Việt Nam số hóa: Con đường đến tương lai

25/08/2021

Thời gian: 22/08/2021

Đơn vị thực hiện: Ngân hàng thế giới

Sau 17 tháng sống trong đại dịch COVID-19, việc tiêm vắc-xin được triển khai trên diện rộng đang đem lại hi vọng đại dịch sẽ chấm dứt, nhưng cuộc khủng hoảng này cũng đã gây ra nhiều bất định và đau thương trên thế giới. Đến nay, đại dịch đã làm thay đổi cách chúng ta sống, làm việc, ăn uống và đi lại. Mặc dù những thay đổi đó có thể sẽ giảm dần khi tình hình y tế toàn cầu được kiểm soát, nhưng lịch sử đã cho chúng ta thấy rằng trạng thái bình thường mới rất có khả năng sẽ hiện hữu trong những năm tới. Sau tất cả những cú sốc lớn - đại dịch, thảm họa khí hậu, chiến tranh - đều là hàng loạt những chuyển đổi sâu sắc và mang tính cấu trúc.

Tại Việt Nam cũng như các quốc gia khác trên khắp thế giới, giãn cách xã hội và hạn chế đi lại do COVID-19 gây ra đã đẩy nhanh sự trỗi dậy của kinh tế số. Sự trỗi dậy này diễn ra, và trở nên đặc biệt “rộng rãi” (broad-based) hơn trong những tháng gần đây. Có tới 60% các doanh nghiệp nội địa ở Việt Nam đến nay đã thiết lập hoặc tăng sự hiện diện trực tuyến của mình để có thể cung cấp dịch vụ và bán hàng cho những khách hàng đang ngày càng kết nối tốt hơn. Chính phủ cũng đã số hóa hơn 2.000 thủ tục hành chính và dịch vụ công. Đó không chỉ là cách ứng phó ngắn hạn giúp Việt Nam đối phó với những khó khăn về tương tác trực tiếp trong đại dịch, mà còn để lại những tác động sâu sắc và lâu dài hơn. Chuyển đổi số được đẩy nhanh có tiềm năng cung cấp nhiều thông tin hơn, tốc độ cao hơn, minh bạch hơn và dễ dàng cung cấp dịch vụ cho người dân hơn, kể cả ở những nơi xa xôi hẻo lánh nhất. Sự lan tỏa của các công cụ số sẽ làm giảm chi phí giao dịch cho doanh nghiệp, mở ra những cơ hội mới để phát triển và đa dạng hóa thị trường. Để nắm bắt được cơ hội này, Việt Nam cũng cần giảm nhẹ những rủi ro phát sinh do chuyển đổi số, bao gồm mất việc làm của lao động có trình độ thấp do được thay thế bởi ứng dụng công nghệ số, quan ngại về an ninh và bảo mật dữ liệu cá nhân trong khi vẫn tạo thuận lợi cho lưu chuyển dữ liệu. Để tận dụng tối đa chuyển đổi số, Việt Nam sẽ cần điều chỉnh thị trường lao động để đáp ứng nhu cầu mới về lao động có trình độ cao hơn, nâng cấp năng lực đổi mới sáng tạo để tạo thuận lợi cho sự xuất hiện của những doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, và cải thiện khả năng tiếp cận dữ liệu và thông tin để ra quyết định tốt hơn.

Báo cáo Điểm lại kỳ này gồm hai phần. Phần 1 điểm lại những diễn biến gần đây của nền kinh tế Việt Nam, bàn về triển vọng của nền kinh tế trong ngắn hạn và trung hạn, và chỉ ra những rủi ro trong và ngoài nước. Phần 2 xem xét những điều Việt Nam cần thực hiện để hiện thực hóa mục tiêu trở thành một trong những nền kinh tế số tiên tiến nhất trên thế giới mà vẫn khai thác tối đa lợi ích của chuyển đổi số.

Bản mềm Báo cáo được đính kèm dưới đây: