Cam kết về thuế quan của Nhật Bản cho hàng hóa nhập khẩu theo RCEP

Trong Văn kiện RCEP, cam kết về thuế quan của Nhật Bản được quy định tại Chương 2 – Thương mại hàng hóa và Phụ lục I – Phần Biểu cam kết thuế quan mà Nhật Bản dành cho các nước RCEP. Cụ thể:

-    Chương 2 – Thương mại hàng hóa: Bao gồm các nguyên tắc đối xử cụ thể đối với hàng hóa trao đổi trong khu vực RCEP, trong đó quan trọng nhất là các cam kết thuế nhập khẩu (nguyên tắc cắt giảm, nghĩa vụ đối xử quốc gia…) và các cam kết về biện pháp phi thuế quan (thuế - phí nội địa, các biện pháp hạn chế xuất nhập khẩu, cấp phép nhập khẩu…);

-    Phụ lục I – Phần cam kết thuế quan mà Nhật Bản dành cho các nước RCEP: Bao gồm 01 Biểu cam kết thuế quan mà Nhật Bản áp dụng chung cho tất cả các nước thành viên RCEP đối với hầu hết các dòng thuế, ngoại trừ 100 dòng có thuế quan khác biệt (tức Nhật Bản cam kết cắt giảm thuế quan khác nhau cho các nước thành viên RCEP đối với 100 dòng thuế này). 

Các dòng thuế áp dụng thuế quan khác biệt này được quy định chi tiết tại Tiểu phụ lục trong Phụ lục I Văn kiện RCEP của Nhật Bản. Danh sách hàng hóa thuộc diện có cam kết ưu đãi thuế quan khác biệt phải tuân thủ “quy tắc xuất xứ bổ sung” và lộ trình áp dụng “quy tắc xuất xứ bổ sung” tương ứng.

Nguyên tắc xác định mức thuế ưu đãi

Khi hàng hóa RCEP nhập khẩu vào Nhật Bản, mức thuế quan ưu đãi áp dụng cho một lô hàng cụ thể nhập khẩu sẽ được xác định như sau:

(i)    Đối với hàng hóa thuộc Tiểu phụ lục trong Phụ lục I của Nhật Bản

Tùy vào khả năng đáp ứng các điều kiện cụ thể về quy tắc xuất xứ (QTXX) bổ sung của hàng hóa, mức thuế quan ưu đãi đối với hàng hóa nhập khẩu sẽ được xác định theo:

-    Mức thuế ưu đãi mà Nhật Bản dành cho nước xuất khẩu trong RCEP, hoặc

-    Mức thuế ưu đãi mà Nhật Bản dành cho nước RCEP có tỷ lệ đóng góp lớn nhất trong giá trị nguyên liệu có xuất xứ của hàng hóa.

Với cả hai trường hợp trên, nhà xuất khẩu đều phải có đủ chứng từ chứng minh hàng hóa của mình đáp ứng đầy đủ điều kiện cụ thể về xuất xứ để được hưởng ưu đãi thuế quan theo trường hợp tương ứng.

(ii)    Đối với hàng hóa không thuộc Tiểu phụ lục trong Phụ lục I của Nhật Bản

Mức thuế quan ưu đãi cho hàng hóa xác định theo Biểu thuế cam kết thuế quan mà Nhật Bản dành cho nước xuất khẩu trong RCEP (xác định theo QTXX hàng hóa chung trong RCEP)

Đối với cả hai trường hợp (i) và (ii) ở trên, nhà nhập khẩu Nhật Bản nếu không có đầy đủ các chứng từ chứng minh để hưởng ưu đãi thuế quan theo quy định của từng trường hợp thì vẫn có thể yêu cầu được áp dụng thuế quan ưu đãi RCEP cho hàng hóa có xuất xứ theo một trong hai mức sau:

-    Mức thuế cao nhất trong số các mức thuế quan mà Nhật Bản áp dụng đối với các nước xuất khẩu RCEP có đóng góp nguyên liệu có xuất xứ được sử dụng để sản xuất ra hàng hóa đó (nhà nhập khẩu Nhật Bản phải chứng minh về các nguồn đóng góp nguyên liệu này); hoặc

-    Mức thuế quan cao nhất trong số các mức thuế quan ưu đãi đối với hàng hóa đó mà Nhật Bản dành cho các nước thành viên RCEP. 

Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI

Biểu thuế quan của Nhật Bản theo RCEP được đính kèm dưới đây: