Hỏi về cam kết mở cửa thương mại dịch vụ trong CPTPP

31/07/2020    984

Câu hỏi:

Trong quá trình nghiên cứu CPTTP về những cam kết của Việt Nam về vấn đề mở cửa thị trường dịch vụ, tôi có ba câu hỏi nhỏ, kính mong nhận được sự giải đáp từ Quý Trung tâm.
 
Câu hỏi 1: Qua đọc hiểu về CPTTP, tôi hiểu rằng hiệp định này áp dụng phương thức “chọn bỏ - negative list” vậy rất mong Quý Trung Tâm có thể hướng dẫn giúp quy định về cách áp dụng này được thể hiện cụ thể ở điều nào trong văn bản CPTTP.
 
Câu hỏi 2:  Đối với dịch vụ pháp lý, kiểm toán ,Việt Nam cam kết như thế nào đối với các hình thức sau đây: cung cấp qua biên giới (mode 1), tiêu dùng nước ngoài (mode 2), hiện diện thương mại (mode 3), hiện diện thể nhân (mode 4). Ở câu hỏi này tôi mong Quý Trung Tâm giải đáp giúp việc có ràng buộc hay không ràng buộc theo từng hình thức. Ví dụ Mode 1: có cam kết, ( hoặc không hạn chế), mode 2: ( có cam kết) ( hoặc không hạn chế).
 
Câu hỏi 3: Liên quan đến hiện diện thể nhân, tôi hiểu rằng, mode 4 cũng sẽ được quy định tại chương 10 của CPTTP. Vậy, trường hợp theo phụ lục I, II (các biện pháp không tương thích) của CPTTP quy định hình thức hiện diện thể nhân không cam kết , tuy nhiên tại Chương 12 có quy định cho phép nhà cung cấp dịch vụ đó theo hợp đồng để nhập cảnh và lưu trú tạm thời. Vậy trường hợp này, doanh nghiệp cần hiểu như thế nào cho đúng ạ?
 
Rất mong sớm nhận được hồi đáp của Quý Trung Tâm!

 

Trả lời:

Về câu hỏi của Anh, Trung tâm có hồi đáp như sau:

Câu hỏi 1Qua đọc hiểu về CPTPP, tôi hiểu rằng hiệp định này áp dụng phương thức “chọn bỏ - negative list” vậy rất mong Quý Trung Tâm có thể hướng dẫn giúp quy định về cách áp dụng này được thể hiện cụ thể ở điều nào trong văn bản CPTPP.  

Hiệp định CPTPP không có quy định riêng về phương thức "chọn - bỏ", mà phương thức này chỉ được thể hiện thông qua cách diễn giải nội dung các cam kết trong văn kiện Hiệp định.

Câu hỏi 2: 
Đối với dịch vụ pháp lý, kế toán ,Việt Nam cam kết như thế nào đối với các hình thức sau đây: cung cấp qua biên giới (mode 1), tiêu dùng nước ngoài (mode 2), hiện diện thương mại (mode 3), hiện diện thể nhân (mode 4). Ở câu hỏi này tôi mong Quý Trung Tâm giải đáp giúp việc có ràng buộc hay không ràng buộc theo từng hình thức. Ví dụ Mode 1: có cam kết, ( hoặc không hạn chế), mode 2: ( có cam kết) ( hoặc không hạn chế).

 
Đối với cam kết về mở cửa thị trường (market access), trong CPTPP Việt Nam không có cam kết cụ thể nào, chỉ có một bảo lưu chung là bảo lưu ANNEX II – VIET NAM – 36 tại Phụ lục II – Biện pháp không tương thích về Thương mại dịch vụ xuyên biên giới và đầu tư (link: http://trungtamwto.vn/upload/files/noi-dung-hiep-dinh/Annex-II.-Viet-Nam.pdf). Theo đó, Việt Nam bảo lưu Biểu cam kết mở cửa thị trường của VN trong WTO (trừ những lĩnh vực mở hơn). Dịch vụ kế toán không có cam kết mở hơn do đó sẽ tiếp tục giữ nguyên như WTO ở cả 4 mode.

Tuy nhiên, Chương 12 có thêm quy định về mode 4, lại mở hơn so với WTO đối với một số loại hình khách kinh doanh nhập cảnh tạm thời vào Việt Nam. Theo đó, thời hạn lưu trú đối với một số loại hình khách kinh doanh đươc kéo dài hơn so với WTO, đặc biệt đối với trường hợp: Nhà cung cấp dịch vụ theo hợp đồng (người làm việc trong một doanh nghiệp nước ngoài không có hiện diện thương mại tại Việt Nam và có một hợp đồng dịch vụ với một doanh nghiệp Việt Nam) có mở rộng lĩnh vực cho phép nhập cảnh so với WTO, trong đó bao gồm dịch vụ kế toán. Chi tiết xem tại http://trungtamwto.vn/pdfviewer/19377/tom-luoc-cptpp--chuong-12.pdf

Tóm lại, đối với nghĩa vụ mở cửa thị trường trong CPTPP, Việt Nam chỉ mở hơn dịch vụ kế toán ở mode 4, như cam kết trong Chương 12.

Câu hỏi 3: 
 Liên quan đến hiện diện thể nhân, tôi hiểu rằng, mode 4 cũng sẽ được quy định tại chương 10 của CPTPP. Vậy, trường hợp theo phụ lục I, II (các biện pháp không tương thích) của CPTPP quy định hình thức hiện diện thể nhân không cam kết , tuy nhiên tại Chương 12 có quy định cho phép nhà cung cấp dịch vụ đó theo hợp đồng để nhập cảnh và lưu trú tạm thời. Vậy trường hợp này, doanh nghiệp cần hiểu như thế nào cho đúng ạ?  

Câu 2 đã trả lời cho câu hỏi 3.

Trân trọng,
Trung tâm WTO và Hội nhập