Báo cáo "Thỏa thuận Xanh EU và Xuất khẩu của Việt Nam"
17/11/2023 3378Để triển khai mục tiêu xây dựng Liên minh châu Âu (EU) thành khu vực trung hòa về phát thải vào năm 2050, Thỏa thuận Xanh EU (European Green Deal) đã được Ủy ban châu Âu công bố ngày 13/12/2019 và được Hội đồng châu Âu biểu quyết thông qua ngày 15/01/2020.
Thỏa thuận Xanh EU (EGD) là một tập hợp các sáng kiến chính sách của EU nhằm giảm phát thải khí nhà kính và giảm thiểu việc sử dụng các nguồn lực tự nhiên trong phát triển kinh tế. Từ góc độ sản xuất kinh doanh, việc thông qua và từng bước thực thi các mục tiêu chính sách cụ thể trong EGD đồng nghĩa với việc các hoạt động kinh doanh trên hoặc với thị trường EU, trong đó có nhập khẩu, mua bán, sử dụng, tiêu thụ và thải bỏ các hàng hóa từ bên ngoài vào thị trường EU, sẽ phải đáp ứng các yêu cầu xanh cao hơn.
EU hiện đang là một trong các thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam, với tốc độ tăng trưởng ngày càng lớn dưới tác động tích cực, lan tỏa của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA). Để tiếp tục khai thác hiệu quả và bền vững thị trường này, việc hiểu và tuân thủ đầy đủ các quy định xanh ở thị trường EU là đặc biệt quan trọng với các nhà sản xuất, xuất khẩu Việt Nam cũng như các cơ quan quản lý Nhà nước liên quan.
Một Khảo sát nhanh do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thực hiện tháng 8/2023 cho thấy có một tỷ lệ đáng kể các doanh nghiệp và các chủ thể liên quan khác chưa từng biết tới hoặc chỉ nghe nói sơ qua về EGD hoặc các chính sách, quy định cụ thể triển khai EGD mà EU đã thực hiện đến thời điểm này.
Trong khi đó, không ít các chính sách, quy định cụ thể của EU triển khai thực thi EGD có ảnh hưởng trực tiếp tới hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này đã được ban hành, đang hoặc sẽ có hiệu lực trong thời gian sắp tới. Đồng thời, theo kế hoạch của EU, nhiều chính sách, quy định khác cũng sẽ được thực hiện trong thời gian tới, với nhiều tiêu chuẩn cao hơn, bao trùm nhiều loại hàng hóa nhập khẩu vào EU hơn.
Do đó, vấn đề cấp bách hiện nay với doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu Việt Nam sang EU là tìm hiểu về EGD, về các lộ trình cụ thể của Thỏa thuận này, về các chiến lược, quy định cụ thể đã ban hành, về tác động chung của EGD đối với xuất khẩu Việt Nam vào khu vực này cũng như về các yêu cầu xanh cụ thể mà EU đặt ra với các nhóm, loại hàng hóa khác nhau nhập khẩu vào Khối này. Đây sẽ là cơ sở để các doanh nghiệp có sự chuẩn bị, và hành động phù hợp nhằm đáp ứng các yêu cầu xanh của EU và tiếp tục xuất khẩu sang thị trường quan trọng này.
Để giúp các doanh nghiệp cùng các cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan có hiểu biết đầy đủ, chính xác về EGD và các ảnh hưởng của Thỏa thuận này tới tương lai xuất khẩu của Việt Nam vào EU, đặc biệt là ở một số lĩnh vực xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam và cũng là các khía cạnh EGD có nhiều tiêu chuẩn xanh mới, với sự hỗ trợ của Viện FNF Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI (Trung tâm WTO và Hội nhập) đã triển khai nghiên cứu, xây dựng Báo cáo “Thỏa thuận Xanh EU và Xuất khẩu của Việt Nam – Trường hợp của ngành nông sản, thực phẩm và dệt may”.
Báo cáo này được công bố tại Hội thảo "Thỏa thuận Xanh EU và Tác động tới xuất khẩu Việt Nam" do VCCI phối hợp với Viện FNF tổ chức tại Hà Nội ngày 16/11/2023 (link Hội thảo)
Báo cáo Tóm tắt được đăng tải trong tài liệu đính kèm dưới đây:
- Báo cáo Phân tích tình hình tuân thủ tiêu chuẩn từ chối nhập khẩu tại cửa khẩu của một số thị trường chính
- Việt Nam: Góc nhìn của doanh nghiệp - Rào cản vô hình trong thương mại
- Ấn phẩm: "Thị trường hạt điều Bắc Âu”
- Cẩm nang hướng dẫn XK mặt hàng cao su và sản phẩm cao su vào thị trường EU
- Cẩm nang hướng dẫn xuất khẩu mặt hàng thủy sản vào thị trường EU