Tại sao EU xây dựng một chính sách xanh riêng cho ngành dệt may?
Theo EU, tiêu dùng hàng dệt may (mà chủ yếu là nhập khẩu từ bên ngoài vào EU) hiện đang là nguồn gây ô nhiễm và phát thải lớn thứ 4 ở EU và là nguồn tiêu dùng nước và đất lớn thứ 3 nếu xét cả vòng đời sản phẩm.
Cùng với trào lưu “thời trang nhanh” (fast fashion), khối lượng hàng dệt may sản xuất ra trên toàn cầu đã tăng gấp đôi chỉ trong vòng 15 năm (2000-2015). Khoảng 5,8 triệu tấn hàng dệt may bị thải bỏ mỗi năm ở EU (trung bình xấp xỉ 11kg/người), và và cứ mỗi giây trên thế giới lại có một xe tải chở hàng dệt may bị chôn lấp hoặc đốt. Cũng bởi vì hàng dệt may nhanh có vòng đời ngắn, đòi hỏi giá thấp, dẫn tới áp lực giảm chi phí sản xuất, thu nhập cũng như điều kiện làm việc của người lao động mà phần đông là phụ nữ (ở các nước đang và kém phát triển gia công hàng dệt may để xuất khẩu sang EU) bị giảm sút nghiêm trọng.
Với các lý do nêu trên, EU cho rằng chuỗi giá trị hàng dệt may (bao gồm cả nguyên liệu, sản xuất, tiêu dùng, xả thải, tái chế…) là tác nhân gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới khí hậu, nguồn nước, tiêu thụ năng lượng và môi trường, đồng thời cũng là nhân tố dẫn tới bất bình đẳng giới và các vấn đề phát triển bền vững khác. Do đó, chuyển đổi xanh và bảo đảm phát triển bền vững trong chuỗi giá trị hàng dệt may cần là một chủ đề tập trung ưu tiên trong triển khai Thỏa thuận Xanh EU.
Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI