Định hướng hành động EUSSCT: Ngăn chặn việc tiêu hủy hàng dệt may không bán được hoặc bị trả về?

  • Căn cứ thực tiễn

Tiêu hủy hàng dệt may không bán được hoặc bán được nhưng bị trả về chiếm một phần đáng kể trong tổng số lượng hàng dệt may sản xuất ra.

Việc tiêu hủy các sản phẩm này, mà trong đó chủ yếu là quần áo, không chỉ gây ra tình trạng lãng phí nguồn lực và tiền bạc, gây ô nhiễm môi trường trong quá trình tiêu hủy mà bản thân số hàng hóa này cũng là tác nhân đóng góp vào tình trạng ô nhiễm môi trường và suy giảm các yếu tố phát triển bền vững ở các nước sản xuất, xuất khẩu.

Do đó, các quy định nhằm ngăn chặn tình trạng dư thừa hàng dệt may và việc tiêu hủy hàng dệt may bị dư thừa này là cần thiết và là một trong các chính sách được định hướng của EUSSCT.

  • Các định hướng hành động

Liên quan tới việc xây dựng các quy định nhằm ngăn chặn việc tiêu hủy hàng hóa không bán được hoặc bị trả về, trong “Quy chế về Thiết kế sinh thái cho Sản phẩm bền vững” (Ecodesign for Sustainable Products Regulation) Ủy ban châu Âu đã đề xuất nghĩa vụ minh bạch thông tin, trong đó yêu cầu các công ty lớn phải công khai về số lượng hàng hóa mà họ đã bỏ đi và tiêu hủy, trong đó có hàng dệt may.

Theo EUSSCT, sau khi Quy chế nói trên được thông qua, trên cơ sở tham vấn kỹ càng, Ủy ban châu Âu sẽ xây dựng các quy định cấm tiêu hủy hàng hóa không bán được, bao gồm (trong phạm vi thích hợp) cả hàng dệt may không bán được hoặc bị trả lại.

Ngoài ra, Ủy ban châu Âu cũng sẽ cân nhắc các chính sách nhằm thúc đẩy việc sử dụng các công nghệ số chính xác (digital precision technologies) để giảm tỷ lệ hoàn trả cao quần áo mua trực tuyến, khuyến khích việc sản xuất hàng dệt may theo đơn yêu cầu, tăng hiệu suất của ngành và giảm dấu chân carbon của thương mại điện tử.

Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI