Thách thức từ RCEP đối với xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản

•    Áp lực cạnh tranh với các quốc gia khác trong RCEP gia tăng

Bên cạnh những cơ hội được kỳ vọng, RCEP cũng tiềm ẩn những thách thức nhất định đối với Việt Nam, nhất là từ góc độ sức ép cạnh tranh trên thị trường Nhật Bản. Bởi lẽ, RCEP mở ra cơ hội tiếp cận thị trường Nhật Bản với thuế quan ưu đãi/quy tắc xuất xứ cho tất cả các nước thành viên, chứ không riêng gì Việt Nam. Như vậy có nghĩa là, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tại thị trường Nhật Bản sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh khắc nghiệt hơn từ nhiều đối thủ trong khu vực RCEP, nhất là các nước có cơ cấu sản phẩm xuất khẩu gần như tương đồng và cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam.

Đặc biệt, trước RCEP, Nhật Bản chưa có FTA nào với Trung Quốc, do đó hàng Việt Nam có lợi thế nhất định so với hàng Trung Quốc khi tiếp cận thị trường này. Với RCEP, hàng Trung Quốc cũng sẽ được hưởng ưu đãi thuế quan RCEP tương tự hàng Việt Nam, khiến các lợi thế về thuế quan của hàng Việt Nam trước hàng Trung Quốc bị giảm sút đáng kể, áp lực cạnh tranh vì vậy cũng phức tạp hơn rất nhiều, nhất là trong bối cảnh kể cả khi chưa có RCEP, hàng hóa Trung Quốc đã chiếm thị phần nhập khẩu lớn nhất vào thị trường này. 

•    Các thách thức thường xuyên khác

Bên cạnh các thách thức gắn liền với RCEP, việc xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Nhật Bản còn phải đối mặt với nhiều thách thức thường xuyên khác, đặc biệt là các biện pháp phi thuế quan (Non-Tariff Measure – NTM).

“Biện pháp phi thuế quan” là các biện pháp ngoài thuế quan mà các nước áp dụng đối với hàng hóa lưu chuyển qua biên giới nhằm các mục tiêu quản lý hợp pháp của mỗi nước (bảo vệ sức khỏe, tính mạng con người, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường….). Là thị trường có quan điểm chặt, Nhật Bản duy trì nhiều biện pháp NTM rất nghiêm khắc, đặc biệt là các hàng rào kỹ thuật và tiêu chuẩn vệ sinh an toàn động thực vật.

Trên thực tế, các biện pháp NTM của Nhật Bản áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu nói chung (không riêng hàng hóa từ Việt Nam) vốn không liên quan tới RCEP. Tuy nhiên, việc phải loại bỏ thuế quan theo cam kết và quy tắc xuất xứ thuận lợi hơn có thể là gián tiếp thúc đẩy việc gia tăng kiểm soát thông qua các biện pháp NTM, khiến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam phải đối với nhiều yêu cầu, đòi hỏi khắt khe hơn từ thị trường này.

Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI