Định hướng hành động EUSSCT: Mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất và thúc đẩy tái sử dụng, tái chế rác thải hàng dệt may?

  • Căn cứ thực tiễn

Theo tính toán, lượng hàng dệt may xả thải có thể giảm đáng kể (qua đó giảm tác động tới môi trường) nếu được tái sử dụng hoặc tái chế. Trên thực tế, hiện đã có khoảng 38% hàng dệt may xả thải trên thị trường EU đã được thu gom và tái chế hoặc bán lại ở các thị trường khác, tuy nhiên 62% còn lại là bị loại bỏ.

Do đó, EUSSCT xác định rằng cần nâng cao hơn nữa tỷ lệ hàng dệt may bỏ đi được tái chế hoặc tái sử dụng thông qua các hành động nhằm buộc các nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm về việc xả thải mà sản phẩm của mình (trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất – EPR).

Trên thực tế, EPR đã được chứng minh là có hiệu quả trong việc:

- Cải thiện việc thu gom rác thải riêng biệt và quản lý phù hợp với hệ thống phân cấp chất thải;

- Khuyến khích thiết kế sản phẩm theo hướng thúc đẩy tính tuần hoàn trong toàn bộ vòng đời sản phẩm (bao gồm cả phân đoạn cuối cùng).

  • Các định hướng hành động

Liên quan tới các hành động nhằm thúc đẩy trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, EUSSCT dự kiến một số định hướng sau của Ủy ban châu Âu:

- Sửa đổi Chỉ thị khung về Rác thải (Waste Framework Directive) theo hướng (i) Kết hợp các quy định về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất của EU trong lĩnh vực dệt may với quy định về các loại phí mô hình sinh thái (eco-modulation of fees); (ii) Bổ sung quy định về chia sẻ đóng góp theo các chương trình EPR hiện hành cho các biện pháp ngăn chặn xả thải và thúc đẩy tái sử dụng sản phẩm; (iii) Yêu cầu phân loại hàng dệt may xả thải từ các hộ gia đình dành riêng cho mục đích tái sử dụng;

- Nghiên cứu để đề xuất các mục tiêu bắt buộc về tỷ lệ tái sử dụng, tái chế hàng dệt may để đưa vào một văn bản của EU về rác thải.

Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI