Cơ hội từ RCEP cho xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản
• Lợi thế về hài hòa quy tắc xuất xứ, tăng thêm lựa chọn về thuế quan ưu đãi khi xuất khẩu sang Nhật Bản
Trong so sánh với FTA đã có giữa Việt Nam và Nhật Bản (VJEPA, AJCEP hay CPTPP), với số lượng thành viên lớn, RCEP mang lại lợi thế về hài hòa quy tắc xuất xứ - điều kiện để gia tăng khả năng hưởng ưu đãi thuế quan cho hàng hóa xuất khẩu sang Nhật Bản. Cụ thể, RCEP cho phép cộng gộp các nguyên liệu có xuất xứ nội khối từ tất cả 15 nước thành viên RCEP, nhờ đó hàng hóa của doanh nghiệp có thể đáp ứng quy tắc xuất xứ để tận dụng được ưu đãi thuế quan theo Hiệp định dễ dàng hơn.
Trên thực tế, hầu hết các nước thành viên RCEP (Trung Quốc, Hàn Quốc, các nước ASEAN) đều là những nguồn cung nguyên phụ liệu chủ yếu của Việt Nam, do vậy khả năng hàng hóa xuất khẩu Việt Nam đáp ứng được quy tắc xuất xứ RCEP cao hơn, tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan trong RCEP khi xuất khẩu sang Nhật Bản qua đó cũng được kỳ vọng sẽ tốt hơn so với các FTA đã có giữa Việt Nam và nước này.
RCEP không loại trừ mà có hiệu lực song song với VJEPA, AJCEP và CPTPP, điều này giúp doanh nghiệp Việt Nam có thêm sự lựa chọn về thuế quan ưu đãi/quy tắc xuất xứ theo hướng có lợi cho doanh nghiệp. Ví dụ, thuế quan ưu đãi theo VJEPA thấp hơn RCEP nhưng không đáp ứng quy tắc xuất xứ theo VJEPA, thì doanh nghiệp có thể lựa chọn quy tắc xuất xứ và hưởng ưu đãi thuế quan theo Hiệp định RCEP.
• Cơ hội từ việc tiết giảm các rào cản phi thuế quan
Hiệp định RCEP có nhiều cam kết về đơn giản hóa thủ tục hải quan và thuận lợi hóa thương mại, tạo điều kiện thuận lợi cho việc công nhận tương đương các biện pháp SPS, khuyến khích công nhận kết quả đánh giá sự phù hợp về TBT… Các cam kết này giúp hạn chế các rào cản thương mại không cần thiết đối giữa Việt Nam với Nhật Bản, từ đó giúp cho hàng hóa Việt Nam tiếp cận thị trường Nhật Bản dễ dàng hơn.
• Cơ hội cắt giảm chi phi, cải thiện năng lực cạnh tranh
Nhờ lợi thế về hài hòa quy tắc xuất xứ nội khối, Việt Nam có thể nhập khẩu nguyên phụ liệu – những mặt hàng Việt Nam không có lợi thế cạnh tranh, từ các nước thành viên RCEP với giá thành tốt hơn, nhờ đó thành phẩm sản xuất ra sẽ có khả năng cạnh tranh cao hơn về giá tại thị trường Nhật Bản.
Bên cạnh đó, RCEP cũng bao gồm khá nhiều cam kết trong các lĩnh vực dịch vụ, thể chế có thể giúp các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, chẳng hạn:
- Các cam kết kết mở cửa thị trường dịch vụ phục vụ sản xuất như tài chính, viễn thông, logistics… sẽ giúp cạnh tranh trong lĩnh vực này tốt hơn, qua đó tạo điều kiện để doanh nghiệp sản xuất tiếp cận các dịch vụ này với chất lượng tốt hơn, chi phí hợp lý hơn, từ đó giảm chi phí dịch vụ trong giá thành sản phẩm.
- Các cam kết thúc đẩy môi trường cạnh tranh, các phương thức thương mại hiện đại, hỗ trợ doanh nghiệp (cạnh tranh, thương mại điện tử, doanh nghiệp nhỏ và vừa…) tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ cải thiện năng lực cạnh tranh, tiếp cận tốt hơn với khách hàng.
Ngoài ra, có thể thấy, xuyên suốt RCEP là các cam kết nhằm hướng tới tự do hóa, không phân biệt đối xử, minh bạch và thuận lợi hóa thương mại và đầu tư giữa các nước thành viên. Những cam kết này giúp cho môi trường kinh doanh và môi trường pháp lý của Việt Nam ngày càng thuận lợi hơn, cắt giảm chi phí, thời gian cho doanh nghiệp, nhờ vậy mà các hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu cũng trở nên thuận lợi và dễ dàng hơn.
Thêm vào đó, trong một chừng mực nhất định, doanh nghiệp Việt Nam có lợi thế so với doanh nghiệp ở nhiều nước RCEP khác là không phải bỏ thêm các chi phí tuân thủ những cam kết tiêu chuẩn cao theo RCEP. Điều này xuất phát từ thực tế là Việt Nam đã đáp ứng các quy tắc khắt khe hơn khi thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới khác với tiêu chuẩn bằng hoặc thậm chí cao hơn RCEP, như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), trong khi các nước RCEP khác (một số nước thành viên ASEAN) sẽ chịu thêm áp lực gia tăng chi phí để tuân thủ các chuẩn mực cao hơn khi kinh doanh với thị trường Nhật Bản. Do vậy, hàng hóa Việt Nam được cho là sẽ có lợi thế cạnh tranh nhất định so với một số quốc gia thành viên RCEP ở khía cạnh này.
Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI