Phạm vi tác động của EUSSCT?
Với tính chất là một chính sách nội bộ của EU, về lý thuyết EUSSCT chỉ áp dụng với các chủ thể EU mà không ràng buộc các chủ thể hay hoạt động bên ngoài EU.
Tuy nhiên, do đối tượng của EUSSCT là toàn bộ hàng dệt may được lưu thông, tiêu thụ và xả thải ở EU, các nội dung của Chiến lược này có ảnh hưởng trực tiếp tới tất cả các chuỗi giá trị hàng dệt may ở cả EU và trên thế giới mà có khâu lưu thông, tiêu thụ và xả thải diễn ra trên lãnh thổ EU. Nói cách khác, bất kỳ doanh nghiệp nào bán hoặc xuất khẩu hàng dệt may vào EU đều sẽ chịu tác động của Chiến lược này.
Trên thực tế, đây cũng là phạm vi mục tiêu của EU khi xây dựng EUSSCT bởi phần lớn sản phẩm dệt may của Khối này được nhập khẩu từ bên ngoài vào EU. Việc mua bán, tiêu dùng và xả thải hàng dệt may ở EU có thể là nguyên nhân không chỉ trực tiếp gây ô nhiễm không chỉ trong lãnh thổ EU mà còn gián tiếp thúc đẩy tình trạng ô nhiễm và vi phạm các giá trị xã hội và phát triển bền vững ở các khu vực khác trên thế giới nơi sản xuất hoặc tiêu hủy các sản phẩm dệt may được tiêu dùng ở EU. Do đó, theo EU thì việc xây dựng và triển khai Chiến lược này là nhằm cải thiện tính bền vững và chuyển đổi xanh trong chuỗi giá trị dệt may không chỉ ở EU mà còn cả nhiều chuỗi giá trị dệt may trên toàn cầu.
Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI