Định hướng hành động EUSSCT: Xử lý ô nhiễm vi nhựa?

  • Cơ sở thực tiễn

Ô nhiễm hạt vi nhựa (microplastics pollution) đang đe dọa toàn bộ hệ sinh thái tự nhiên, bao gồm cả môi trường biển. Một trong những nguồn gây ô nhiễm hạt vi nhựa chính là hàng dệt may sử dụng sợi tổng hợp. Theo tính toán thì khoảng 50% sợi sử dụng trong sản xuất hàng may mặc là sợi tổng hợp, và lượng vi nhựa thải ra trong 5-10 lần giặt đầu tiên của các hàng may mặc từ sợi tổng hợp này tạo ra tỷ lệ ô nhiễm vi nhựa từ hàng may mặc cao nhất.

Do đó, việc đặt ra các quy định nhằm giảm tỷ lệ sử dụng sợi tổng hợp trong đặc biệt là hàng may mặc, là bước đi quan trọng cần thiết để giảm lượng vi nhựa vô ý thải ra môi trường từ hàng dệt may.

  • Các định hướng hành động

Theo EUSSCT, Ủy ban châu Âu sẽ có các chính sách can thiệp vào các giai đoạn có thể mà sợi có thể giải phóng vi nhựa ra môi trường thông qua việc:

- Xây dựng các quy định bắt buộc về thiết kế sinh thái trong Quy chế về thiết kế sinh thái vì sản phẩm bền vững (the Ecodesign for Sustainable Products Regulation) và Sáng kiến của Ủy ban châu Âu nhằm xử lý tình trạng xả thải vô ý hạt vi nhựa ra môi trường (Commission initiative to address the unintentional release of microplastics in the environment);

- Nghiên cứu xây dựng các biện pháp nhằm khuyến khích/thúc đẩy các giải pháp giảm ô nhiễm vi nhựa trong vòng đời hàng dệt may, bao gồm (i) thúc đẩy việc sản xuất, dán nhãn, quảng bá các vật liệu mới thân thiện với môi trường; (ii) phát triển các bộ lọc máy giặt (cho phép cắt giảm tới 80% lượng xả thải ra môi trường); (iii) phát triển các chất giặt tẩy nhẹ, xây dựng các hướng dẫn chăm sóc và giặt hàng may mặc để giảm phát thải; (iv) phát triển các biện pháp xử lý sản phẩm dệt may xả thải, các quy chế cải thiện hệ thống xử lý nước thải và bùn thải.

- Tiếp tục các hoạt động tiêu chuẩn hóa các phương pháp thử nghiệm để đo lượng vi nhựa thoát ra từ quá trình giặt vải dệt tổng hợp, chuẩn hóa năng lực công nghệ và kỹ thuật của ngành dệt may.

Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI