Các mục tiêu cơ bản của EUSSCT bao gồm những gì?
Với EUSSCT, EU tự định vị mục tiêu trở thành khu vực tiên phong toàn cầu về chuỗi giá trị dệt may bền vững và tuần hoàn, các giải pháp công nghệ mới và mô hình kinh doanh đổi mới.
Mục tiêu chung mà EU đặt ra thông qua việc thực hiện EUSSCT bao gồm:
- Giảm tác động tới môi trường của toàn bộ chuỗi giá trị hàng dệt may
- Tăng khả năng phục hồi và cạnh tranh của ngành
- Cải thiện điều kiện lao động (theo tiêu chuẩn lao động quốc tế)
- Đảm bảo giá trị của hàng dệt may được giữ lại trong nền kinh tế càng lâu càng tốt, giảm sự phụ thuộc vào nguyên liệu thô
Đồng thời, EUSSCT cũng đặt ra các mục tiêu cụ thể đến năm 2030, trong đó:
- Hàng dệt may bán tại thị trường EU có độ bền cao, có khả năng tái chế và phần lớn được làm từ sợi tái chế, không chứa các chất độc hại và được sản xuất trong mô hình tôn trọng các quyền xã hội và môi trường
- Người tiêu dùng được hưởng lợi lâu hơn từ hàng dệt may chất lượng cao, giá cả phải chăng, có thể tái sử dụng và tiếp cận dễ dàng với các dịch vụ sửa chữa
- Ngành dệt may có tính cạnh tranh, linh hoạt và đổi mới; các nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm về sản phẩm của mình cho toàn bộ vòng đời, kể cả khi chúng trở thành rác thải
- Hệ sinh thái dệt tuần hoàn phát triển mạnh, có đủ công suất để tái chế sợi thành sợi tiên tiến, hạn chế tới mức thấp nhất việc đốt và chôn lấp hàng dệt may.
Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI