Định hướng hành động EUSSCT: Xây dựng các quy định bắt buộc về thiết kế sinh thái?
Xây dựng và ban hành các quy định bắt buộc về thiết kế sinh thái là định hướng chính sách cơ bản được đề cập đầu tiên trong các chính sách trực tiếp liên quan chuỗi giá trị hàng dệt may của EUSSCT.
- Cơ sở thực tiễn
Việc EUSSCT tập trung vào các quy định bắt buộc về thiết kế sinh thái xuất phát từ các thực tế chủ yếu sau:
- Thứ nhất, kéo dài vòng đời sản phẩm dệt may là giải pháp hiệu quả nhất nhằm giảm ảnh hưởng của dệt may tới khí hậu và môi trường, mà để làm điều này thì thiết kế của sản phẩm đóng vai trò quan trọng nhất. Chất lượng kém, nhanh bạc màu, dễ rách, kéo khóa mau hỏng, đường may tuột… là những lý do chủ yếu khiến người tiêu dùng phải vứt bỏ sản phẩm. Do đó, cần các quy định buộc nhà sản xuất phải bảo đảm chất lượng hàng dệt may tốt hơn, khuyến khích các mô hình kinh doanh tuần hoàn như tái sử dụng, cho thuê và sửa chữa, dịch vụ thu hồi và bán lẻ đồ cũ. Các quy định như vậy không chỉ giúp kéo dài vòng đời sản phẩm mà còn mang lại hiệu quả kinh tế (tiết kiệm hơn) cho người tiêu dùng.
- Thứ hai, thành phần vật liệu dệt may góp phần đáng kể vào các tác động của hàng dệt may tới môi trường. Việc sử dụng phổ biến các loại sợi tổng hợp (ví dụ phối hợp giữa bông và polyester, pha trộn các loại polyester với nhau…) khiến cho việc tái chế các sản phẩm này hầu như không khả thi do thiếu các công nghệ phân loại hàng dệt may thải loại theo từng nhóm sợi tổng hợp, xử lý tách sợi… và nếu có làm được thì chi phí tái chế bị đội lên cao, chất lượng sản phẩm tái chế lại hạn chế, đồng thời quá trình xử lý cũng gây tác động môi trường. Cũng như vậy, việc sử dụng một số loại hóa chất phổ biến cho vải (ví dụ chất elastane thường được thêm vào để tăng các đặc tính của vải) sẽ là tác nhân gây ô nhiễm trong quá trình tái chế. Do đó, cần có các quy định riêng về thành phần vật liệu dệt may cũng như các loại hóa chất có thể sử dụng nhằm tạo ra các loại hàng dệt may thích hợp với các công nghệ tái chế.
- Các định hướng hành động
Liên quan tới vấn đề thiết kế sinh thái, EU đã có một số văn bản có giá trị pháp lý khác nhau về vấn đề này và các biện pháp thực thi EUSSCT sẽ là các bước đi tiếp theo của các văn bản này. Cụ thể:
- Nhóm các Chính sách khuyến khích tự nguyện áp dụng:
Các Chương trình tự nguyện mà EU đang thực hiện (như “Các tiêu chí nhãn sinh thái EU đối với hàng dệt may” - EU Ecolabel criteria for Textile Products; “Các tiêu chí GPP EU đối với hàng hóa và dịch vụ dệt may” - EU GPP criteria for textiles products and services…) có một số tiêu chí chi tiết về chất lượng sản phẩm, độ bền, các loại hóa chất bị cấm, về nguồn cung bền vững của sợi…
Theo EUSSCT, Ủy ban châu Âu sẽ làm việc với các đại diện của ngành dệt may EU trong khuôn khổ các thảo luận về dấu chân môi trường của các sản phẩm dệt may và da giày xung quanh các tiêu chí này. Theo hướng này, rất có thể một số trong các tiêu chí tự nguyện về chất lượng sản phẩm, độ bền… sẽ được phát triển thành quy định bắt buộc sau các thảo luận này.
- Nhóm các Văn bản pháp lý đang/sắp có hiệu lực bắt buộc áp dụng:
+ “Quy chế về Thiết kế sinh thái cho Sản phẩm bền vững” (Ecodesign for Sustainable Products Regulation)
Dự thảo Quy chế này do Ủy ban châu Âu đưa ra và đang được các cơ quan có thẩm quyền EU xem xét để thông qua. Quy chế bao gồm khung khổ chung về thiết kế sinh thái cho một số nhóm sản phẩm, bao gồm cả hàng dệt may.
Theo EUSSCT, trên cơ sở Quy chế này, Ủy ban châu Âu sẽ xây dựng các yêu cầu bắt buộc về thiết kế sinh thái riêng cho hàng dệt may (về độ bền, khả năng tái sử dụng, khả năng tái chế từ sợi tới sợi, các yêu cầu bắt buộc về thành phần sợi…).
+ “Các tiêu chí bắt buộc về Mua sắm công xanh” (Mandatory criteria for green public procurement)
Theo EUSSCT, các tiêu chí này (hiện đang được tham vấn để xác định phạm vi cụ thể) cùng với các yêu cầu đối với các nước thành viên trong ban hành các biện pháp khuyến khích mua sắm công xanh với một số sản phẩm dệt may dự kiến sẽ được Ủy ban Châu Âu công bố (tập trung vào một số sản phẩm có nguy cơ gây ô nhiễm cao, bao gồm cả các sản phẩm dệt may gia dụng, thảm, chăn mền...).
+ Quy định 1907/2006 của EU về Đăng ký, đánh giá, cấp phép và hạn chế Hóa chất (REACH) (đã được EU ban hành và thực thi từ 2006, kèm theo một số văn bản pháp quy hướng dẫn chi tiết)
REACH đã liệt kê khoảng 60 loại hóa chất rủi ro cao sử dụng trong hàng dệt may. Chiến lược hóa chất bền vững (Chemicals Strategy for Sustainability) EU ban hành năm 2020 cũng đã nêu các mục tiêu giảm thiểu hóa chất độc hại trong hàng dệt may. Tiếp theo các hành động này, trong EUSSCT, Ủy ban châu Âu sẽ xây dựng các tiêu chí thiết kế an toàn và bền vững đối với hóa chất và vật liệu, với mục tiêu thay thế các hóa chất độc hại trong các sản phẩm dệt may đưa vào lưu thông trên thị trường EU.
+ EUSSCT cũng dự kiến việc sửa đổi, bổ sung một số văn bản khác có liên quan tới hàng dệt may như Chỉ thị về phát thải công nghiệp (the Industrial Emissions Directive) – nội dung về hàng dệt may, Tài liệu tham khảo về Công nghệ sẵn có tốt nhất cho ngành dệt may (Best Available Techniques Reference Document for the Textiles Industry)…
Trên cơ sở các định hướng chính sách, pháp luật này, các doanh nghiệp dệt may có thể tham khảo các văn bản liên quan để nhận diện một cách sát nhất các định hướng nội dung quan trọng của các quy định về thiết kế sinh thái đối với hàng dệt may mà EU sẽ ban hành trong thời gian tới nhằm thực thi EUSSCT.
Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI