Định hướng hành động EUSSCT: Thúc đẩy thông tin đúng sự thật về tính xanh của sản phẩm?
- Căn cứ thực tiễn
Lựa chọn của người tiêu dùng EU trong nhiều trường hợp được thực hiện dựa trên các thông tin về tính xanh, bền vững của sản phẩm. Tuy nhiên, có một thực tế là các thông tin về tính bền vững của các sản phẩm nhiều trường hợp không đáng tin cậy dẫn tới các hệ quả bất lợi cho xu hướng chuyển đổi xanh, đặc biệt là:
- Có một tỷ lệ nhất định người tiêu dùng xanh đang e ngại mua các sản phẩm xanh do thông tin không đáng tin cậy (theo EU thì có tới 39% các tuyên bố về tính bền vững của sản phẩm dệt may, giầy dép là giả mạo hoặc lừa dối);
- Người tiêu dùng xanh lựa chọn mua các sản phẩm ít bền vững hơn là họ tưởng, (các thông tin về tính xanh của sản phẩm thực tế là về các khía cạnh hầu như không mang lại lợi ích nào đáng kể cho môi trường).
- Các định hướng hành động
Để khắc phục tình trạng nói trên, qua đó nâng cao hiệu quả tác động tới chuyển đổi xanh của ngành dệt may từ góc độ tiêu dùng, EUSSCT dự kiến các hành động chủ yếu của Ủy ban châu Âu về vấn đề này, gồm:
- Sửa đổi Chỉ thị về Gian lận thương mại (the Unfair Commercial Practices Directive) và Chỉ thị về Quyền của Người tiêu dùng (the Consumer Rights Directive 2011/83/EU) theo hướng:
+ Bổ sung thêm các yêu cầu mới liên quan đến hàng dệt may để bảo đảm rằng người tiêu dùng được cung cấp thông tin về bảo hành về độ bền sản phẩm (commercial guarantee of durability) và thông tin về khả năng sửa chữa (reparability score) tại điểm bán hàng;a
+ Bổ sung yêu cầu (i) các tuyên bố về đặc tính xanh của sản phẩm (ví dụ các tuyên bố “Xanh”(green), “Thân thiện với môi trường” (Eco-friendly), “Tốt cho môi trường” (climate neutral by 2030) phải dựa trên các căn cứ pháp lý cụ thể; (ii) các nhãn bền vững (sustainability labels) phải được xác nhận bởi một bên thứ ba hoặc được Cơ quan Nhà nước công nhận;
+ Quy định các điều kiện cụ thể để có thể đưa ra các tuyên bố tương lai về môi trường (ví dụ tuyên bố “trung hòa khí hậu vào năm 2030”).
- Tiếp tục nghiên cứu soạn thảo các tiêu chí tối thiểu cho tất cả các loại tuyên bố về môi trường của sản phẩm trong khuôn khổ Sáng kiến về các Tuyên bố Xanh (Green Claims Initiative) trên cơ sở sử dụng các phương pháp xác định dấu chân môi trường (Environmental Footprint methods);
- Rà soát để sửa đổi Các tiêu chí nhãn môi trường đối với dệt may và giầy dép (the EU Ecolabel criteria for textiles and footwear) qua đó thúc đẩy việc tự nguyện sử dụng các tiêu chí này trong các doanh nghiệp, biến các nhãn sinh thái này thành công cụ tin cậy và dễ sử dụng để đánh giá tính xanh/bền vững của các sản phẩm;
- Tập trung các nỗ lực nhằm thúc đẩy tính tin cậy và chính xác của các tuyên bố xanh về sản phẩm dệt may “sử dụng nguyên liệu nhựa polymer có thể tái chế” (using recycled plastic polymers) trong các văn bản liên quan như Sáng kiến về các Tuyên bố Xanh, Các tiêu chí nhãn môi trường đối với dệt may và giầy dép hay các Yêu cầu về thiết kế sinh thái đối với các sản phẩm cụ thể…
Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI