Chiến lược Dệt may Bền vững và Tuần hoàn của EU (EUSSCT) là gì?
Để triển khai mục tiêu trung hòa phát thải khí nhà kính (net zero) vào năm 2050, Liên minh châu Âu (EU) đã công bố Thỏa thuận Xanh EU (European Green Deal) vào cuối năm 2019 với tính chất là một Gói chính sách tổng thể nhằm giảm phát thải khí nhà kính và giảm thiểu việc sử dụng các nguồn lực tự nhiên trong phát triển kinh tế.
Từ đó tới nay, EU liên tục thông qua và triển khai các hành động cụ thể nhằm chi tiết hóa Thỏa thuận Xanh EU trong các lĩnh vực, trong đó có Kế hoạch hành động về Kinh tế tuần hoàn năm 2020 (The 2020 Circular Economy Action Plan) và Chiến lược Công nghiệp EU (bản cập nhật năm 2021). Trong hai văn bản này, dệt may được xác định là một trong các chuỗi giá trị mà EU cần tập trung chuyển đổi khẩn cấp sang các mô hình kinh doanh, sản xuất và tiêu dùng bền vững và tuần hoàn trong bối cảnh tác động bất lợi về môi trường và khí hậu mà ngành này gây ra là rất lớn mà thay đổi lại quá chậm trễ.
Chiến lược Dệt may Bền vững và Tuần hoàn của EU (EUSSCT) là bước đi cụ thể tiếp theo trong tiến trình nói trên. Được Ủy ban châu Âu công bố ngày 30/03/2022, EUSSCT xác định các định hướng chính sách cụ thể để chuyển đổi xanh và phát triển bền vững trong toàn bộ chuỗi giá trị hàng dệt may. Đây là căn cứ quan trọng để các Cơ quan của EU triển khai xây dựng các quy định pháp luật cụ thể hóa các quyền và nghĩa vụ của các chủ thể liên quan trong chuỗi giá trị hàng dệt may. Đồng thời, đây cũng là các cơ sở để các doanh nghiệp dệt may toàn cầu nhận diện được một cách rõ ràng về tương lai chính sách của Khối này, qua đó có thể có sự chuẩn bị một cách phù hợp cho tương lai này.
EUSSCT liệt kê các hành động chính sách và pháp lý mà EU sẽ thực hiện nhằm xử lý và cắt giảm các thiệt hại lớn về môi trường mà nền sản xuất và/hoặc tiêu dùng hàng dệt may ở EU đã và đang gây ra. Hiện các Cơ quan của EU đang đẩy nhanh các nỗ lực chi tiết hóa các nội dung của Chiến lược này thành các quy định cụ thể, áp dụng cho hàng dệt may tiêu thụ ở EU, dù là được sản xuất ở EU hay nhập khẩu từ bên ngoài vào EU.
Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI
Các tài liệu tham khảo được đính kèm dưới đây: