Báo cáo Nghiên cứu: Việt Nam thực hiện VPA-FLEGT - Xây dựng khung khổ pháp luật về đấu thầu "gỗ hợp pháp"

01/04/2021    392

Thời gian: 2021 

Đơn vị thực hiện: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI

Hiệp định Đối tác Tự nguyện về Thực thi Luật lâm nghiệp, Quản trị rừng và Thương mại lâm sản (viết tắt là VPA-FLEGT) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) được ký ngày 19/10/2018, chính thức có hiệu lực từ ngày 01/06/2019. Bằng việc tham gia Hiệp định này, Chính phủ đã thể hiện quyết tâm lớn trong thực hiện quản trị rừng cũng như phát triển ngành chế biến gỗ một cách bền vững. Mặc dù Hiệp định được ký kết chỉ với đối tác EU, Chính phủ đã đưa ra một cam kết mạnh, theo đó tất cả gỗ và sản phẩm gỗ, dù là xuất khẩu (đi EU hoặc bất kỳ lãnh thổ/quốc gia nào khác) hay tiêu thụ trên thị trường nội địa, đều phải là gỗ hợp pháp.

Trên thị trường nội địa, một phần đáng kể gỗ và các sản phẩm gỗ được mua sắm và sử dụng bởi các chủ thể Nhà nước theo thủ tục đấu thầu. Ở vai trò này, để thực thi cam kết về gỗ hợp pháp trong VPA-FLEGT, Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm rằng gỗ và các sản phẩm gỗ được mua sắm theo thủ tục đấu thầu là gỗ hợp pháp. Điều này đặt ra yêu cầu phải có các quy định, tiêu chí cụ thể về gỗ hợp pháp trong quy trình đấu thầu mua sắm gỗ và các sản phẩm gỗ chế biến.

Trong Kế hoạch triển khai thực hiện Hiệp định VPA-FLEGT ban hành kèm theo Quyết định số 1624/QĐ-TTg ngày 14/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ, nhiệm vụ rà soát, hoàn thiện các văn bản pháp luật về mua sắm công liên quan tới gỗ và sản phẩm gỗ đã được đặt ra. 

Việc xây dựng văn bản hướng dẫn riêng về thủ tục đấu thầu đối với một nhóm sản phẩm cụ thể là công việc mới mẻ ở Việt Nam (cho tới nay, mới chỉ có các hướng dẫn riêng về thủ tục đấu thầu đối với các sản phẩm y tế). Trên thế giới, kinh nghiệm của các nước trong thủ tục đấu thầu mua sắm gỗ hợp pháp cũng rất đa dạng, với các cách thức và mức độ bảo đảm gỗ hợp pháp tương đối khác nhau, phù hợp với hiện trạng pháp luật, chính sách mỗi nước về vấn đề này.

Để hỗ trợ các cơ quan có thẩm quyền trong việc rà soát, nghiên cứu, xây dựng văn bản về mua sắm công gỗ, sản phẩm gỗ chế biến (sau đây gọi chung là “sản phẩm gỗ”) nhằm bảo đảm tuân thủ VPA-FLEGT về gỗ hợp pháp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (Trung tâm WTO và Hội nhập) đã triển khai thực hiện nghiên cứu về khung khổ pháp lý để bảo đảm gỗ hợp pháp trong đấu thầu mua sắm gỗ ở Việt Nam. Trên cơ sở phân tích các yêu cầu của VPA-FLEGT về gỗ hợp pháp, rà soát khung khổ pháp luật đấu thầu chung của Việt Nam, tổng hợp và đánh giá kinh nghiệm quốc tế về chính sách bảo đảm gỗ hợp pháp trong mua sắm công, Báo cáo khuyến nghị một khung khổ thống nhất các quy định pháp luật để bảo đảm gỗ hợp pháp trong quy trình đấu thầu mua sắm sản phẩm gỗ ở Việt Nam. Hy vọng Báo cáo sẽ là tài liệu tham khảo hữu ích cho các cơ quan soạn thảo, thẩm định, các tổ chức, cá nhân tham gia vào quá trình soạn thảo quy định pháp luật về gỗ hợp pháp trong đấu thầu mua sắm sản phẩm gỗ, thực thi Hiệp định VPA-FLEGT theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.

Bản mềm Báo cáo được đính kèm dưới đây: