EVFTA và rào cản từ EU với hoa quả Việt Nam: Những thách thức mà trái cây Việt Nam phải đối mặt

18/05/2021    867

1. Thiếu thông tin và hướng dẫn về các quy định của EU

Ngành trái cây của Việt Nam bao gồm chủ yếu là các trang trại và doanh nghiệp nhỏ thường thiếu thông tin và hiểu biết về các quy định của thị trường nước ngoài. Những trang trại và doanh nghiệp này thường không có bộ phận pháp lý chịu trách nhiệm nghiên cứu thị trường nước ngoài. Họ cũng không có “thói quen” thuê luật sư hoặc công ty tư vấn để hỗ trợ những vấn đề này, vì chi phí thường rất cao (VCCI, 2015). Trong khi đó, sự hỗ trợ từ chính phủ và các hiệp hội doanh nghiệp còn rất hạn chế. Lý do là vì ngành trái cây không phải là ngành xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam, nên ít nhận được sự quan tâm và đầu tư của Chính phủ. Trong khí đó hầu hết các hiệp hội trái cây của Việt Nam đều rất nhỏ và thiếu cả nguồn nhân lực và tài chính (VCCI, 2015) nên cũng chưa thể đáp ứng hết được các nhu cầu hỗ trợ tư vấn của các doanh nghiệp thành viên.

Hiện nay, nguồn thông tin chính thống duy nhất cho doanh nghiệp về các biện pháp phi thuế áp dụng với các sản phẩm nông nghiệp bởi các nước nhập khẩu là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (MARD), cụ thể là Văn phòng SPS và Văn phòng TBT. Hai điểm hỏi đáp này được thành lập sau khi Việt Nam gia nhập WTO nhằm cung cấp thông tin cho doanh nghiệp Việt Nam về bất kỳ thay đổi nào trong các quy định của thị trường nước ngoài liên quan đến các biện pháp SPS và TBT. Tuy nhiên, kênh thông tin chủ yếu của các Văn phòng này là thông qua trang web trực tuyến, và các biện pháp mới của nước ngoài được cập nhật mà hầu như không được dịch sang tiếng Việt, cũng như không có bất kỳ tóm tắt, hướng dẫn nào. Hình thức thông tin như vậy khiến doanh nghiệp rất khó để đọc, chưa nói đến hiểu và tuân thủ theo các biện pháp này. Mặc dù đã có một số hội thảo và đào tạo chuyên sâu được tổ chức để hướng dẫn doanh nghiệp về những thay đổi quan trọng trong yêu cầu nhập khẩu tại các thị trường lớn, phần lớn các sự kiện này được tổ chức tại các thành phố lớn và với sự tham gia chủ yếu của các doanh nghệp lớn (VCCI, 2017). Vì hầu hết người những người nông dân trồng trái cây và các xưởng chế biến trái cây đều ở vùng nông thôn và miền núi nên họ hầu như không được tham gia các hội thảo và đào tạo trên. 

Một yếu tố khác cản trở việc phổ biến các quy định của EU là thiếu sự phối hợp trong chuỗi cung ứng trái cây xuất khẩu. Phần lớn người trồng trái cây của Việt Nam là những hộ gia đình có vườn hoặc trang trại nhỏ. Các công ty chế biến và xuất khẩu trái cây thường thu mua nguyên liệu từ những vườn và trang trại khác nhau mà không có hợp đồng dài hạn. Mối quan hệ giữa nhà chế biến/xuất khẩu với người trồng lỏng lẻo và không ổn định, khiến các doanh nghiệp này khó có thể thông tin và hướng dẫn người trồng những tiêu chuẩn cần thiết để đáp ứng các quy định của EU. Chẳng hạn, EU có những quy định về loại thuốc bảo vệ thực vật được cho phép sử dụng và giới hạn dư lượng rất nghiêm ngặt, nhưng vì không có hợp đồng giao kết với người trồng ngay từ đầu vụ, các doanh nghiệp không thể yêu cầu người nông dân sử dụng loại thuốc bảo vệ thực vật loại nào và cách dùng như thế nào để không vi phạm quy định của thị trường nhập khẩu. Do đó, rất nhiều người nông dân, vì giá rẻ đã mua những loại thuốc bảo vệ thực vật không đảm bảo từ Trung Quốc và một số nước khác mà trong số đó có nhiều loại cực kỳ độc hại và bị cấm ở hầu hết các nước nhập khẩu (Phạm, Võ và Phạm, 2016). Thậm chí ngay cả khi đã sử dụng loại thuốc bảo vệ thực vật được cho phép, người nông dân cũng thường sử dụng không đúng cách, phun thuốc quá liều hoặc không đúng thời điểm, dẫn đến dư lượng thuốc còn lại trên trái cây cao. 

Tình trạng nêu trên dẫn đến việc thiếu thông tin nghiêm trọng về các quy định của thị trường nước ngoài ở toàn bộ hoặc một số khâu nhất định của chuỗi giá trị. Trong khi những quy tắc và tiêu chuẩn của EU đối với trái cây nhập khẩu có số lượng nhiều và nội dung phức tạp, lại thay đổi thường xuyên. Không biết, không hiểu và không cập nhật thường xuyên những yêu cầu này đồng nghĩa với việc không thể tiếp cận được thị trường EU. Hơn nữa, nếu nhà xuất khẩu xuất sản phẩm không tuân thủ sang EU, lô hàng sẽ bị từ chối, bị tiêu hủy hoặc gửi trả về, và gây tổn thất lớn cho nhà xuất khẩu đó. Nguy hiểm hơn, các chế tài phạt vi phạm của EU rất nghiêm ngặt, nên chỉ một số vi phạm có thể dẫn đến lệnh cấm toàn bộ trái cây nhập khẩu từ Việt Nam. Do đó, việc không tuân thủ các quy định của EU không chỉ gây tổn thất với bản thân nhà xuất khẩu vi phạm mà còn có thể gây nguy hiểm đối với toàn bộ ngành trái cây Việt Nam.

2. Hạn chế về năng lực và nguồn lực để tuân thủ các tiêu chuẩn cao của EU

Như đã trình bày ở chương II, các tiêu chuẩn về chất lượng và an toàn thực phẩm của EU là một trong những tiêu chuẩn cao nhất thế giới. Để đáp ứng những tiêu chuẩn này đòi hỏi sự cẩn trọng ở tất cả các khâu trong quá trình sản xuất, từ khâu trồng đến chế biến. Một hướng đi để giải quyết yêu cầu này là áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng như GLOBAL G.A.P (với hoa quả tươi) và HACCP (với hoa quả đã qua chế biến). Mặc dù việc áp dụng các hệ thống này không phải là quy định định nội địa bắt buộc đối với các nhà sản xuất trái cây Việt Nam, nhưng việc thực hiện HACCP trong sản xuất thực phẩm là một yêu cầu bắt buộc của thị trường EU, và chứng nhận GLOBAL G.A.P thường được các nhà nhập khẩu EU yêu cầu. Việc tuân thủ theo các hệ thống quản lý như vậy đòi hỏi đầu tư lâu dài cả về nhân lực và công nghệ, và có thể khả thi với các nhà sản xuất lớn nhưng lại khó, nếu không muốn nói là không thể, với các doanh nghiệp nhỏ, do tình trạng thiếu nguồn lực. 

Theo một cuộc khảo sát được thực hiện năm 2014 của Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO), có rất nhiều rào cản với doanh nghiệp Việt Nam khi thực hiện HACCP. Những khó khăn bao gồm việc thiếu tiền và nhân lực để tuân thủ HACCP, thiếu hướng dẫn và đào tạo các doanh nghiệp về cách áp dụng HACCP, những khó khăn trong quản lý nguồn gốc nhiên liệu thô, chi phí kiểm tra và cấp chứng nhận cao (Bhat, 2014). Quy trình HACCP hiện được áp dụng chủ yếu trong ngành thủy sản Việt Nam, vì ngành này có khối lượng xuất khẩu lớn đến những thị trường yêu cầu chứng nhận này. Còn đối với ngành chế biến trái cây, thậm chí một số công ty xuất khẩu trái cây lớn vẫn gặp khó khăn khi áp dụng HACCP.

Giống như HACCP, việc áp dụng GLOBAL G.A.P cũng gặp phải nhiều trở ngại. Nông dân vẫn trồng trọt dựa theo thói quen hoặc kinh nghiệm và cảm thấy khó tuân thủ hệ thống GLOBAL G.A.P. Một mặt, các nguyên tắc và quy trình của GLOBAL G.A.P rất phức tạp và khó để nông dân hiểu và thực hiện đúng cách. Mặt khác, người nông dân thiếu những cơ sở hạ tầng cần thiết để thực hiện GLOBAL G.A.P (chẳng hạn như khu lưu trữ, phòng thí nghiệm, thiết bị xử lý nhiệt hoặc đông lạnh …). Thêm vào đó, một chứng nhận GLOBAL G.A.P có giá lên tới 3000- 5000 đô mà lại chỉ có giá trị trong một năm. Vì những lý do đó, trong tổng số gần 900 ngàn ha trồng cây ăn quả năm 2016, chỉ có 465 ha áp dụng GLOBAL G.A.P (Phạm, Võ và Phạm, 2016).

Cũng cần lưu ý một điểm là nhiều nhà sản xuất trái cây không nhận thức được tầm quan trọng của việc áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng như HACCP hay GLOBAL G.A.P. Họ đơn giản chỉ coi việc áp dụng những hệ thống này như một nghĩa vụ để đáp ứng những yêu cầu của thị trường nước ngoài, hơn là một bước để nâng cấp chất lượng sản phẩm (Phạm, Võ và Phạm, 2016). Lý do là vì áp dụng những biện pháp như HACCP hay GLOBAL G.A.P thường yêu cầu những khoản đầu tư lớn và dài hạn và không nhìn thấy những lợi ích trước mắt. Do vậy, trừ khi thị trường xuất khẩu có tiềm năng rất lớn, các nhà xuất khẩu của Việt Nam sẽ không có động lực để áp dụng những hệ thống quản lý chất lượng trên. Thay vào đó, họ vẫn giữ nguyên quy trình sản xuất hiện tại và tiếp tục xuất khẩu sang các thị trường truyền thống có yêu cầu thấp như Trung Quốc. 

3. Cơ sở hạ tầng chưa đủ năng lực hỗ trợ xuất khẩu sang thị trường EU

Ngành trái cây không phải là một trong những ngành xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam, và vì ngân sách Nhà nước còn hạn chế, việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng thiết yếu cho ngành này còn khiêm tốn. Hầu hết các khoản đầu tư tập trung vào tưới tiêu và đất đai, chiếm đến 65% tổng số cơ sở hạ tầng nông thôn trong năm 2012 (Phạm, Võ và Phạm, 2016). Các yếu tố quan trọng khác, như cải thiện hệ thống vận tải, nâng cấp công nghệ, đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, chưa nhận được nhiều sự quan tâm của Chính phủ. Trong khi đó, trái cây thường được trồng ở vùng nông thôn và miền núi, nơi cách xa các nhà máy chế biến nên hệ thống giao thông vận tải yếu kém khiến thời gian vận chuyển tăng, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm và gia tăng chi phí. Đồng thời, đầu tư vào khoa học và công nghệ trong thu hoạch, bảo quản và chế biến còn hạn chế khiến các sản phẩm trái cây có chất lượng chưa cao và thời gian sử dụng ngắn, do đó khó có thể đáp ứng được các tiêu chuẩn chất lượng cao của các thị trường nghiêm ngặt như EU.

Ngoài ra, các phòng thí nghiệm cũng là một hạ tầng quan trọng cho xuất khẩu trái cây, để kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và các tạp chất khác. Nhiều lô hàng của Việt Nam bị từ chối và trả về vì vi phạm các tiêu chuẩn về thuốc bảo vệ thực vật và tạp chất. Để giải quyết vấn đề này, Việt Nam đã xây dựng hệ thống các phòng thí nhiệm trong cả nước, với 4 phòng thí nghiệm quy mô lớn cấp vùng ở 4 thành phố lớn, và ít nhất 1 phòng thí nghiệm cấp tỉnh ở mỗi tỉnh (Ngân hàng Thế giới, 2017). Tuy nhiên, hầu hết các phòng thí nghiệm cấp tỉnh không thường xuyên thực hiện các xét nghiệm về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và tạp chất. Còn 4 phòng thí nghiệm cấp vùng chỉ có thể phân tích một số loại thuốc bảo vệ thực vật và tạp chất nhất định do thiếu năng lực và thiết bị kiểm tra tinh vi và hiện đại (Ngân hàng Thế giới, 2017). Trong những năm gần đây, việc các nhà xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam mở rộng xuất khẩu đến những thị trường mới, khó tính nhưng lợi nhuận cao hơn các thị trường truyền thống đã làm gia tăng nhu cầu có các phòng thí nghiệm đủ điều kiện và được công nhận. Việc này dẫn đến sự phát triển của các phòng thí nghiệm tư nhân ở các thành phố lớn như Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh, nơi có cơ sở thử nghiệm tốt hơn so với các phòng thí nghiệm sử dụng vốn nhà nước. Tuy nhiên, chi phí dịch vụ ở các phòng thí nghiệm tư thường cao và quá sức chi trả đối với nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ có lượng trái cây xuất khẩu ít (UNIDO, 2014).

Nguồn: Trích dẫn "Nghiên cứu: Hoa quả Việt Nam vượt qua các rào cản của thị trường EU
để tận dụng cơ hội từ EVFTA" - Trung tâm WTO và Hội nhập