRL khác nhau lên cùng một sản phẩm. Mặc dù Codex đã xây dựng Codex MRL cho thuốc bảo vệ thực vật như một tiêu chuẩn tham khảo cho các quốc gia, hiện vẫn chưa có sự đồng thuận trên bình diện quốc tế về việc tuân theo Codex MRL. Hầu hết các nước phát triển duy trì các tiêu chuẩn MRL của riêng mình (Bảng 13). New Zealand là một trong số ít quốc gia phát triển tự động công nhận Codex MRL (MPI, 2017).
EU có tập hợp MRL của riêng mình, và được nhiều quốc gia có kim ngạch xuất khẩu lớn vào EU tuân thủ (Neff và cộng sự, 2012). Năm 2008, EU hài hóa hóa quy định về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật của các nước thành viên, và thiết lập các quy định MRL chung tại Quy định EC số 396/2005 (và các quy định sửa đổi). Tất cả các sản phẩm thực phẩm, kể cả sản phẩm nhập khẩu, sẽ bị trục xuất khỏi thị trường Châu Âu nếu chúng có chứa thuốc bảo vệ thực vật bất hợp pháp hoặc lượng thuốc bảo vệ thực vật tồn dư cao hơn so với giới hạn mà Quy định đặt ra. Các quy định MRL của EU với thuốc bảo vệ thực vật được áp dụng cho cả sản phẩm thực phẩm tươi và đã qua chế biến. Với các sản phẩm chế biến, MRL được xem xét dựa trên MRL của các nguyên liệu tươi và có tính đến độ cô đặc hoặc pha loãng của sản phẩm trong quá trình chế biến.
Với những loại thuốc bảo vệ thực vật không thuộc danh mục của Quy định trên, một mức MRL mặc định thấp 0,01mg/kg được áp dụng như một biện pháp phòng ngừa. Điều này đặc biệt liên quan đến các sản phẩm nhập khẩu được trồng bên ngoài EU và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không thuộc danh mục được Quy định. Tuy nhiên, vấn đề là mức MRL mặc định của EU rất thấp, trong khi số lượng những loại thuốc bảo vệ thực vật được chấp thuận bởi EU lại ít hơn rất nhiều so với Trung Quốc và Mỹ (Bảng 2). New Zealand và Canada cũng đặt mức MRL mặc định, tuy nhiên, mức này cao hơn 10 lần so với EU (Bảng 4). Về lý thuyết, một nước xuất khẩu có thể yêu cầu EU thiết lập một mức MRL cho các loại thuốc bảo vệ thực vật không thuộc danh mục trong Quy định của EU. Nhưng thực tế thì yêu cầu này rất khó để thực hiện, bởi quy trình nộp đơn và phê duyệt rất phức tạp và tốn kém (USTR, 2014).
Bảng 2: So sánh quy định về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật của một số thị trường nhập khẩu trái cây Việt Nam
Quốc gia |
Tự động công nhận tiêu chuẩn MRL của Codex |
Mức MRL mặc định cho thuốc bảo vệ thực vật không nằm trong danh sách |
Số loại thuốc bảo vệ thực vật cho phép |
EU |
Không |
Có quy định – 0.01 mg/kg |
1,100 |
Nhật Bản |
Không |
Có quy định – 0.01 mg/kg |
600 |
New Zealand |
Có |
Có quy định – 0.1 mg/kg |
- |
Canada |
Không |
Có quy định – 0.1 mg/kg |
- |
Úc |
Không |
Không quy định |
11,000 |
Mỹ |
Không |
Không quy định |
16,000 |
Trung Quốc |
Không |
Không quy định |
25,000 |
Chú thích: “-” là không tìm thấy dữ liệu
Nguồn: Số liệu được thu thập từ nhiều nguồn.
Hệ thống quy định về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật của EU còn phức tạp vì được cập nhật thường xuyên. Mỗi năm, Quy định 396/2005 được sửa đổi nhiều lần. Tiêu chuẩn MRL của một số loại thuốc bảo vệ thực vật được xem xét sửa đổi liên tục, khiến các nhà xuất khẩu nước ngoài khó cập nhập và tuân thủ theo. Thêm vào đó, mức MRL EU áp dụng với một số sản phẩm cụ thể rất khác với mức mà Codex hay các quốc gia khác áp dụng. Vì các sản phẩm không chỉ xuất khẩu vào thị trường EU mà còn vào nhiều thị trường khác, sự khác nhau trong tiêu chuẩn của từng thị trường có thể khiến các nhà xuất khẩu nhầm lẫn và khó tuân thủ hơn. Chẳng hạn, xoài Việt Nam xuất khẩu sang EU, Mỹ và Nhật Bản phải tuân thủ các mức MRL khác nhau với một số loại thuốc bảo vệ thực vật, trong đó hầu hết MRL của EU chặt chẽ hơn so với các nước khác (được đánh dấu đỏ trong Bảng 3).
Bảng 3: So sánh chỉ số MRL một số loại thuốc bảo vệ thực vật theo quy định của EU, Mỹ, Nhật, Trung Quốc và Codex
STT |
Tên thuốc bảo vệ thực vật |
EU |
Mỹ |
Nhật |
Trung Quốc |
Codex |
1 |
Azoxystrobin |
0.7 |
2 |
1 |
1 |
0.7 |
2 |
Buprofezin |
0.1 |
0.9 |
0.9 |
- |
0.1 |
3 |
Cyromazine |
0.05 |
0.3 |
0.5 |
- |
0.5 |
4 |
Difenoconazole |
0.1 |
0.07 |
0.07 |
0.07 |
0.07 |
5 |
Fludioxonil |
2 |
5 |
- |
- |
2 |
6 |
Imidacloprid |
0.2 |
1 |
1 |
- |
0.2 |
7 |
Pyraclostrobin |
0.05 |
0.6 |
0.05 |
0.05 |
0.05 |
8 |
Spirotetramat |
0.3 |
0.6 |
0.3 |
0.3 |
0.3 |
9 |
Tebuconazole |
0.1 |
0.15 |
0.1 |
0.05 |
0.05 |
10 |
Thiabendazole |
5 |
10 |
3 |
5 |
5 |
11 |
Thiamethoxam |
0.2 |
0.4 |
0.2 |
- |
0.2 |
Chú thích:
Đơn vị MRL: mg/kg
“-” là không được quy định
Nguồn: số liệu được thu thập từ trang web của Codex, EU, Mỹ và Nhật Bản cùng với Báo cáo USDA cho số liệu về MRL của Trung Quốc
Trong khi hệ thống quy định của EU về MRL nghiêm ngặt hơn đáng kể so với tiêu chuẩn quốc tế (Stoll, Douma, &Abel), một số người mua thậm chí còn yêu cầu mức MRL của sản phẩm thấp hơn mức luật định (CBI, 2016a). Các tiêu chuẩn MRL tư này đôi khi không dựa trên căn cứ khoa học, và đơn giản được đặt ra để thu hút người tiêu dùng và tăng lợi nhuận cho người bán. Tuy nhiên, chúng lại tạo thêm một rào cản nữa cho các nhà xuất khẩu nước ngoài.
ii) Tạp chất
Tạp chất là các chất tồn tại trong các sản phẩm thực phẩm, vô ý nhiễm phải trong quá trình sản xuất thực phẩm, chẳng hạn, trong quá trình trồng trọt, chế biến, đóng gói và bảo quản. Mặc dù hàm lượng tạp chất trong thực phẩm thường thấp và vô hại cho người tiêu dùng, hầu hết các quốc gia đều áp dụng quy định về tạp chất thực phẩm để phòng ngừa. Nguyên tắc của EU về kiểm soát tạp chất thực phẩm được nêu chi tiết trong Quy định của Hội đồng số 35/93/EEC , và quy định hàm lượng tối đa đối với các tạp chất thực phẩm được chỉ định trong Quy định của Ủy ban số 1881/2006 (EC, 2017a). Cũng như thuốc bảo vệ thực vật, hàm lượng giới hạn với tạp chất được cập nhật thường xuyên. Bên cạnh các giới hạn chung cho thực phẩm, cũng có giới hạn đối với một số sản phẩm cụ thể. Các tạp chất thường gặp nhất ở các sản phẩm trái cây (tươi, sấy khô và đông lạnh) là độc tố nấm (aflatoxins, ochratoxin A, patulin), kim loại nặng (chì, thiếc và cadmium) và các tạp chất vi sinh (salmonella, norovirus, virus viêm gan A) (CBI, 2016b).
Bảng 4: So sánh hàm lượng tối đa cho phép của một số tạp chất theo quy định của EU, Mỹ, Trung Quốc và Codex
Tạp chất |
EU |
Mỹ |
Trung Quốc |
Codex |
Aflatoxins (tất cả các loại) |
0.004 mg/kg |
0.02 mg/kg |
0.002-0.005 mg/kg |
0.01 – 0.015 mg/kg |
Chì |
0.1 mg/kg |
7 µg/ml dung dịch đã lọc |
Trái cây tươi: 0.1 mg/kg Sản phẩm trái cây: 1 mg/kg |
Trái cây tươi: 0.1 mg/kg Sản phẩm trái cây: 1 mg/kg |
Nguồn: Tác giả tập hợp từ website chính thức của EC, Codex, US FDA, USDA
Ngoài ra, chiếu xạ là phương pháp phổ biến để xử lý các tạp chất vi sinh và đã được chứng minh là an toàn cho người sử dụng, được cho phép tại hơn 50 quốc gia, trong đó có cả những nước nghiêm ngặt như Mỹ, Úc, New Zealand (Tiêu chuẩn thực phẩm Úc New Zealand, 2017). Tuy nhiên, EU không cho phép sử dụng phương pháp này cho các loại trái cây và rau quả chế biến. Với các sản phẩm tươi, EU chỉ cho phép sản phẩm nhập khẩu được xử lý chiếu xạ tại một cơ sở được EU chấp nhận . Hiện nay Việt Nam chưa có cơ sở nào như vậy, và do đó buộc phải xử lý nhiệt khi xuất khẩu sang EU. Tuy nhiên, phương pháp này có thể làm trái cây thối nhanh hơn, trong khi khoảng cách giữa Việt Nam và EU rất xa, mất nhiều thời gian vận chuyển.
Hộp 2: Những khó khăn của nước xuất khẩu trong việc thực thi các quy định của EU về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và tạp chất Kenya – Thiếu thông tin về các quy định của EU Kenya là một nước thu nhập thấp ở vùng cận sa mạc Sahara Châu Phi. Mặt hàng xuất khẩu chủ lực là các sản phẩm vườn và thị trường xuất khẩu lớn nhất là EU. Theo một cuộc khảo sát của ITC năm 2014, rào cản chính với sản phẩm trái cây và rau quả xuất khẩu sang EU là những quy định nghiêm ngặt của EU về an toàn thực phẩm, đặc biệt những quy định liên quan đến giới hạn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và những tạp chất thực phẩm khác. Một số lô hàng xuất khẩu của Kenya đã bị EU từ chối vì không đáp ứng được các yêu cầu về giới hạn hàm lượng của EU. Ví dụ, năm 2011, EU giảm mức MRL của thuốc bảo vệ thực vật Dimenthoate từ 0.2 mg/kg xuống 0.02 mg/kg. Việc này khiến các nhà xuất khẩu Kenya thiệt hại 192 triệu USD. Hai lý do dẫn đến thiệt hại này bao gồm: (i) 0.02 mg/kg là mức dư lượng rất thấp với Dimenthoate, và do đó cực kỳ khó có thể đáp ứng được tiêu chuẩn này; (ii) Kenya thiếu thông tin về sự thay đổi trong quy định của EU, hệ quả là họ vẫn xuất khẩu sản phẩm sang EU theo tiêu chuẩn MRL 0.2 mg/kg và cuối cùng bị từ chối nhập khẩu vì không đáp ứng được mức MRL mới. Nguồn: ITC. Loạt khảo sát về các biện pháp NTM- Kenya: Từ góc nhìn doanh nghiệp, 2014 Palestine – Thiếu cơ sở vật chất cho thí nghiệm Để kiểm tra hàm lượng các tạp chất trong thực phẩm, nước xuất khẩu cần phải có những phòng thí nghiệm có khả năng phân tích hàng ngàn loại thuốc bảo vệ thực vật và tạp chất, và được cập nhật thường xuyên. Tuy nhiên, hầu hết các phòng thí nghiệm của Palestine đều không có trang thiết bị hiện đại và các điều kiện đo lường thích hợp cho việc kiểm tra một loạt các loại thuốc bảo vệ thực vật và tạp chất ở nồng độ thấp. Không có phòng thí nghiệm nào của Palestine đạt chuẩn quốc tế, và các kết quả kiểm tra không được công nhận bởi những thị trường khó tính như EU hay Mỹ. Vì vậy, các nhà xuất khẩu của Palestine phải gửi sản phẩm sang các nước khác như Israel và Jordan để kiểm tra hàm lượng tạp chất. Việc này làm tốn thời gian và tăng chi phí cho các sản phẩm xuất khẩu của Palestine. Nguồn: Chiến lược xuất khẩu quốc gia Palestine 2014 Hoa Kỳ – Nhiều quan ngại về các quy định thuốc bảo vệ thực vật của EU Mỹ thường bày tỏ mối quan ngại về hệ thống MRL của EU. Người nông dân Mỹ không thể sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật mới được phát triển vì chúng không nằm trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật của EU, và do đó phải chịu mức MRL mặc định rất thấp. Mặc dù các nhà xuất khẩu Mỹ có thể yêu cầu hàm lượng cho các loại thuốc bảo vệ thực vật mới, nhưng chi phí liên quan đến quá trình nộp đơn lại rất cao. Thêm vào đó, mặc dù EU thường xuyên sửa đổi các quy định về MRL, các bên liên quan của Mỹ không được tham gia góp ý. Điều này là bởi vì khi EU thông báo một đề xuất MRL mới lên WTO thì thời gian lấy ý kiến đã hết. Nguồn: Đại diện Thương mại Mỹ, Báo cáo về các biện pháp SPS, 2014 |
3. Kiểm dịch thực vật
Như nhiều nước nhập khẩu khác, EU có các quy định về kiểm dịch thực vật và sản phẩm từ thực vật (bao gồm trái cây) từ bên ngoài EU, nhằm mục đích bảo vệ cây trồng khỏi các sinh vật gây hại như sâu bệnh. Chỉ thị 2000/29/EC của Ủy ban Châu Âu thiết lập một bộ quy định thống nhất về điều kiện kiểm dịch thực vật và được áp dụng cho tất cả các đối tác thương mại của EU. Thực vật và sản phẩm từ thực vật nhập khẩu không được phép chứa các sinh vật gây hại nguy hiểm được quy định trong Chỉ thị này.
Chỉ thị cũng lập danh mục những sản phẩm bị cấm nhập khẩu vào EU, và danh mục những sản phẩm thuộc diện kiểm soát tại biên giới EU và phải có giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật để xác nhận việc tuân thủ các quy định của EU. Khi đã vào lãnh thổ EU, sản phẩm nhập khẩu được cấp hộ chiếu thực vật và có thể được lưu hành tự do đến các nước thành viên EU. Trong 9 nhóm mặt hàng trái cây xuất khẩu tiềm năng Việt Nam, không có sản phẩm nào bị cấm và chỉ có 4 sản phẩm (xoài, chanh, chanh leo và ổi- chỉ ở dạng tươi) phải có giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật. Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật được cấp bởi Tổ chức bảo vệ thực vật quốc gia (NPPO) của nước xuất khẩu, nhưng phải tuân theo mẫu của EU. EU chỉ sử dụng một mẫu giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật, áp dụng cho cả thực vật và sản phẩm từ thực vật, và phù hợp với các quy định của Công ước Bảo vệ Thực vật Quốc tế (IPPC).
Bên cạnh những biện pháp trên, vật liệu đóng gói thực vật hoặc sản phẩm thực vật được làm từ gỗ cũng không được chứa sâu bệnh. EU đã ban hành quy định về bao bì và vật liệu lót bằng gỗ dựa trên ISPM15 của IPPC (Chỉ thị 2005/15/EC ). Chỉ thị này yêu cầu tất cả các bao bì bằng gỗ phải được xử lý bằng nhiệt hoặc xông hơi bằng methyl bromua, và được đóng dấu ISPM15 . Hầu hết các thị trường xuất khẩu khác của Việt Nam cũng có quy định về vật liệu đóng gói bằng gỗ theo IPPC, bao gồm Mỹ, Úc, Nhật Bản và Trung Quốc.
Một điểm cần lưu ý là khác với các nước phát triển như Mỹ, Úc và Nhật Bản, EU không yêu cầu giấy phép nhập khẩu với thực vật và sản phẩm từ thực vật nhập khẩu . Thay vào đó, các nhà nhập khẩu muốn được quyền nhập khẩu thực vật và sản phẩm từ thực vật cần phải được đăng ký ở một nước thành viên EU với số đăng ký chính thức. Ngoài ra, nhà nhập khẩu phải khai báo với cơ quan hải quan tại điểm nhập cảnh trước khi mỗi lô hàng đến. Mặc dù quy trình này tạo thêm gánh nặng hành chính cho quá trình nhập khẩu nói chung, nhưng nghĩa vụ này lại thuộc về các nhà nhập khẩu, chứ không phải các nhà xuất khẩu. Hơn nữa, quá trình đăng ký nhập khẩu tốn ít thời gian và tiền bạc hơn so với quá trình để đạt được giấy phép nhập khẩu bởi quá trình này thường đi kèm với quy trình phân tích rủi tốn kém và phức tạp.
Quy định về kiểm dịch thực vật hiện tại của EU dường như ít nghiêm ngặt hơn so với một số nước phát triển cao khác. Tuy nhiên, Đạo luật mới về Sức khỏe Thực vật 2016 của EU, được ban hành để thay thế Chỉ thị 2000/29/EC và sẽ có hiệu lực từ ngày 14/12/2019, sẽ thiết lập nhiều biện pháp kiểm soát hơn với việc nhập khẩu thực vật và sản phẩm từ thực vật. Một trong những thay đổi quan trọng nhất có ảnh hưởng đến trái cây nhập khẩu là tất cả các sản phẩm thực vật sống (thay vì chỉ quy định một số như quy định hiện tại) sẽ cần phải có giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật. Ngoài ra, EU có thể áp đặt các lệnh hạn chế hoặc cấm tạm thời với việc nhập khẩu thực vật và các sản phẩm từ thực vật nước ngoài mà họ có “ít kinh nghiệm kiểm dịch thực vật” và “nguy cơ dịch hại vẫn chưa được biết” và có thể duy trì cho đến khi có thêm các phân tích khoa học (Quy định 2016/2031 của EC, trang 2). Do đó, theo quy định của đạo luật mới, tất cả các loại trái cây của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này sẽ phải tuân theo yêu cầu về chứng nhận kiểm dịch thực vật và các quy định về dịch hại nghiêm ngặt hơn.
Hộp 3: Ấn Độ- Lệnh cấm của EU với xoài Alphono vì sâu bệnh Tháng 4/2014, EU áp đặt lệnh cấm tạm thời với việc nhập khẩu xoài Alphono của Ấn Độ, vốn được coi là “vua trái cây” của nước này. Ngoài xoài còn có thêm 4 loại rau cũng chịu lệnh cấm này. Quyết định này được ban hành sau vụ phát hiện sâu hại trong 207 lô hàng Ấn Độ được nhập khẩu vào EU năm 2013. Mặc dù các lô hàng có chứa sâu hại chỉ chiếm dưới 5% tổng sản phẩm tươi Ấn Độ xuất khẩu sang EU, và không tìm thấy mối đe dọa cho sức khỏe người tiêu dùng, EU tuyên bố rằng sâu hại có thể đe dọa đến cây trồng và môi trường của EU. Các doanh nghiệp Ấn Độ phản đối mạnh mẽ lệnh cấm này. Họ tuyên bố rằng xoài Ấn Độ được xuất khẩu sang EU trong nhiều thập kỷ mà không gây ra bất cứ mối nguy hại nào cho cây trồng EU, và lệnh cấm này sẽ khiến họ tổn thất rất lớn. Một thành viên gốc Ấn trong Quốc hội Anh, Keith Vaz, bình luận rằng EU đáng lẽ nên tham vấn Chính phủ và doanh nghiệp Ấn Độ trước khi ban hành lệnh cấm. Ngay cả các nhà nhập khẩu EU cũng không hài lòng với lệnh cấm: xoài Alphono là một trong những loại trái cây yêu thích của người tiêu dùng EU, các doanh nghiệp EU lo ngại mất lợi nhuận nếu như không thể nhập khẩu sản phẩm này nữa. Vì xoài là mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Ấn Độ, nước này dự định sẽ khiếu nại về lệnh cấm của EU ra WTO. Bộ trưởng Bộ Công thương của Ấn Độ tuyên bố rằng Chính phủ Ấn Độ đã xây dựng nhiều phòng thí nghiệm đạt chuẩn thế giới trên cả nước để kiểm tra và chứng nhận hàng hóa phù hợp với tiêu chuẩn của EU và các nước khác, và rằng lệnh cấm của EU là hành động tùy tiện mà không có sự tham vấn ý kiến. Cuối cùng, sau cuộc bỏ phiếu của Ủy ban Châu Âu, EU đã phải dỡ bỏ lệnh cấm vào tháng 01 năm 2015. Lý do được nêu ra là hệ thống xuất khẩu xoài của Ấn Độ đã có những cải thiện đáng kể. Nguồn: Tổng hợp từ báo The Hindu và BBC |
4. Đánh giá sự phù hợp và chế tài
Với mục đích đảm bảo các sản phẩm nhập khẩu tuân thủ các quy định của EU về an toàn thực phẩm và sức khỏe thực vật, EU không chỉ tiến hành kiểm tra hàng hóa ở các cửa khẩu mà còn ở bất kỳ giai đoạn nào của chuỗi sản xuất thực phẩm. Các hình thức kiểm tra gồm có kiểm tra tài liệu, kiểm tra nhận dạng ngẫu nhiên hoặc kiểm tra thực tế trực tiếp (EC, 2013). Việc này đòi hỏi các loại thực phẩm nhập khẩu phải được theo dõi và có thể truy xuất được trên toàn bộ chuỗi cung ứng , do đó thực phẩm không an toàn có thể nhanh chóng được thu hồi. Nếu có sự vi phạm các quy định của EU hoặc có khả năng gây rủi ro cho sức khỏe con người hoặc thực vật, EU sẽ áp dụng các biện pháp bảo vệ dựa trên “nguyên tắc phòng ngừa”. Nguyên tắc này từ lâu đã được nhiều nước coi là một chính sách bảo hộ của EU , vì nguyên tắc cho phép EU và các nước thành viên bỏ qua các bằng chứng khoa học khi áp dụng các biện pháp phòng ngừa tạm thời đối với các sản phẩm nhập khẩu.
Chế tài của EU với các sản phẩm thực phẩm vi phạm các quy định rất nghiêm khắc. Nếu vi phạm liên quan đến rủi ro mất an toàn thực phẩm, Hệ thống cảnh báo nhanh trực tuyến về thực phẩm và thức ăn chăn nuôi (RASFF) có thể được kích hoạt để gửi thông báo đến tất cả các nước thành viên EU. Từ đó, các cơ quan nước thành viên có thể áp dụng các biện pháp phù hợp, mà hình thức cực đoan nhất là đình chỉ nhập khẩu (tất cả hoặc một phần) từ nước vi phạm (EC, 2017b). Nếu vi phạm có liên quan tới sức khỏe thực vật, lô hàng có thể bị tiêu hủy hoặc đưa ra khỏi EU. Chỉ trong rất ít trường hợp, khi cơ quan có thẩm quyền của nước thành viên EU nhận thấy những phương pháp điều trị thích hợp giúp loại bỏ nguy cơ sâu hại, lô hàng có thể lưu hành ở thị trường EU (EC, 2017a). Trong trường hợp việc vi phạm bị lặp lại, các mặt hàng vi phạm và nước nhập khẩu sẽ được đưa vào danh sách cảnh báo của EU. Khi đó, sản phẩm sẽ chịu sự kiểm tra tăng cường hoặc các điều kiện nghiêm ngặt hơn (ví dụ: yêu cầu phải có giấy chứng nhận sức khỏe và/ hoặc báo cáo phân tích rủi ro) (CBI, 2016).
Tuy vậy, tỷ lệ từ chối các sản phẩm nông nghiệp của EU vẫn thấp hơn một số nước có thu nhập cao khác. Hình 1 cho thấy tỷ lệ từ chối trên mỗi 1 triệu đô hàng nông sản nhập khẩu của EU, Mỹ, Úc và Nhật Bản trong giai đoạn từ 2002- 2010. Đây cũng là 4 đối tác có số lượng từ chối nhập khẩu cao nhất với các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam (Phi Hùng, 2016). Đáng chú ý là tỷ lệ từ chối của EU luôn luôn thấp nhất trong suốt giai đoạn đó, và tương đối ổn định.
Hình 1: Số lượng sản phẩm nông nghiệp bị từ chối trên mỗi đơn vị nhập khẩu theo giá trị trong giai đoạn 2002-2011
Nguồn: UNIDO, 2015
Trong 4 bốn đối tác thương mại trên, EU là đối tác có tỷ lệ từ chối trên mỗi triệu đô nhập khẩu trái cây và rau quả Việt Nam thấp nhất trong giai đoạn 2002-2010 (Hình 2). Tuy nhiên, trong khi tỷ lệ từ chối có xu hướng giảm ở các nước Mỹ, Nhật Bản và Úc, tỷ lệ này ở EU lại tăng. Thêm vào đó, Việt Nam nằm trong top 5 đối tác của EU có tỷ lệ bị từ chối sản phẩm nông nghiệp cao nhất trong cùng thời kỳ (UNIDO, 2015). Hai lý do chính của rau quả và trái cây Việt Nam bị từ chối là vi phạm giới hạn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và giới hạn tạp chất (UNIDO, 2012).
Hình 2: Số lượng trái cây và rau quả của Việt Nam bị từ chối trên mỗi 1 triệu đô trong giai đoạn 2002-2010
Nguồn: UNIDO, 2012
Hộp 4: Việt Nam cho rằng quy định phạt của EU quá nặng và không công bằng Tháng 10 năm 2014, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn của Việt Nam quyết định đình chỉ xuất khẩu tạm thời 5 sản phẩm thực vật sang EU đến tháng 2 năm 2015. Quyết định được đưa ra vì từ tháng 02 năm 2014, 3 lô hàng mướp đắng và húng quế của Việt Nam đã bị phát hiện có vi khuẩn có hại. EU cảnh báo rằng nếu có thêm hai lô hàng vi phạm nữa, nâng tổng số vi phạm trong một năm lên 5 vi phạm, EU sẽ ban hành lệnh cấm với tất cả sản phẩm thực vật tươi (bao gồm cả trái cây là rau quả) từ Việt Nam. Do vậy, để ngăn tình huống này xảy ra, 5 sản phẩm rau quả được coi là có nguy cơ nhiễm khuẩn cao nhất đã bị tạm ngừng xuất khẩu sang EU. Tuy nhiên, việc đình chỉ đã khiến các nhà sản xuất và xuất khẩu liên quan của Việt Nam tổn thất nặng nề. Một số nhà xuất khẩu của Việt Nam phàn nàn rằng quy tắc phạt của EU là không công bằng vì nó cấm xuất khẩu toàn bộ các sản phẩm thực vật, trong khi nguyên nhân vi phạm lại chỉ nằm ở một số sản phẩm nhất định của một số nhà sản xuất. Ông Đặng Hoàng Hải, Vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Âu của Bộ Công Thương Việt Nam phát biểu trong một cuộc phỏng vấn rằng Việt Nam xuất khẩu khoảng 15.000 lô hàng sang EU mỗi năm, nhưng EU chỉ cho phép tối đa 5 lô hàng vi phạm, chiếm 0.03% tổng số lô hàng, là quá nặng và không công bằng. Nguồn: Trần và Cầm, 2014. |
Nguồn: Trích dẫn "Nghiên cứu: Hoa quả Việt Nam vượt qua các rào cản của thị trường EU
để tận dụng cơ hội từ EVFTA" - Trung tâm WTO và Hội nhập
- EVFTA và rào cản từ EU với hoa quả Việt Nam: Tổng quan và tình hình áp dụng các biện pháp phi thuế quan của EU
- EVFTA và rào cản từ EU với hoa quả Việt Nam: Các biện pháp TBT chủ yếu của EU áp dụng đối với các sản phẩm trái cây tiềm năng của Việt Nam
- EVFTA và rào cản từ EU với hoa quả Việt Nam: Tình hình sản xuất trái cây của Việt Nam
- EVFTA và rào cản từ EU với hoa quả Việt Nam: Tình hình xuất khẩu trái cây của Việt Nam