Làm thế nào để tận dụng RCEP tăng cường xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Nhật Bản?

•    Giải pháp tận dụng cơ hội từ các cam kết cụ thể của RCEP

Các cam kết về mở cửa thị trường trong RCEP tạo ra rất nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Do đó, doanh nghiệp cần tìm hiểu các nội dung liên quan của RCEP để có thể tận dụng được tối đa các lợi ích từ Hiệp định:

-    Tìm hiểu cam kết thuế quan mà Nhật Bản dành cho các nước RCEP, trong đó có Việt Nam tại Biểu cam kết thuế quan của Nhật Bản tại Phụ lục I của Hiệp định RCEP.

Tuy nhiên cần lưu ý rằng, mức cam kết ưu đãi thuế quan của Nhật Bản trong Biểu cam kết tại RCEP là mức mở cửa tối thiểu. Trên thực tế, Nhật Bản có thể mở cửa (giảm hoặc loại bỏ thuế quan) sớm hơn lộ trình đã cam kết. Do đó, để biết chính xác mức thuế quan ưu đãi mà Nhật Bản áp dụng đối với từng mặt hàng của Việt Nam thì doanh nghiệp cần kiểm tra thuế quan ưu đãi theo RCEP mà Nhật Bản áp dụng cho Việt Nam hàng năm. 

Ngoài ra, cần chú ý rằng Nhật Bản có cam kết thuế khác biệt (không áp dụng mức ưu đãi thuế chung cho tất cả các nước RCEP mà cam kết mức ưu đãi thuế riêng tùy theo đối tác RCEP cụ thể) đối với một số loại hàng hóa căn cứ vào đặc điểm xuất xứ cụ thể của hàng hóa (bên cạnh quy tắc xuất xứ mặt hàng chung). Do đó, tùy thuộc mức độ đáp ứng quy tắc xuất xứ bổ sung của lô hàng mà mức thuế quan ưu đãi theo RCEP mà doanh nghiệp xuất khẩu hàng sang Nhật Bản có thể được hưởng là khác nhau.

Doanh nghiệp có thể tra cứu thuế quan tại các nguồn sau:

+ Trang web của Hải quan Nhật Bản: https://www.customs.go.jp/english/index.htm 

+ Bản đồ Tiếp cận thị trường (Macmap) của Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC): https://www.macmap.org/ 

+ Công cụ Phân tích Thuế quan trực tiếp (TAO) của WTO: https://tao.wto.org/ 

-    Tìm hiểu quy tắc xuất xứ và thủ tục chứng nhận xuất xứ để được hưởng ưu đãi thuế quan RCEP trong Chương 3 - Quy tắc xuất xứ của Hiệp định. Việt Nam cũng đã nội luật hóa quy định về

Quy tắc xuất xứ của RCEP trong Thông tư số 05/2022/TT-BCT ngày 18/02/2022 quy định Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong RCEP. Doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ Thông tin này và các văn bản hướng dẫn liên quan để đáp ứng đầy đủ các quy tắc xuất xứ và thủ tục chứng nhận xuất xứ để được hưởng ưu đãi thuế quan RCEP khi xuất khẩu sang Nhật Bản. 

Bên cạnh đó, doanh nghiệp có thể cần chú ý thêm các quy tắc xuất xứ bổ sung để xác định nước xuất xứ trong trường hợp hàng hóa thuộc diện Nhật Bản có cam kết thuế quan khác biệt. 

-    Tìm hiểu các vấn đề liên quan khác như Thủ tục Hải quan và Thuận lợi hóa thương mại (Chương 4), Các biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (Chương 5), Tiêu chuẩn,

Quy chuẩn kỹ thuật và Quy trình đánh giá sự phù hợp (Chương 6), Phòng vệ thương mại (Chương 7)… để vừa đảm bảo tuân thủ các quy định của RCEP, vừa tận dụng quyền và bảo vệ lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp.

•    Giải pháp về kỹ thuật và thị trường

Để xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản, các sản phẩm của Việt Nam phải đối mặt với nhiều vấn đề khác mà RCEP hầu như không can thiệp hay làm thay đổi, đặc biệt là:

-    Các yêu cầu, quy định nhập khẩu của Nhật Bản như tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, các quy định về dán nhãn, ghi nhãn hàng hóa…;

-    Nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng Nhật Bản;

-    Xu hướng tiêu dùng và các kênh nhập khẩu, phân phối hàng hóa của Nhật Bản.

Vì vậy, để có thể tiếp cận thị trường Nhật Bản, doanh nghiệp Việt Nam cần chú ý:

-    Tìm hiểu chi tiết, cập nhật thường xuyên và đảm bảo tuân thủ đầy đủ các quy định và thủ tục nhập khẩu của Nhật Bản;

-    Nghiên cứu kỹ thị trường Nhật Bản (đặc biệt là thị trường ngách), tìm hiểu chi tiết về thị hiếu và nhu cầu của người tiêu dùng nước này, từ đó nghiên cứu cải thiện mẫu mã, chất lượng sản phẩm để phù hợp với nhu cầu thị trường.

-    Nghiên cứu cách thức xây dựng và quảng bá thương hiệu cho các sản phẩm Việt Nam tại thị trường Nhật Bản;

-    Tìm hiểu các cơ chế, cách thức tiếp cận các kênh/nhà phân phối hàng hóa tại Nhật Bản, đặc biệt là các kênh thương mại điện tử đang ngày càng phổ biến và trở thành xu hướng mua sắm chủ đạo của người tiêu dùng Nhật Bản.

•    Giải pháp về nâng cao năng lực cạnh tranh

Tăng cường năng lực cạnh tranh là giải pháp bền vững để các sản phẩm của Việt Nam có thể phát triển ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu. Để làm được việc này, các doanh nghiệp cần đặc biệt chú ý một số giải pháp sau:

-    Đầu tư cho cải tiến kỹ thuật, tăng hàm lượng công nghệ, tính “xanh” trong sản xuất và chế biến sản phẩm (thông qua liên doanh, liên kết với các nhà nghiên cứu, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài; nâng cấp, mua lại các quy trình và công nghệ sản xuất hiện đại…);

-    Đầu tư vào nguồn nhân lực: có kế hoạch đào tạo lao động bài bản, bồi dưỡng năng lực cho cán bộ chủ chốt, kỹ sư công nghệ và các chuyên viên nghiên cứu thị trường;

-    Nghiên cứu để nâng cao chất lượng, mẫu mã… của sản phẩm nhằm phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng Nhật Bản;

-    Chú trọng vào việc xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm tới các nhà nhập khẩu, người tiêu dùng Nhật Bản thông qua các hình thức khác nhau (thông qua các hội trợ, triển lãm, quảng cáo qua mạng xã hội…), đồng thời tập trung nhiều hơn vào các chính sách bảo hành và hậu mãi… để thu hút người tiêu dùng Nhật Bản.

Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI