Định hướng hành động EUSSCT: Xây dựng các yêu cầu về công khai thông tin và Hộ chiếu số cho sản phẩm?

  • Căn cứ thực tiễn

Có cầu mới có cung. Sự giám sát và lựa chọn từ góc độ các chủ thể trong chuỗi giá trị là một cách thức hiệu quả nhằm thúc đẩy chuyển đổi xanh và phát triển bền vững hàng dệt may.

Các biện pháp giảm thiểu tác động bất lợi từ hàng dệt may không thân thiện với môi trường từ góc độ này được đánh giá là cần thiết bởi các thông tin rõ ràng, được kết cấu hợp lý và có thể tiếp cận thuận lợi về tính bền vững của sản phẩm sẽ hỗ trợ:

- Doanh nghiệp và người tiêu dùng đưa ra các lựa chọn kinh doanh và tiêu dùng tốt hơn

- Tăng cường thông tin giữa các chủ thể trong chuỗi giá trị (bao gồm cả người sản xuất và người tái chế).

Nói cách khác, các thông tin về tính xanh, tính bền vững của hàng dệt may sẽ giúp tăng tính minh bạch, hình ảnh và độ tin cậy của doanh nghiệp cũng như sản phẩm dệt may của họ.

  • Các định hướng hành động

Để thực hiện mục tiêu gia tăng minh bạch thông tin về tính bền vững của sản phẩm dệt may, EUSSCT dự kiến các hành động sau đây:

- Như đã dự kiến tại Quy chế Thiết kế sinh thái vì sản phẩm bền vững, Ủy ban châu Âu sẽ xây dựng “Hộ chiếu số cho sản phẩm dệt may” (Digital Product Passport for textiles) trên cơ sở các yêu cầu thông tin bắt buộc về tính tuần hoàn và các khía cạnh môi trường quan trọng của sản phẩm.

- Ủy ban châu Âu sẽ tiến hành rà soát cập nhật Quy chế về ghi nhãn hàng dệt may (Textile Labelling Regulation) - yêu cầu hàng dệt may bán trên thị trường EU phải có nhãn nêu rõ thành phần sợi và các nguyên liệu có nguồn gốc từ động vật trong sản phẩm và xem xét. Cũng trong khuôn khổ rà soát này, trên cơ sở tham vấn kỹ lưỡng, Ủy ban châu Âu sẽ bổ sung quy định về công khai bắt buộc (mandatory disclosure) các thông tin khác như các vấn đề về tính bền vững, khả năng tái chế, quy mô sản phẩm và địa điểm nơi diễn ra quá trình sản xuất.

- Ủy ban châu Âu sẽ nghiên cứu khả năng xây dựng quy định về nhãn số cho hàng hóa (digital label).

Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI