Quy trình và thủ tục nhập khẩu hàng hóa vào Trung Quốc
Dưới đây là phẩn tổng hợp các bước nhập khẩu hàng hóa vào thị trường Trung Quốc:
Bước 1: Xác định diện nhập khẩu của hàng hóa
Không phải mọi loại hàng hóa đều được phép nhập khẩu vào Trung Quốc và không phải tất cả hàng hóa nhập khẩu đều được áp dụng cùng một cơ chế nhập khẩu. Tương tự như Việt Nam và các quốc gia khác trên thế giới, Trung Quốc cũng đặt ra các quy định về cấm nhập khẩu, hạn chế nhập khẩu hoặc kiểm soát đặc thì đối với một số hàng hóa nhất định. Do vậy, trước khi nhập khẩu hàng hóa vào thị trường Trung Quốc, nhà nhập khẩu cần xem xét kỹ lưỡng hàng hóa có thuộc một trong các diện dưới đây hay không:
(1) Hàng hóa bị cấm nhập khẩu
Một số hàng hóa không được phép nhập khẩu vào Trung Quốc nhằm mục đích bảo vệ an ninh quốc gia, bảo vệ tính mạng, sức khỏe con người, động thực vật và bảo vệ môi trường… Danh mục hàng hóa bị cấm nhập khẩu vào Trung Quốc bao gồm:
- Vũ khí, đạn dược, chất nổ các loại.
- Tiền xu, tiền giấy, tiền giấy, chứng khoán thuộc bất kỳ loại nào phải trả cho người cầm giữ, séc du lịch, tiền giả và chứng khoán giả có thể chuyển nhượng.
- Ấn phẩm, phim, ảnh, máy hát, phim điện ảnh, băng ghi âm, băng video, đĩa compact (video và âm thanh), phương tiện lưu trữ máy tính và các vật phẩm khác gây phương hại đến lợi ích chính trị, kinh tế, văn hóa, đạo đức
- Các loại chất độc chết người.
- Thuốc phiện, morphin, heroin, cần sa và các loại thuốc gây nghiện, chất gây ảo giác khác.
- Động vật, thực vật và sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm hoặc mang mầm bệnh, côn trùng gây hại và sinh vật gây hại khác.
- Thực phẩm, thuốc và các vật phẩm khác từ vùng có dịch gây hại cho người, vật nuôi hoặc vật có khả năng lây lan dịch bệnh.
(2) Hàng hóa phải có giấy phép nhập khẩu
Ngoài danh mục cấm, hầu hết các loại hàng hóa được phép nhập khẩu và được cấp phép nhập khẩu tự động vào thị trường Trung Quốc. Số khác thuộc danh mục hàng hóa bị hạn chế nhập khẩu vào nước này và bị kiểm nhập khẩu thông qua giấy phép hay hạn ngạch.
Bộ Thương mại (MOFCOM) và Tổng cục Hải quan (GAC) là 2 cơ quan sẽ công bố Danh mục hàng hóa được cấp phép nhập khẩu tự động và cấp phép nhập khẩu hàng năm, đồng thời công bố Danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu theo từng thời điểm.
Ngày 01/01/2023, MOFCOM và GAC đã ban hành các danh mục (điều chỉnh) hàng hóa được cấp phép tự động và cấp phép nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc
Danh mục hàng hóa được cấp phép nhập khẩu tự động năm 2023 của Trung Quốc bao gồm 45 loại hàng hóa, bao gồm: thực phẩm, sản phẩm cơ khí và điện tử, quặng, sản phẩm hóa chất và sản phẩm y tế… So với danh mục năm 2022, perchloroethylene (PCE) mới được thêm vào danh mục này. Xem Danh mục hàng hóa được cấp phép nhập khẩu tự động 2023 của Trung Quốc tại: http://www.mofcom.gov.cn/article/zcfb/zcblgg/202212/20221203376699.shtml
Danh mục hàng hóa phải xin giấy phép nhập khẩu vào Trung Quốc năm 2023 cũng đã được cập nhật, bao gồm 14 loại hàng hóa nhập khẩu khác nhau nhưu thiết bị hóa chất, máy móc, tàu thủy…. Xem Danh mục hàng hóa phải xin giấy phép nhập khẩu vào Trung Quốc tại: http://www.mofcom.gov.cn/article/zwgk/gkzcfb/202212/20221203376708.shtml |
(3) Hàng hóa thuộc diện bị kiểm soát đặc thù/kiểm tra chuyên ngành
Hàng hóa nhập khẩu vào Trung Quốc tùy từng loại khác nhau có thể bị kiểm soát dưới các hình thức khác nhau, chẳng hạn:
- Các sản phẩm có nguồn gốc từ động, thực vật cần phải được kiểm tra và kiểm dịch động, thực vật khi nhập khẩu vào Trung Quốc
- Các sản phẩm máy móc, thiết bị điện… phải được giám sát, kiểm tra chất lượng trước khi được lưu thông tại thị trường Trung Quốc
Các hàng hóa nhập khẩu này sẽ chịu sự quản lý của Tổng cục Giám sát chất lượng, kiểm tra và kiểm dịch của Trung Quốc (General Administration of Quality Supervision, Inspection and Quarantine – AQSIQ)
Khi nhập khẩu vào Trung Quốc, các hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành sẽ phải đăng ký kiểm tra/kiểm dịch với cơ quan chức năng liên quan để được kiểm tra/kiểm dịch khi cập cảng và phải được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn trước khi lưu hành tại thị trường Trung Quốc.
Bước 2: Phân loại hàng hóa
Xác định phân loại (HS) cho hàng hóa là một bước rất quan trọng để xác định thuế quan áp dụng đối với hàng hóa đó. Cần lưu ý là theo Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO), các nước sẽ áp đặt thống nhất đến 6 số đầu của một mã HS. Tuy nhiên việc áp đặt các số sau đó trong dãy số mã HS thuộc quyền quyết định riêng của mỗi nước, vì thế các số này có thể khác biệt giữa các nước. Trên thực tế, để phục vụ nhu cầu quản lý của riêng mình, các nước thường có xu hướng quy định thêm các số vào 6 số đầu chung theo quy định của WCO.
Từ 01/08/2019, Trung Quốc chuyển đổi từ hệ thống HS 10 số sang áp dụng hệ thống HS chi tiết đến 13 số. Trong đó, 8 số đầu là mã HS hàng hóa “Biểu thuế Xuất nhập khẩu nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa” – được dùng cho mục đích áp thuế quan xuất nhập khẩu, các chữ số 9 và 10 là “số giám sát Hải quan bổ sung”, còn các chữ số 11-13 là số bổ sung cho mục đích kiểm tra, kiểm dịch (CIQ Code).
Trong khi đó, Việt Nam hiện lại đang áp dụng hệ thống HS 8 số theo Hệ thống hài hòa thuế quan của ASEAN (AHTN). Do vậy, khi xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc, doanh nghiệp cần chú ý xác định mã HS phù hợp theo hệ thống HS của Trung Quốc. Doanh nghiệp có thể tham khảo hệ thống HS mới nhất của Trung Quốc theo đường dẫn: https://hs.e-to-china.com/. Trong trường hợp không chắc chắn về việc phân loại hàng hóa của mình, doanh nghiệp có thể liên hệ với Tổng cục Hải quan Trung Quốc để được hỗ trợ các định trước mã HS của hàng hóa, tránh những tranh cãi có thể xảy ra giữa doanh nghiệp Việt Nam và cơ quan quản lý của Trung Quốc khi khai báo nhập khẩu.
Việc xác định chính xác mã số phân loại hàng hóa là rất quan trọng, không chỉ phục vụ mục đích khai báo Hải quan khi nhập khẩu mà còn được đùng dể khai báo trên giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (nếu có) trong hàng hóa muốn được hưởng ưu đãi thuế quan theo các FTA giữa Việt Nam và Trung Quốc (ACFTA hay RCEP).
Bước 3: Xác định các loại thuế phí
Thuế quan nhập khẩu
Sau khi xác định được phân loại hàng hóa theo hệ thống HS của Trung Quốc, nhà nhập khẩu có thể biết được mức thuế quan nhập khẩu áp dụng cho hàng hóa đó. Mức thuế này được tính dựa trên trị giá hải quan của hàng hoá đó, được quy định cụ thể trong Luật Hải quan của Trung Quốc.
Đối với hàng Việt Nam nhập khẩu vào Trung Quốc, có 3 lựa chọn về thuế quan, mỗi lựa chọn tương ứng với một mức thuế và các điều kiện hưởng mức thuế nhất định. Nhà nhập khẩu sẽ căn cứ vào điều kiện cụ thể của hàng hóa để chọn thuế quan phù hợp và có lợi nhất cho mình. Cụ thể:
- Thuế MFN: Đây là mức thuế Trung Quốc áp dụng đối với hàng hóa đến từ các nước thành viên WTO. Mức thuế này do Trung Quốc quyết định nhưng phải bảo đảm tuân thủ mức cam kết trong WTO và không có điều kiện nào kèm theo. Việt Nam là thành viên WTO, do đó hàng hóa của Việt Nam đương nhiên được hưởng mức thuế này mà không cần đáp ứng điều kiện gì.
- Thuế ACFTA: Đây là mức thuế ưu đãi Trung Quốc dành cho hàng hóa từ các thành viên Hiệp định ACFTA, bao gồm các nước ASEAN. Mức thuế ưu đãi do Trung Quốc quyết định nhưng không được thấp hơn mức đã cam kết trong ACFTA. Quy tắc xuất xứ để được hưởng mức thuế ưu đãi phải tuân thủ cam kết thống nhất trong ACFTA về quy tắc xuất xứ.
- Thuế RCEP: Trong RCEP, Trung Quốc có biểu cam kết thuế quan riêng dành cho hàng hóa từ các nước thành viên ASEAN (trong đó có Việt Nam). Mức thuế ưu đãi RCEP thực tế sẽ do Trung Quốc quyết định nhưng không được thấp hơn mức đã cam kết trong RCEP. Để được hưởng mức thuế ưu đãi theo Hiệp định RCEP, hàng hóa phải đảm bảo đáp ứng được quy tắc xuất xứ và có chứng nhận xuất xứ theo thủ tục cấp giấy chứng nhận xuất xứ của Hiệp định.
Doanh nghiệp có thể tra cứu các mức thuế quan khi nhập khẩu vào Trung Quốc đối với sản phẩm cụ thể theo đường dẫn: https://hs.e-to-china.com/
Các loại thuế khác
Ngoài thuế quan, hàng hóa nhập khẩu vào Trung Quốc có thể bị áp các loại thuế khác như:
- Thuế giá trị gia tăng (VAT): Hàng hóa nhập khẩu vào Trung Quốc đều phải chịu thuế giá trị gia tăng, mức thuế VAT có sự khác biệt giữa các mặt hàng. Từ ngày 1/4/2019, mức thuế VAT áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu vào Trung Quốc giảm từ 10 % hoặc 16% xuống còn 9% hoặc 13%. Các mức thuế VAT áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu vào Trung Quốc gồm 3 loại:
+ Thuế suất tiêu chuẩn 13%: áp dụng đối với đa số hàng hóa nhập khẩu
+ Thuế suất 9%: áp dụng đối với các hàng hóa thiết yếu nhập khẩu, ví dụ: nông sản, các sản phẩm tiện ích
- Thuế tiêu thụ (Consumption tax): Các sản phẩm nhập khẩu chịu thuế tiêu thụ của Trung Quốc bao gồm (i) sản phẩm có hại cho sức khỏe như thuốc lá hoặc rượu, (ii) hàng xa xỉ như đồ trang sức và mỹ phẩm; (iii) các sản phẩm tiêu thụ nhiều năng lượng và các sản phẩm cao cấp như ô tô chở khách và xe máy, (iv) các sản phẩm không thể tái tạo và không thể thay thế như xăng, dầu… Mức thuế tiêu thụ cũng có sự khác biệt giữa các sản phẩm nhập khẩu khác nhau.
- Thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp và thuế tự vệ: Một số hàng hóa nhập khẩu vào Trung Quốc sẽ bị áp dụng thuế chống bán phá giá. Chống trợ cấp hoặc tự vệ nếu chúng thuộc phạm vi áp dụng của các loại thuế này
Bước 4: Khai báo nhập khẩu, nộp thuế và thông quan
Tất cả hàng hóa thương mại vận chuyển từ Việt Nam sang Trung Quốc sẽ phải thông báo cho cơ quan Hải quan Trung Quốc, Cơ quan có thẩm quyền về thủ tục giải phóng hàng của Trung Quốc.
Nhà nhập khẩu phải chuẩn bị các Bản khai hải quan (theo mẫu của Hải quan Trung Quốc có thể được tham khảo tại: http://english.customs.gov.cn/Statics/d3059c83-d370-4345-9910-aa94d4811137.html) và nộp cho Hải quan Trung Quốc kèm theo các chứng từ sau:
- Hoá đơn thương mại;
- Phiếu đóng gói;
- Vận đơn;
- Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O): Nếu hàng hóa muốn được hưởng ưu đãi thuế quan theo các FTA giữa Việt Nam với Trung Quốc thì doanh nghiệp phải nộp loại C/O tương ứng (Với ACFTA là C/O mẫu E, RCEP là C/O mẫu RCEP) do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp
- Giấy phép nhập khẩu (đối với trường hợp hàng hóa thuộc diện phải có giấy phép nhập khẩu)
- Giấy thông báo kết quả/Giấy chứng nhận kiểm tra của các cơ quan kiểm tra chuyên ngành (đối với trường hợp hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành)
- Giấy đề nghị miễn giảm các khoản phí, thuế trong đó mô tả chi tiết các thông tin cần thiết, các quy định, luật liên quan;
- Biên lai thuế hải quan (nếu hàng hóa thuộc diện chịu thuế).
Sau khi nhà nhập khẩu nộp đầy đủ các chứng từ và các loại thuế phí theo yêu cầu, Hải quan Trung Quốc sẽ thông quan cho lô hàng và giải phóng hàng hóa. Sau khi được thông quan và giải phóng, hàng hóa nhập khẩu sẽ được lưu hành tự do tại thị trường Trung Quốc.
Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI